Hội thảo khoa học về kết quả chuyến khảo sát biển Việt Nam bằng tàu Viện sỹ Lavrentiev
Để triển khai lộ trình đã ký kết, năm 2019 VAST và FEBRAS quyết định tổ chức chuyến khảo sát biển bằng tàu Viện sĩ Lavrentiev với mục tiêu cập nhật những thông tin về địa chất, địa vật lý, địa hóa, hải dương học và thu mẫu vật phục vụ phân tích. Tham gia chuyến khảo sát bao gồm 35 nhà khoa học đến từ Viện Hải Dương học Thái Bình Dương – Viện HLKH Nga và 10 cán bộ khoa học Việt Nam từ Viện Địa chất và Địa vật lý biển, Viện Tài Nguyên Môi Trường Biển, Viện Hải Dương Học, Viện Địa chất và sự tham gia của các Bộ, ngành Việt Nam có liên quan.
Để đánh giá các kết quả đạt được trong chuyến khảo sát cũng như đề xuất hợp tác mới giữa các nhà khoa học Việt Nam và Liên bang Nga trong nghiên cứu các vấn đề liên quan đến Biển Đông nói riêng và Thái Bình Dương nói chung, ngày 26/11/2019 tại Hà Nội, Viện Hàn lâm KHCNVN và Phân viện Viễn Đông – Viện HLKH Nga phối hợp đồng tổ chức “Hội thảo khoa học về kết quả chuyến khảo sát biển bằng tàu Viện sỹ Lavrentiev”.
Toàn cảnh hội thảo
Tại Hội thảo, các nhà khoa học hai nước đã báo cáo các kết quả đã thu được trong chuyến khảo sát, đồng thời thảo luận về kế hoạch của chuyên khảo sát tiếp theo, dự kiến sẽ tổ chức vào năm 2021. Đặc biệt, các nhà khoa học đã trao đổi về kế hoạch thực hiện các nghiên cứu đối với các mẫu vật và số liệu thu được và cùng nhau công bố một số kết quả về:
- Nghiên cứu đặc điểm và dị thường các trường địa vật lý xác định một số đặc điểm cấu trúc địa chất thềm lục địa.
- Nghiên cứu đặc điểm địa tầng địa chất khu vực thềm lục địa.
- Nghiên cứu đặc điểm địa hóa khí trong trầm tích và nước biển.
- Nghiên cứu đặc điểm trầm tích thềm lục địa Việt Nam.
- Nghiên cứu đặc điểm địa mạo đáy biển.
- Nghiên cứu một số đặc điểm hải dương học trong lớp nước bề mặt (nhiệt độ, độ muối, mầu sắc nước biển).
GS.VS. Châu Văn Minh phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.VS. Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện HLKHCNVN đánh giá cao nỗ lực của cả hai bên trong quá trình hợp tác thực hiện chuyến khảo sát nghiên cứu biển năm 2019 vừa qua, đồng thời gửi lời cám ơn tới các Bộ, ban ngành đã có sự giúp đỡ hiệu quả để chuyến khảo sát biển được thành công trong đó có Bộ ngoại giao hai nước, Đại sứ quán Nga tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Đài truyền hình Việt Nam… Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh hy vọng hội thảo lần này không chỉ là dịp để các nhà khoa học báo cáo kết quả đạt được trong chuyển khảo sát biển 2019 vừa qua mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới trong tương lai.
GS.VS. V.I.Sergienko – Viện HLKH Nga phát biểu tại hội thảo
GS.VS. V.I.Sergienko – Viện HLKH Nga nhận định, đây là chuyến khảo sát chuyên về địa chất và địa vật lý biển trong đó nghiên cứu, khảo sát về trầm tích biển, sinh học và sinh thái biển, đặc điểm địa mạo đáy biển,… khối lượng công việc là khá lớn và gặp khó khăn không ít, nhưng với sự nỗ lực của cả hai bên chuyến khảo sát biển đã thành công tốt đẹp. Giáo sư, Viện sĩ Sergienko bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa để hoàn thành tốt các mục tiêu đặt ra trong lộ trình hợp tác hai bên đã ký kết năm 2018.
Các nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo
Trước đó, giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã có nhiều hợp tác chặt chẽ về nghiên cứu biển, cụ thể: - Năm 2005, Viện Hải dương học – Viện HLKHCNVN phối hợp với Viện Sinh hóa hữu cơ Thái Bình Dương thuộc Phân viện Viễn Đông – Viện HLKH Nga tiến hành khảo sát chung tại các vùng đặc khu kinh tế của Việt Nam trên tàu Viện sỹ Oparin lần thứ 1; - Năm 2007, Viện Hải dương học – Viện HLKHCNVN phối hợp với Viện Sinh hóa hữu cơ Thái Bình Dương thuộc Phân viện Viễn Đông – Viện HLKH Nga tiến hành khảo sát chung tại các vùng đặc khu kinh tế của Việt Nam trên tàu Viện sỹ Oparin lần thứ 2; - Năm 2010, Viện Hóa học hợp chất thiên nhiên – Viện HLKHCNVN phối hợp với Viện Sinh hóa hữu cơ Thái Bình Dương thuộc Phân viện Viễn Đông – Viện HLKH Nga tiến hành khảo sát chung tại các vùng đặc khu kinh tế của Việt Nam trên tàu Viện sỹ Oparin trong khuôn khổ dự án “Điều tra nghiên cứu tổng hợp phục vụ khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lợi sinh học biển, bảo vệ đa dạng sinh học và các hệ sinh thái trên vùng thềm lục địa Việt Nam” (dự án số 19, tiểu dự án 1) thuộc Chương trình hợp tác quốc tế “Điều tra, khảo sát tài nguyên môi trường Biển Đông giữa Việt Nam và các nước” (Đề án 47); - Năm 2013, Viện Nghiên cứu ứng dụng Nha Trang – Viện HLKHCNVN phối hợp với Viện Sinh hóa hữu cơ Thái Bình Dương thuộc Phân viện Viễn Đông – Viện HLKH Nga tiến hành khảo sát biển lần thứ 4 nhằm bổ sung thông tin cần thiết cũng như điều tra toàn diện đa dạng sinh học và hóa sinh của Biển Đông bao gồm cả nghiên cứu về quần xã rạn san hô, cũng như thu thập và xác định các loài rong biển, sinh vật và vi sinh vật biển để tìm kiếm các nguồn mới, các chất có hoạt tính sinh học mới. Cập nhật những số liệu về tài nguyên sinh vật biển Việt Nam, phát triển hướng nghiên cứu về khoa học và công nghệ biển và đào tạo cán bộ nghiên cứu cho Việt Nam; - Năm 2016, Viện Hải dương học, cùng Viện Hóa học hợp chất thiên nhiên, Viện Hóa sinh biển, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang, Viện Công nghệ vũ trụ thuộc Viện HLKHCNVN phối hợp với Viện Sinh hóa hữu cơ Thái Bình Dương và các viện chuyên ngành thuộc Phân viện Viễn Đông – Viện HLKH Nga tiến hành chuyến khảo sát biển lần thứ 5. |