Hội nghị Hóa học quốc tế lần thứ nhất tại USTH
Khai mạc Hội nghị sáng 09/12/2022
GS. Jean-Marc Lavest, Hiệu trưởng chính USTH phát biểu chào mừng
Phát biểu chào mừng Hội nghị, GS. Jean-Marc Lavest, Hiệu trưởng chính USTH cho biết mục tiêu của Hội nghị là đưa những nhà hóa học giỏi đến Việt Nam nhằm kết nối và hợp tác trong nghiên cứu quốc tế. Các lĩnh vực được thảo luận tại Hội nghị là những lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy mà USTH chú trọng đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là một quốc gia đang phát triển nhanh chóng và đã có những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 27 (COP 27).
Hội nghị thu hút sự tham dự của hơn 100 nhà nghiên cứu đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Việt Nam, hứa hẹn trở thành cầu nối giữa cộng đồng Hóa học Việt Nam và cộng đồng Hóa học quốc tế, đem tới cho các nhà hóa học trẻ của Việt Nam cơ hội gặp gỡ, trao đổi với các nhà hóa học quốc tế.
Với chủ đề Hóa học vì sự phát triển bền vững, Hội nghị trọng tâm thảo luận 3 lĩnh vực nghiên cứu: Hóa học trong chuyển hóa và tích trữ năng lượng (Chemistry for Energy Conversion and Storage); Hóa học trong phân tích và xử lý môi trường (Chemistry for Environment Analysis and Treatment); Hóa học trong chăm sóc sức khỏe (Chemistry for Health Care). Hội nghị đã nhận được số lượng lớn bài tóm tắt khoa học gửi về; trong đó 9 báo cáo mời và 24 báo cáo thuyết trình đã được lựa chọn để trình bày trong các phiên thảo luận chính. Bên cạnh đó, Hội nghị còn có 22 báo cáo poster của các nhà khoa học trẻ để giới thiệu về các kết quả mới nhất trong nghiên cứu khoa học.
Diễn giả chính của Hội nghị là các nhà nghiên cứu có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực Hóa học như GS. Kazunari Domen (Đại học Tokyo, Nhật Bản), GS. Licheng Sun (Viện Công nghệ Hoàng gia KTH, Thụy Điển), GS. Ki-Joon Jeon (Đại học Inha, Hàn Quốc), GS. Bùi Thị Ngọc (Đại học Oklahoma, Mỹ), PGS. TS. Từ Bình Minh (Khoa Hóa học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội), PGS. TS. Nguyễn Hải Đăng (Phó Hiệu trưởng USTH).
Trong đó, tại phiên khai mạc sáng 09/12/2022, Hội nghị đã được nghe GS. Kazunari Domen (Đại học Tokyo, Nhật Bản) trình bày về “Quang xúc tác cho phản ứng phân tách nước ứng dụng trong sản xuất lượng lớn Hydrogen từ năng lượng mặt trời”. Ông là một trong những đại thụ trong lĩnh vực xúc tác nói chung và quang xúc tác nói riêng cho phản ứng tách nước sử dụng năng lượng từ mặt trời. Hướng nghiên cứu của GS. Kazunari Domen tập trung vào phát triển các xúc tác từ những vật liệu có trữ lượng lớn trong tự nhiên, từ đó giảm thiểu chi phí khi áp dụng sản xuất quy mô lớn. Những nghiên cứu này có ý nghĩa lớn cho quá trình chuyển dời từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo của thế giới.
Tiếp đó là GS. Licheng Sun (Viện Công nghệ Hoàng gia KTH, Thụy Điển) với bài trình bày về “Xúc tác cho quá trình phân tách nước để sản xuất nhiên liệu từ mặt trời: các quá trình quang tổng hợp từ tự nhiên đến nhân tạo”. Ông nổi tiếng với các lĩnh vực nghiên cứu như Quang Hóa học (Photochemistry), Xúc tác, Pin mặt trời với thuốc nhuộm nhạy quang và Điện hóa. GS. Licheng Sun có nhiều công trình nghiên cứu về Quang tổng hợp nhân tạo (Artificial photosynthesis), phản ứng oxi hóa khử, hoạt tính xúc tác của phức Ruthenium; pin quang điện ứng dụng điện phân nước. Giáo sư còn nghiên cứu các hệ pin mặt trời với chất nhuộm nhạy quang nhằm khảo sát nâng cao hiệu suất chuyển hóa năng lượng của các hệ pin này. Các kết quả nghiên cứu của GS. Licheng Sun cũng đã góp phần rất lớn vào hệ thống kiến thức về xúc tác cho sản xuất hydrogen, quá thế và điện phân.
Thanh Hà