GS.TS. Trịnh Văn Tuyên tâm huyết phát triển hướng nghiên cứu công nghệ, kỹ thuật xử lý ô nhiễm môi trường
GS.TS. Trịnh Văn Tuyên tại phòng làm việc
GS.TS.NCVCC. Trịnh Văn Tuyên sinh năm 1962, nguyên là Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường. Ông tốt nghiệp chuyên ngành chế tạo máy, Trường Đại học Thủy lợi Tashkent, Liên Xô cũ năm 1986, đạt học vị Tiến sĩ chuyên ngành Công nghệ hóa học - môi trường tại Trường Tổng hợp Quốc gia Kỹ thuật môi trường Matxcova, Liên bang Nga năm 1998, tham gia thực tập sinh khoa học tại Tsukuba, Nhật Bản và được phong hàm Giáo sư năm 2020.
GS.TS. Trịnh Văn Tuyên là tác giả và đồng tác giả của 84 bài báo khoa học, trong đó có 32 bài được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín, là tác giả và đồng tác giả của 6 sách chuyên khảo và sách giáo trình, được cấp 7 bằng độc quyền sáng chế và bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Ông đã và đang chủ nhiệm nhiều đề tài, nhiệm vụ các cấp; hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh, học viên cao học về chuyên ngành Kỹ thuật môi trường. Các hướng nghiên cứu chủ yếu là Nghiên cứu phát triển và ứng dụng các công nghệ, thiết bị nhiệt phân để xử lý chất thải rắn và chất thải nguy hại công nghiệp và y tế; Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ oxy hóa tiên tiến để xử lý nước thải; Nghiên cứu cải tiến và triển khai ứng dụng công nghệ và thiết bị trong xử lý chất thải rắn nguy hại công nghiệp, y tế và nghiên cứu công nghệ xử lý nước thải y tế, nước rỉ rác...
Những nỗ lực không ngừng
Ngay từ những ngày đầu thành lập Viện Công nghệ môi trường, ông đã làm việc tại phòng Nghiên cứu Kỹ thuật môi trường. Thời điểm đó, vấn đề ô nhiễm môi trường đang diễn ra rất phức tạp đặc biệt là ô nhiễm trong lĩnh vực y tế và công nghiệp. Để xử lý ô nhiễm, nhiều dự án của nhà nước từ trung ương đến địa phương phải nhập trang thiết bị, hệ thống xử lý từ nước ngoài với chi phí cao. Ngoài ra, làm việc trong môi trường ô nhiễm, nhiệt độ cao dẫn đến các thiết bị, hệ thống máy móc nhập ngoại phải được bảo hành, bảo dưỡng thường xuyên, điều này gây ra khó khăn không nhỏ cho các dự án đầu tư trang thiết bị. Từ nhu cầu thực tế, GS. Tuyên và cộng sự đã dày công nghiên cứu hướng tới sản xuất các trang thiết bị, công nghệ mới đáp ứng nhu cầu trong nước với chi phí thấp, có độ bền cao và bảo hành thuận lợi.
Hơn 20 năm gắn bó, miệt mài theo đuổi nghiên cứu, ông và cộng sự đã chế tạo ra nhiều trang thiết bị mới hiệu quả tốt, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường ngày càng cao, tốc độ phản ứng trong các thiết bị nhanh, kích thước thiết bị thu gọn hơn giúp giảm chi phí đầu tư cũng như chi phí xử lý môi trường mà vẫn mang lại hiệu quả cao. Hiện nay, nghiên cứu của ông và đồng nghiệp đã được ứng dụng rộng rãi và có chỗ đứng ở Việt Nam. Nhiều bệnh viện, cơ sở y tế thậm chí các tổ chức quốc tế đã sử dụng trang thiết bị do nhóm nghiên cứu để đầu tư cho các dự án ở Việt Nam cũng như xuất khẩu sang các nước khác.
