Hội thảo khoa học giới thiệu kết quả đề tài hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế

06/12/2022
Ngày 18/11/2022 tại Thừa Thiên Huế, Viện Tài nguyên và Môi trường biển cùng với Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội thảo khoa học nhằm giới thiệu kết quả nghiên cứu trong khuôn khổ chương trình hợp tác về khoa học công nghệ giai đoạn 2021-2025 đã được ký kết giữa Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Ủy Ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế (UBND tỉnh Thừa Thiên Huế).

Đề tài “Nghiên cứu đánh giá biến động nguồn lợi, đặc điểm sinh học sinh sản cá Bống thệ (Oxyurichthys tentacularis) phục vụ bảo vệ và phát triển nguồn lợi tại đầm phá Tam Giang - Cầu Hai tỉnh Thừa Thiên Huế” do TS. Đặng Đỗ Hùng Việt, Viện Tài nguyên và Môi trường biển làm chủ nhiệm thuộc Hợp phần I do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cấp kinh phí thông qua Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ nhằm cung cấp các số liệu về hiện trạng nguồn lợi, đặc điểm sinh học sinh sản của cá Bống thệ phục vụ cho việc triển khai nghiên cứu ở Hợp phần II về “Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất nhân tạo giống cá Bống thệ (Oxyurichthys tentacularis) tại Thừa Thiên Huế” do tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến cấp kinh phí thực hiện.

PGS. TS. Nguyễn Văn Quân và TS. Hồ Thắng đồng chủ trì Hội thảo

Trong số 23 loài cá có giá trị kinh tế và bảo tồn nguồn lợi trong khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai đã được Viện Tài nguyên và Môi trường biển nghiên cứu sơ bộ ở các nghiên cứu trước đây, cá Bống thệ được xác định là loài vừa có giá trị kinh tế cao, mang truyền thuyết về vùng đất lịch sử cũng như có tiềm năng để xây dựng chỉ dẫn địa lý phát triển nghề nuôi cá Bống thệ thành sản phẩm hàng hóa trong tương lai gần tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Cá bống thệ béo tròn, có thịt thơm ngon và được coi là loài hải sản quý hiếm, giàu dinh dưỡng. Cá Bống thệ hay còn gọi cá Thệ, trước đây dùng để tiến Vua, thường có nhiều ở vùng đầm phá Tam Giang. Cá xuất hiện nhiều vào mùa mưa và sau này trở thành món ăn phổ biến trong bữa cơm của người trong vùng. Tuy nhiên do sức ép từ khai thác thủy sản diễn ra trong nhều năm dẫn tới nguồn lợi quý hiếm này càng ngày cạn kiệt.

Cá Bống Thệ Oxyurichthys tentacularis (Valenciennes, 1837) 

Qua hai năm (2021-2022) triển khai đề tài, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 bùng phát, phải đối mặt với những hạn chế do chủ trương dãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Nhóm tác giả đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác địa phương như Trung tâm giống Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thừa Thiên Huế) để triển khai các hoạt động thực địa và đã thu thập đầy đủ các mẫu vật và tư liệu theo như thiết kế ban đầu. Một số kết quả sơ bộ ban đầu đã được trình bày tại hội thảo nhằm xin ý kiến tham vấn từ các nhà khoa học, cán bộ quản lý chuyên ngành thủy sản, môi trường và đại diện các hộ nuôi trồng thủy sản:

  1. Đã đánh giá được trữ lượng khai thác cá Bống thệ ngoài tự nhiên trong hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai là khoảng 10-15 tấn/vụ khai thác.
  2. Đã có được những thông tin cơ bản về: địa điểm phân bố của đàn cá bố mẹ, các yếu tố môi trường: nước, chất đáy, sinh cảnh tại các khu vực phát hiện trứng cá và ấu trùng cá Bống thệ, con non.
  3. Có được các số liệu cơ bản về đặc điểm sinh học sinh sản cúa cá Bống thệ: tỷ lệ đực : cái, thời điểm chín muồi của tuyến sinh dục, mùa vụ sinh sản của cá Bống thệ, thức ăn của con trưởng thành và con non.
  4. Giá trị dinh dưỡng của cá Bống thệ so với các loài thủy sản khác với hàm lượng một số axit amin cao bằng hoặc hơn cá Hồi.
  5. Thu thập được các thông tin về nguyên nhân gây suy giảm nguồn lợi cá Bống thệ cũng như đề xuất giải pháp nhằm quản lý bền vững nguồn lợi.
  6. Công bố được 01 bài báo quốc tế đăng trên Tạp chí thuộc danh mục SCIE, 01 bài báo thuộc danh mục VAST 02 và góp phần đào tạo thành công 01 Tiến sĩ đã được cấp bằng.
Chủ nhiệm đề tài TS. Đặng Đỗ Hùng Việt báo cáo sơ bộ các kết quả của đề tài
 
