Hội nghị tham vấn về Dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi)
Tham dự hội nghị, về phía Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội có đồng chí Phan Xuân Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban KHCNMT của Quốc hội và đại diện Ủy ban KHCNMT; đại diện Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban soạn thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi). Về phía Viện Hàn lâm KHCNVN có GS.Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện; GS.VS.Nguyễn Văn Hiệu, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam cùng đại diện Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn thanh niên, các đơn vị giúp Chủ tịch Viện và lãnh đạo các Viện nghiên cứu trực thuộc, Chủ tịch Hội đồng khoa học các ngành.
Toàn cảnh hội nghị
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã tham gia góp ý về Dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), nhưng ý kiến chung đều cho rằng Dự thảo Luật không có nhiều thay đổi về bản chất của yêu cầu quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, tính khả thi không cao và chưa tạo ra một sự chuyển biến nào đáng kể trong sự nghiệp KHCN. Chưa thực sự rõ vai trò quản lý nhà nước của Bộ KHCN mà vẫn tập trung vào quản lý tác nghiệp.
Dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ chưa xác định rõ bản chất khác nhau của các loại hình tổ chức khoa học và công nghệ để có quy định về quản lý phù hợp với từng loại đối tượng. Việc phân loại tổ chức KHCN như Dự thảo luật rất trừu tượng và không đáp ứng được yêu cầu quản lý, chưa làm căn cứ pháp lý để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật khác phù hợp và tạo động lực cho sự phát triển KHCN. Việc phân loại tổ chức không rõ ràng này sẽ gây một loạt hệ lụy tiếp theo trong công tác quản lý mà thực tiễn đã và đang chứng minh. Phân loại tổ chức để quản lý là yêu cầu hàng đầu, cần phải được xem xét lại một cách nghiêm túc. Nếu không, toàn bộ Dự thảo Luật không đạt yêu cầu về quản lý.
Việc đưa khái niệm doanh nghiệp khoa học và công nghệ vào Luật vẫn còn mơ hồ, trong khi không chỉ rõ được doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp khoa học và công nghệ vẫn hoạt động theo Luật Doanh nghiệp thì Luật Khoa học và Công nghệ có điều chỉnh không? Điều chỉnh đến mức nào? Liệu có sự chồng chéo hay không?
Các đại biểu cũng nêu ý kiến đề nghị cho riêng một chương về Viện Hàn lâm. Viện Hàn lâm là trung tâm nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nghiên cứu phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ hàng đầu cả nước, được nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển. Viện Hàn lâm do Chính phủ thành lập, có quyền chủ động cao trong các hoạt động về nghiên cứu khoa học, đào tạo, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy. Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và chính sách đặc thù đối với Viện Hàn lâm.
![]() | ![]() |
![]() | ![]() |
Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại hội nghị
![]() | ![]() |
Đại diện Ban soạn thảo Luật KH&CN (sửa đổi) và đại diện Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại hội nghị
Tin và ảnh: Thanh Hà