GS.TS. Trịnh Văn Tuyên trao đổi với các thành viên của nhóm nghiên cứu
Chia sẻ về những nghiên cứu của nhóm, ông nhớ lại: Nghiên cứu xử lý các dòng chất thải trong quá trình luyện than cốc nhằm phục vụ cho các nhà máy luyện thép ở Việt Nam là nghiên cứu để lại ấn tượng sâu sắc nhất với ông và cộng sự. Từ kinh nghiệm trong nghiên cứu này đã giúp ông đưa ra các nhận định ban đầu và cùng hội đồng khoa học, các cơ quan quản lý chứng minh, làm rõ nguyên nhân gây ra sự cố môi trường liên quan đến cái chết hàng loạt của cá tại 4 tỉnh miền Trung. Bằng độc quyền sáng chế tiêu biểu được ông kể đến là hệ thiết bị lọc sinh học nhỏ giọt xử lý nước thải, có khả năng tự cung cấp không khí từ tự nhiên (không cần thiết bị hỗ trợ) giúp giảm đáng kể chi phí xử lý và đảm bảo tính bền vững của quá trình sinh học hiếu khí xảy ra trong hệ thống xử lý.
Ông cùng cộng sự đã phát triển hợp tác với nhiều nhóm nghiên cứu lớn quốc tế như Nga, Hàn Quốc và đặc biệt là Nhật Bản để học hỏi và nắm bắt công nghệ mới. Từ những dự án JICA ban đầu, thông qua các dự án NEDO liên quan đến xử lý ô nhiễm môi trường đã tạo ra mạng lưới khoa học quốc tế chặt chẽ, vững mạnh. Vì vậy, việc đầu tư trang thiết bị cũng được phát triển. Trong nước, ông và đồng nghiệp là thành viên tích cực của mạng lưới Diễn đàn Quốc tế Công nghệ và Quản lý xanh (International Forum on Green Technology and Management - IFGTM), một diễn đàn khoa học thường niên của Mạng lưới Nghiên cứu Quản lý và Công nghệ xanh với gần 20 thành viên là các đơn vị nghiên cứu, đào tạo hàng đầu về môi trường của Việt Nam và một số nước trong khu vực.
Ô nhiễm môi trường là vấn đề thực tế luôn được quan tâm trên phạm vi toàn cầu. Với mục tiêu tạo ra nền kinh tế xanh, nền kinh tế tuần hoàn hay “Net Zero” (mục tiêu nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là giảm sự nóng lên toàn cầu) đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho lĩnh vực công nghệ môi trường ở Việt Nam. Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường tồn tại ở nhiều làng nghề, vùng nông thôn, các khu công nghiệp vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Việc hợp tác nghiên cứu với các đối tác là các đơn vị nghiên cứu, các công ty môi trường trong và ngoài nước cần được thúc đẩy hơn nữa để tạo ra các công nghệ xử lý môi trường mới hiệu quả cao. Trong tương lai, GS. Tuyên và cộng sự sẽ tiếp tục mở rộng nghiên cứu với nhiều đối tượng môi trường hơn như các vấn đề về nước rỉ rác, nước thải khu đô thị và khu công nghiệp. Thêm vào đó, nghiên cứu phương pháp, kỹ thuật thu hồi các thành phần có giá trị trong nước thải, khí thải để ứng dụng vào thực tế mang lại hiệu quả kinh tế, giảm chi phí xử lý môi trường cũng được ông quan tâm. Giáo sư cho rằng: Việc nghiên cứu công nghệ xử lý nước thải tuần hoàn, triệt để (gần như 100%) tại các cơ sở sản xuất và tiến tới mô hình không phát sinh nước thải ra môi trường là mục tiêu nghiên cứu mà ông sẽ tiếp tục theo đuổi.
