Hội thảo lấy ý kiến về đề cương nghiên cứu Chương trình Tây Nguyên III

06/05/2010
Ngày 27/4/2010, Hội thảo lấy ý kiến về đề cương nghiên cứu Chương trình Tây Nguyên III đã được tổ chức tại thành phố Buôn Mê Thuật với sự tham dự của đồng chí Mai Văn Năm, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đồng chí Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đồng chí Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đồng chí Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện KHCNVN, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, đồng chí Trần Sỹ Thanh, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh ĐăK LăK; các đồng chí lãnh đạo Vụ Khoa học xã hội và Tài nguyên Bộ KHCN, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Viện Khoa học và Công nghệ VN, Viện Khoa học xã hội VN, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật VN, các Viện nghiên cứu, các Trường đại học và Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên.

Chủ trương nghiên cứu đánh giá và định hướng khai thác Tây Nguyên gắn liền với những mục tiêu, nhiệm vụ khoa học công nghệ chủ yếu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 67/2006/QĐ – BKHCN ra ngày 21/3/2006. Trong đó một trong những phương hướng chủ yếu là” “... Đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản trong các khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, chú trọng nghiên cứu có định hướng, ứng dụng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh...”

Hội nghị giao ban KHCN các tỉnh vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ X vào ngày 24/9/2009 tại Đắk Lắk do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Lạng chủ trì với gần 250 đại biểu đã nêu rõ nhu cầu cấp thiết xây dựng một chương trình Tây Nguyên III với mục tiêu điều tra đánh giá điều kiện, tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng khu vực Tây Nguyên trong giai đoạn mới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đáp ứng yêu cầu đó, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đã tiến hành xây dựng đề xuất dự thảo chương trình cấp Nhà nước “Nghiên cứu đánh giá tổng hợp tài nguyên môi trường và kinh tế - xã hội nhằm đề xuất chiến lược khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững Tây Nguyên giai đoạn 2010 – 2020 tầm nhìn 2030” với 4 mục tiêu cơ bản như sau:

  • Đánh giá thực trạng tài nguyên môi trường tự nhiên và kinh tế, văn hoá, xã hội của Tây Nguyên sau hơn 20 năm khai thác (kể từ sau chương trình Tây Nguyên II, năm 1988) nhằm đề xuất và xây dựng luận cứ KHCN phát triển bền vững Tây Nguyên giai đoạn 2010 – 2020 và tầm nhìn 2030.
  • Cung cấp cơ sở dữ liệu phục vụ qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên và các địa phương xây dựng kế hoạch 5 năm trước mắt và tiếp theo.
  • Nghiên cứu đề xuất chuyển giao công nghệ tạo ra các sản phẩm hàng hoá và công nghệ xử lý môi trường nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, phát triển tiềm lực KHCN Tây Nguyên.
  • Nghiên cứu cảnh báo thiên tai nguy hiểm thường xảy ra trên Tây Nguyên; đồng thời xây dựng các giải pháp phòng tránh giảm nhẹ thiệt hại do các dạng thiên tai này gây ra.

Trong dự thảo đề cương, để thực hiện được 4 mục tiêu cơ bản trên, chương trình sẽ tập trung nội dung nghiên cứu chính hướng tới mục tiêu phát triển bền vững Tây Nguyên bao gồm 3 cực:

  • Bền vững về tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá có hiệu quả và hàm lượng tri thức cao, thu hút được đầu tư doanh nghiệp.
  • Bền vững về quản lý tài nguyên hạn chế suy thoái môi trường bằng các công nghệ hiện đại.
  • Bền vững về quản lý xã hội, tăng lao động, việc làm duy trì bản sắc văn hoá dân tộc bằng các chủ trương chính sách, mô hình tổ chức xã hội phù hợp qui luật khách quan.

Phát biểu tại buổi hội thảo, đồng chí Mai Văn Năm, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đánh giá việc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đề xuất chương trình khoa học - công nghệ cấp Nhà nước “Nghiên cứu đánh giá tổng hợp tài nguyên môi trường, kinh tế - xã hội và đề xuất luận cứ khoa học công nghệ phục vụ chiến lược phát triển bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn 2030” trong bối cảnh hiện nay là cần thiết. Đồng thời, đồng chí Mai Văn Năm cũng bày tỏ hy vọng các nhà khoa học, các cán bộ quản lý sẽ đóng góp những ý kiến khách quan, khoa học để các cơ quan chủ trì tiếp thu hoàn chỉnh đề cương Chương trình Tây Nguyên III.

Tin: Quỳnh Trang
Ảnh: Thu Hoài (Ban Ứng dụng và Triển khai Công nghệ)

 



Tags:
Tin liên quan