Hội thảo khoa học “Adenovirus tái tổ hợp và ứng dụng làm vector vaccine thế hệ mới”

08/12/2010
Sáng ngày 23/11/2010 tại Hội trường đa năng nhà A1 - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã diễn ra Hội thảo khoa học Đề tài KC04.24/06-10 với chủ đề “Adenovirus tái tổ hợp và ứng dụng làm vector vaccine thế hệ mới” do Viện Công nghệ sinh học tổ chức. Tới dự Hội thảo có các nhà nghiên cứu khoa học của Viện Công nghệ sinh học và nhiều nhà nghiên cứu khoa học trẻ đến từ các đơn vị khác trong cả nước thuộc Viện Thú y Quốc gia, Trung tâm Kiểm nghiệm thú y trung ương, Học viện Quân y 103, Bệnh Viện 7A Quân khu 7 – TP. Hồ Chí Minh, Viện Sốt rét- Ký sinh trùng và Côn trùng trung ương, Trường Đại học Công nghệ, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, là những người có sự quan tâm lớn đối với công nghệ vector adenovirus để sản xuất vaccine thế hệ mới.

 
Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo các nhà khoa học đã trình bày các báo cáo với những nội dung liên quan tới các phương pháp nghiên cứu, kết quả nghiên cứu của Đề tài KC04.24/06-10 do các nhà khoa học Viện Công nghệ sinh học phối hợp với Trường Đại học Guelph ở Ontario, Ca-na-đa thực hiện. Đây là dịp để các nhà khoa học cùng nhìn lại quá trình nghiên cứu, trình bày các kết quả đạt được, trao đổi kinh nghiệm, thảo luận và đưa ra những định hướng tiếp theo nhằm đẩy mạnh tiến độ công việc trong giai đoạn tới.


PGS.TS. Lê Thanh Hòa, Viện Công nghệ Sinh học, trình bày báo cáo

Đề tài KC04.24/06-10, với chủ đề: “Nghiên cứu phát triển công nghệ vector adenovirus để sản xuất vaccine cho động vật, trên mô hình gen kháng nguyên VP2 (virus protein 2) phòng bệnh Gumboro”, là đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước được bắt đầu từ 2009 đến 2010 do PGS.TS. Lê Thanh Hòa thuộc Viện Công nghệ sinh học làm chủ nhiệm và đối tác nước ngoài chính cùng thực hiện là GS.TSKH Eva Nagy,  thuộc trường Đại học Guelph ở Ontario, Ca-na-đa.


Minh hoạ các bước thực hiện quy trình sản xuất tế bào gan phôi gà

Đến nay, Đề tài KC04.24/06-10 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có thể kể đến như:

  • Thiết kế thành công hộp gen, plasmid con thoi và tái tổ hợp vào adenovirus HAd5 tạo adenovirus tái tổ hợp HAd5-VP2; và vào adenovirus gia cầm FAd9, tạo adenovirus tái tổ hợp FAd9-VP2 làm vaccine.
  • Nuôi cấy thành công tế bào gan phôi gà một lớp (CEL) cho cấy giống adenovirus tái tổ hợp VP2 (FAd9-VP2);
  • Xác định tính thích ứng của giống virus FAd9-VP2 và chọn giống FAd9-VP2-L do có khả năng nhân lên tốt trên CEL;
  • Xác định thời điểm thu hoạch thích hợp nhất là 72 giờ sau khi cấy;
  • Xây dựng xong quy trình công nghệ sản xuất tế bào gan phôi gà;
  • Thực hiện thành công công nghệ tế bào gan phôi gà để sản xuất virus làm vaccine và xác định giống thích hợp;
  • Đã sản xuất 5000 liều vaccine, kiểm nghiệm miễn dịch và đang trong giai đoạn cuối kết thúc đề tài.

Việc sử dụng vaccine gây miễn dịch cho động vật được coi là phương thức quan trọng và hiệu quả trong phòng chống nhiều bệnh truyền nhiễm. Do đó, công nghệ sản xuất vaccine đã không ngừng phát triển, nhiều thế hệ vaccine được ra đời đặc biệt là các loại vaccine thế hệ mới. Bên cạnh việc phát triển vaccine DNA và vaccine protein tái tổ hợp thì vaccine thiết kế dựa trên vector virus tái tổ hợp ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển vaccine thế hệ mới với nhiều lợi thế về phương thức sử dụng, phương pháp kiểm tra, hiệu quả miễn dịch…. Trong các hệ thống vector dẫn truyền gen kháng nguyên làm vaccine thế hệ mới, hệ thống vector adenovirus được đặc biệt chú ý nghiên cứu và sử dụng. Trên thế giới, hệ thống dẫn truyền adenovirus đã được làm vector vaccine đối với nhiều bệnh trên người, gia súc và gia cầm. Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn còn quá ít các nghiên cứu và ứng dụng của hệ thống vector adenovirus.

Do đó, có thể nói Đề tài KC04.24/06-10 là một trong những đề tài nghiên cứu tiên phong ở Việt Nam về hệ thống vector adenovirus dẫn truyền gen kháng nguyên làm vaccine thế hệ mới cho động vật. Hiện nay, Đề tài KC04.24/06-10 đang thực hiện những phần việc ở giai đoạn cuối và sẽ kết thúc trong năm 2010.


Chụp ảnh kỷ niệm sau Hội thảo

Tin & Ảnh: Minh Tâm




 



Tags:
Tin liên quan