Hội thảo quốc tế lần thứ II về nguồn lợi sinh vật biển Việt Nam năm 2013

14/06/2013
Nhằm đánh giá những kết quả đạt được từ 3 chuyến khảo sát tài nguyên sinh vật biển (2005, 2007, 2010) do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Phân viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga (FEB-RAS) thực hiện trên con tàu mang tên “Viện sỹ Oparin”, tại các vùng lãnh hải và đặc khu kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông, cũng như công bố những kết quả mới của chuyến khảo sát lần thứ 4 (từ 29/4 đến 8/6 năm 2013), VAST và FEB-RAS đồng tổ chức Hội thảo quốc tế lần thứ II về nguồn lợi sinh vật biển Việt Nam diễn ra trong 2 ngày 5-6/6/2013.

hoithaoquoctevesvbien
Toàn cảnh hội thảo

Tham dự Hội thảo về phía Việt Nam có GS. Châu Văn Minh, Chủ tịch VAST; GS. Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch VAST; PGS. TS Hà Duy Ngọ, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Viện; đại diện các Ban chức năng, Viện nghiên cứu chuyên ngành trực thuộc VAST. Cùng với sự tham dự của các đại diện lãnh đạo Bộ KHCN, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an…

Về phía Nga có ông Maslop Alexander, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam; TS. Dmitry L.Aminin, Khoa học trưởng, Trưởng đoàn khảo sát. Tham dự còn có các nhà khoa học đến từ Viện Hóa sinh hữu cơ Thái Bình Dương, Viện Sinh học biển và Viện Địa lý Thái Bình Dương, Phân Viện Viễn Đông - Viện Hàn lâm Khoa học Nga.

GS. Châu Văn Minh, Chủ tịch VAST phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, GS. Châu Văn Minh, Chủ tịch VAST cho biết Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Nga nói chung, Phân viện Viễn Đông Nga nói riêng đã có quan hệ hợp tác truyền thống từ rất lâu. Mối quan hệ hợp tác truyền thống này liên tục được duy trì và thúc đẩy trong nhiều chương trình nghiên cứu chung, đặc biệt là lĩnh vực khảo sát nghiên cứu biển. Do vậy, hội thảo về nguồn lợi sinh vật biển là cơ hội để hai bên cùng trao đổi các kết quả khoa học, đề xuất ý tưởng, mở ra hướng mới trong việc hợp tác giữa VAST và FEB-RAS. Chủ tịch hy vọng trên cơ sở những hợp tác nghiên cứu đã có chúng ta đào tạo được đội ngũ cán bộ khoa học nghiên cứu biển cho Việt Nam và phát triển nhanh lĩnh vực khoa học - công nghệ biển.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe 22 báo cáo của các nhà khoa học Việt Nam và Nga trình bày, đề cập tới các số liệu mới về tài nguyên sinh vật biển Việt Nam, đa dạng sinh học và hóa sinh vùng biển nước ta, bao gồm cả nghiên cứu về quần xã rạn san hô; công tác thu thập, xác định các loài rong biển, sinh vật, vi sinh vật biển để tìm kiếm các nguồn hợp chất có tính sinh học mới.

Qua 4 chuyến khảo sát trên tầu Oparin, các nhà khoa học đã thu thập được nhiều kết quả quan trọng.  Nhiều loài sinh vật mới, nhiều hợp chất hóa học mới từ sinh vật biển Việt Nam đã được xác định.Nhiều công trình khoa học đồng tác giả của các nhà khoa học Việt Nam và Liên Bang Nga có giá trị khoa học cao đã được công bố. 


Chụp ảnh lưu niệm

Tin và ảnh: Mai Lan




Tags:
Tin liên quan