Hội thảo “Đánh giá thực trạng và sự phân bố các loài thực vật bị đe dọa toàn cầu tại Đông Dương"
Giáo sư Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và bà Olga Marth Montiel, Phó Chủ tịch của Tổ chức Bảo tồn và Phát triển bền vững thuộc Vườn Thực vật Missouri, Hoa Kỳ đã tới dự và phát biểu khai mạc tại Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có khoảng 50 đại biểu Việt Nam là đại diện của các viện nghiên cứu, trường đại học và các trung tâm nghiên cứu về môi trường, sinh thái và tài nguyên thiên nhiên tại Hà Nội và 20 khách nước ngoài đến từ các tổ chức quốc tế như BirdLife International Indochina, Fauna and Flora International - Vietnam Conservation Support Programme, Hiệp hội Bảo tồn thế giới (IUCN), WWF Greater Mekong Programme,…
Tại Hội thảo đã có 15 bài báo cáo được trình bày bởi đại diện của các cơ quan: Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Vườn Thực vật Missouri - Hoa Kỳ, Đại học Quốc gia Lào, Đại học Hoàng gia Phnôm-Pênh - Campuchia, Tổ chức các Vườn Thực vật Thái Lan, Vườn Thực vật Côn Minh - Trung Quốc và Hiệp hội Bảo tồn thế giới (IUCN). Đây cũng là các cơ quan tham gia thực hiện Dự án bên cạnh tổ chức Bảo tồn các vườn thực vật quốc tế (Botanic Gardern Conservation International-BGCI), Frontier, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật và Viện Sinh học nhiệt đới thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Nội dung của các báo cáo chủ yếu xoay quanh chủ đề Danh sách đỏ thực vật, những nỗ lực bảo tồn và kế hoạch cho tương lai tại các nước: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Trung Quốc. Bên cạnh đó, một số báo cáo khác đã trình bày về các chức năng và những ứng dụng của các tiêu chuẩn và xếp hạng danh sách đỏ, dịch vụ thông tin mới về các loài của IUCN do chính các báo cáo viên của tổ chức này giới thiệu.
Trong những năm gần đây, do sự phát triển và mở rộng kinh tế cùng sự gia tăng dân số đã dẫn đến việc nhiều loài thực vật rơi vào nguy cơ bị đe dọa. Xuất phát từ thực tế đó, Dự án đã được xây dựng nhằm đánh giá thực trạng của các loài thực vật đang bị đe doạ, từ đó đưa ra những giải pháp tích cực nhằm bảo tồn và xây dựng những kế hoạch cho tương lai.
Hội thảo kết thúc tốt đẹp, là cơ hội để các nhà khoa học và quản lý trao đổi những kinh nghiệm và bài học quý báu, cùng nhau nỗ lực cho một thế giới tốt đẹp hơn.
Tin: Lương Thúy Hằng (Ban Hợp tác - Quốc tế)