Hội thảo đã dành nhiều thời gian cho việc nhận xét, trao đổi thông tin từ các đại biểu tham dự. Về cơ bản, các ý kiến đều đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Ban chủ nhiệm đề tài là công phu, có nhiều thông tin mới mẻ, chất lượng khoa học đảm bảo, có độ tin cậy cao với minh chứng là các bài báo khoa học được đăng trên Tạp chí Quốc tế có uy tín. Đại diện các hộ nuôi trồng thủy sản đề nghị Sở KHCN tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp nhận các kết quả của đề tài thuộc Hợp phần I và phổ biến rộng rãi trong ngành nuôi trồng thủy sản của địa phương. Trong khi, cá Bống thệ là đối tượng có giá trị kinh tế và tiềm năng nhưng chưa thể phát triển thành nghề nuôi do không chủ động được nguồn giống. Đại diện của các Sở ban ngành cũng đề nghị Sở tư vấn cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho tiếp tục triển khai Hợp phần II đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất nhân tạo giống cá Bống thệ (Oxyurichthys tentacularis) tại Thừa Thiên Huế” nhằm sớm có thể tạo ra nguồn giống cá Bống thệ bằng sinh sản nhân tạo, chủ động cung cấp cho các hộ nuôi với chất lượng giống đảm bảo và giá thành hợp lý nhất.
 
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Văn Quân đại diện cho cơ quan chủ trì đề tài nhấn mạnh: các kết quả nghiên cứu được giới thiệu tại Hội thảo khoa học mới chỉ là nghiên cứu sơ bộ, những hiểu biết về cá Bống thệ còn rất ít ở Việt Nam. Viện sẽ đề nghị nhóm tác giả tiếp thu các ý kiến nhận xét đánh giá của các quý vị đại biểu, các nhà khoa học địa phương để có những định hướng cho công tác nghiên cứu quy trình sản xuất xuất giống nhân tạo từ nguồn cá bố mẹ bản địa để tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng và có tính cạnh tranh so với các giống thủy sản hiện có. Nhân dịp này, PGS.TS. Nguyễn Văn Quân cũng gửi lời cảm ơn tới Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, các Sở ban ngành và người dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những chỉ đạo, định hướng, ủng hộ và có hỗ trợ kịp thời, động viên Ban chủ nhiệm đề tài hoàn thành tốt nhiệm vụ.
 
TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu kết luận Hội thảo: đánh giá cao những kết quả ban đầu của đề tài đã đạt được và nhận định các thông tin mà tập thể các nhà khoa học thực hiện đề tài giới thiệu trong hội thảo là tin cậy, các sản phẩm kèm theo đảm bảo chất lượng và có tính ứng dụng cao với địa phương. Sau khi Hợp phần I được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiệm thu và thông qua, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tư vấn cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ủng hộ cho thực hiện Hợp phần II với mục tiêu là có được quy trình kỹ thuật sinh sản cá Bống thệ, nhanh chóng ứng dụng các kết quả khoa học vào thực tiễn sản xuất góp phần tạo sinh kế, xóa đói giảm nghèo…giảm áp lực từ khai thác lên nguồn lợi tự nhiên của Khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang – Cầu Hai.
Nguồn tin: TS. Đặng Đỗ Hùng Việt, Viện Tài nguyên và Môi trường biển
Xử lý tin: Mai Lan 
 

 



Tags:
Tin liên quan