Những kết quả nổi bật
Với nhiều công trình được ứng dụng rộng rãi trong đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu cấp bách của thực tiễn, GS. Tuyên vinh dự được nhận Bằng khen năm 2011, 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Giải thưởng cúp vàng Techmart năm 2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Đặc biệt, ông và cộng sự đã nhận được Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019 của Viện Hàn lâm với công trình: “Nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất thải nguy hại công nghiệp và y tế”. Ngay từ năm 2000, công trình với 2 sản phẩm công nghệ là Lò đốt chất thải rắn VHI-18B xử lý chất thải rắn nguy hại y tế, công nghiệp và Hệ thống xử lý nước thải IET-BF xử lý nước thải y tế, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp được thực hiện và được đánh giá là phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên 18 bài báo trong nước và quốc tế, được cấp 3 bằng độc quyền sáng chế và bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Chia sẻ về Giải thưởng Trần Đại Nghĩa, GS.TS. Trịnh Văn Tuyên cho biết: GS.VS. Trần Đại Nghĩa là người đặt nền móng cho khoa học và công nghệ nước nhà. Những nghiên cứu của ông đã đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Do đó, điểm khác biệt của Giải thưởng Trần Đại Nghĩa so với các giải thưởng khác là nhấn mạnh đến tính ứng dụng của các công trình nghiên cứu trong đời sống xã hội. Giải thưởng Trần Đại Nghĩa nhằm tôn vinh các tác giả của những công trình xuất sắc nhất đã và đang được ứng dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng. Vì vậy, nhận được Giải thưởng có ý nghĩa này là vinh dự lớn của các nhà khoa học với nhiều tâm huyết, sự nỗ lực, kiên trì nghiên cứu và kinh nghiệm thực tế vững vàng.
Về công trình được nhận giải thưởng, ông chia sẻ thêm: Thời điểm này, việc thu gom, xử lý chất thải chưa được đầu tư thích đáng và công nghệ xử lý chưa thực sự hiệu quả nên ô nhiễm do chất thải nguy hại trong công nghiệp, y tế đã ảnh hưởng rất lớn tới môi trường sống cũng như sức khỏe cộng đồng. Dành nhiều trí lực cho nghiên cứu, ông và cộng sự đã tìm ra công nghệ và thiết bị mới không chỉ xử lý hiệu quả các chất thải nguy hại mà còn đảm bảo chi phí thấp, an toàn với môi trường sinh thái. Công trình nghiên cứu đã được đánh giá cao vì ưu điểm vượt trội không chỉ về chi phí đầu tư và xử lý thấp mà còn vận hành đơn giản, hiệu quả cao. Hiện nay, công nghệ và thiết bị này đã được ứng dụng rộng rãi tại hơn 50 cơ sở xử lý chất thải rắn nguy hại y tế, công nghiệp và hơn 25 cơ sở xử lý nước thải y tế trên cả nước.
Là thành viên Hội đồng khoa học của Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2025, GS. Tuyên tin tưởng rằng, Giải thưởng Trần Đại Nghĩa sẽ được lan toả rộng rãi đến nhiều đơn vị nghiên cứu, các nhà khoa học và các trường đại học để có nhiều công trình chất lượng, có ứng dụng tốt trong thực tiễn. Hiện nay, trình độ nghiên cứu, trang thiết bị hiện đại đã góp phần tạo ra các kết quả nghiên cứu có giá trị khoa học và tính ứng dụng cao hơn. Mặc dù, còn nhiều khó khăn như việc đưa nghiên cứu ra đời sống là quá trình lâu dài, vất vả và các nhà khoa học nghiên cứu trong lĩnh vực môi trường còn phải bươn trải ra thực tế, đối diện với sự cạnh tranh lớn. Ngoài ra, vấn đề vi phạm bản quyền hay “đánh cắp” sở hữu trí tuệ… cũng gây ra khó khăn trong công tác ứng dụng triển khai. Vì vậy, nếu thiếu sự quyết tâm và lòng kiên định thì một kết quả nghiên cứu dù có xuất sắc đến đâu cũng có thể chỉ nằm trong “ngăn kéo”. Do đó, ông kỳ vọng, năm 2025 sẽ là cơ hội tốt để vinh danh những nhà khoa học tài năng và công trình nghiên cứu xuất sắc về lĩnh vực môi trường, lan tỏa tinh thần khoa học, sáng tạo và tận tụy của cố GS.VS. Trần Đại Nghĩa tới cộng đồng khoa học, tạo thêm động lực cho nghiên cứu trong lĩnh vực mà ông theo đuổi vì môi trường sạch hơn, xanh hơn và đẹp hơn.
Nguồn tin: Chu Thị Ngân, Trung tâm Thông tin - Tư liệu
Xử lý tin: Minh Tâm