Hội thảo quốc tế “Kết quả hợp tác nghiên cứu giữa Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam và Viện Khoa học tự nhiên Hoàng gia Bỉ”

21/04/2017
Được sự đồng ý của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội thảo quốc tế "Kết quả hợp tác nghiên cứu giữa Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam và Viện Khoa học tự nhiên Hoàng gia Bỉ” do Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (VNMN) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Viện Khoa học Tự nhiên Hoàng gia Bỉ (RBINS), đồng tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội (ngày 3-4 tháng 4 năm 2017) và tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình (ngày 5-6 tháng 4 năm 2017). Hội thảo đánh dấu giai đoạn hợp tác 10 năm giữa hai đơn vị trong khuôn khổ CEBios - tức Chương trình tăng cường năng lực hỗ trợ đa dạng sinh học và phát triển bền vững tại các nước đang phát triển.

Về phía đơn vị tổ chức, có PGS.TS.Nguyễn Trung Minh, Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, PGS.TS.Vũ Văn Liên, Phó Giám đốc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam và TS.Luc Janssens de Bisthoven, Giám đốc Chương trình Môi trường Tự nhiên của Viện Khoa học tự nhiên Hoàng gia Bỉ. Tham dự hội thảo, có ông Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện các Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn Thiên nhiên là địa điểm khảo sát nghiên cứu của CEBios cùng với các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam, châu Âu và Đông Nam Á, và các cơ quan thông tấn báo chí tham gia viết bài và đưa tin.

hoithaoBTTN.1

Chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo diễn ra ở Hà Nội

hoithaoBTTN.2

Chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo diễn ra ở Cúc Phương

Hội thảo đã nghe báo cáo đề dẫn, các tham luận và hàng chục ý kiến phản biện, trao đổi, tập trung bổ sung, làm rõ một số nội dung sau:

Thành tựu hợp tác 10 năm, đặc biệt là nghiên cứu về côn trùng học giữa VNMN và RBINS. Kể từ năm 2007, nhiều nghiên cứu viên Việt Nam đã tham gia vào khoá đào tạo ngắn hạn tại Viện Khoa học Tự nhiên Hoàng gia Bỉ, các nhà côn trùng học của Bỉ cũng tham gia các chuyến thực địa ở Việt Nam. Kết quả của sự hợp tác này đã giúp khám phá, bổ sung dữ liệu khoa học về khu hệ côn trùng tại Việt Nam, cũng như tập huấn nâng cao kĩ năng nghiên cứu của cả nghiên cứu viên cũng như kỹ thuật viên Việt Nam. Hợp tác song phương cũng hỗ trợ nâng cao khả năng quản lý bộ sưu tập, số lượng và chất lượng các bộ mẫu côn trùng cũng như việc nghiên cứu các mẫu vật hiện có tại BTTNVN. Ngoài ra, thông qua hợp tác, nhiều loài mới đã được nhà khoa học của hai bên tìm ra và công bố.

01 ngày tổng kết - chia sẻ kết quả và kinh nghiệm đối với các cơ quan hữu quan tại Việt Nam (các Bộ, Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn thiên nhiên, v.v). Hội thảo cũng tạo điều kiện cho các đại biểu tham gia 2 buổi thực địa khám phá đa dạng sinh học tại VQG Cúc Phương.

Hội thảo đã trở thành một nhịp cầu kết nối giữa các nhà phân loại học - côn trùng học từ nhiều quốc gia với các bên hữu quan, đặc biệt là với các đại biểu phụ trách công tác quản lý, hoạch định chính sách về bảo tồn đa dạng sinh học. Nhiều đại biểu đã nhận định Hội thảo có ích và cần thiết với hoạt động nghiên cứu-quản lý bảo tồn tài nguyên hướng tới sự phát triển bền vững của Việt Nam. Hy vọng rằng, trong tương lai, sẽ có nhiều hơn nữa những chương trình hợp tác cùng hội thảo chuyên đề tương tự, hội tụ đầy đủ hơn nữa mọi bên hữu quan để việc trao đổi và chia sẻ tri thức- kinh nghiệm được toàn diện hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nghiên cứu – quản lý bảo vệ các tài nguyên phục vụ một Việt Nam phát triển bền vững.

Sau 4 ngày làm việc với 6 phiên báo cáo và thảo luận cùng 2 chuyến thực địa, chiều ngày 6/4/2017, hội thảo đã kết thúc thành công tốt đẹp.

Tin bài: Phòng Quản lý Bộ sưu tập mẫu vật, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam
Xử lý tin: Thanh Hà



Tags:
Tin liên quan