Giới thiệu công nghệ xử lý chất thải
Hội thảo được tổ chức với mục tiêu: Quảng bá các công nghệ xử lý chất thải của Viện Hàn lâm tới các địa phương, doanh nghiệp và các đối tượng sử dụng cụ thể và Kết nối các nhà quản lý, nhà doanh nghiệp với các nhà khoa học nhằm trao đổi các thông tin thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm, kết quả KH&CN cũng như định hướng nghiên cứu triển khai phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
Không chỉ dẫn đầu về nghiên cứu khoa học cơ bản ở Việt Nam, thể hiện qua số lượng công bố quốc tế, Viện Hàn lâm còn được công nhận “Dẫn đầu đổi mới sáng tạo khu vực Nam Á và Đông Nam Á” (do tổ chức Clarivate - Vương Quốc Anh bình chọn hai năm liên tiếp 2020, 2021) với số lượng bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích năm sau cao hơn năm trước, đứng đầu trong cả nước và nhiều công nghệ được ứng dụng trong thực tiễn. Đây là cơ sở khoa học để phát triển, ứng dụng công nghệ nói chung và công nghệ xử lý chất thải nói riêng của Viện Hàn lâm vào thực tiễn đời sống, góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường của nước ta.
Các công nghệ xử lý chất thải được lựa chọn giới thiệu trong Hội thảo đều xuất phát từ các nghiên cứu qua nhiều thế hệ nhà khoa học của Viện, phát triển thành các sản phẩm ứng dụng mang tính hiện đại nhưng đã được “nội địa hóa” cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện Việt Nam. Các công nghệ đã từng bước đáp ứng được nhu cầu xử lý môi trường cấp bách ở nước ta như:
+ Xử lý chất thải rắn:
Rác thải sinh hoạt: Viện Công nghệ môi trường, Viện Công nghệ sinh học, Viện Công nghệ hóa học, Viện Khoa học vật liệu, Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ,… đã ứng dụng công nghệ Compost (Aerobic), phân hủy kỵ khí (Anaerobic Digestion), xử lý sinh học - cơ học (Mechanic Biotechnology Technology), thiêu hủy lò đốt (Incinerator), sản xuất nhiên liệu từ chất thải,… nhằm biến rác thành các sản phẩm đóng góp vào an ninh lương thực (chất bổ trợ đất) và an ninh năng lượng (điện, RDF…).
Rác thải nguy hại: Viện Công nghệ môi trường đã nghiên cứu và phát triển các lò đốt không dùng nhiên liệu dạng cột NFIC,… Nhiều thế hệ lò đốt ra đời và đã được chuyển giao cho các đơn vị sử dụng trên mọi miền của đất nước. Đây là công trình được ghi nhận ứng dụng khoa học trình độ cao trong thực tiễn và đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019 cho các tác giả của Viện.
Chất thải công nghiệp: Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Khoa học vật liệu, Viện Địa lý tài nguyên TP. Hồ Chí Minh,… đã phát triển các công nghệ phù hợp sử dụng các chất thải công nghiệp như xỉ lò, tro bay, tạo nguyên liêu hay cốt liệu cho ngành vật liệu xây dựng như gạch không nung, bột đá, đảm bảo sạch và an toàn với môi trường.
Các nhà khoa học và các nhà quản lý báo cáo tham luận tại Hội thảo
+ Xử lý ô nhiễm nước mặt trong các khu đô thị, dân cư: Viện Công nghệ môi trường, Viện Công nghệ sinh học, Viện Khoa học vật liệu, Viện Vật lý, Viện Công nghệ thông tin đã ứng dụng màng lọc sinh vật MBR, vi sinh vật trên nền tảng Internet of Things (IoT).
+ Xử lý nhựa: Rác thải nhựa đã trở thành vấn nạn quốc gia và Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất; đây cũng là nguồn rác thải nhựa thải ra biển lớn (chiếm khoảng 6% tổng chất thải nhựa được thải ra biển của thế giới). Các nhà khoa học của Viện đang đồng hành với các cấp, các ngành trong việc biến rác thải nhựa thành nguồn nguyên liệu có ích như ở Viện Công nghệ môi trường, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hóa học,…
+ Xử lý khí thải: Màng lọc khí quang xúc tác TiO2/SiO2 và TiO2/Al2O3 của Viện Công nghệ môi trường, bộ xương gốm silica và cordirite làm modul xúc tác,… được lắp đặt trên các nguồn phát khí thải cá nhân cũng như các khu công nghiêp gây tác động xấu đến chất lượng không khí trong các đô thị lớn.
Đồng hành cùng các nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Viện Hàn lâm là các cơ quan quản lý đến từ các Bộ, ngành thuộc lĩnh vực Môi trường. Các đại biểu đến từ Tổng cục Môi trường, Cục Quản lý Tài nguyên nước đã đưa ra các yêu cầu thực tiễn trong lĩnh vực quản lý của mình đối với công nghệ nhằm giúp các nhà khoa học của Viện Hàn lâm định hướng nghiên cứu trong công cuộc bảo vệ môi trường, đưa chất thải thành “nguồn tài nguyên tái tạo”.
Quán triệt tinh thần đưa KH&CN và đổi mới sáng tạo trở thành động lực phát triển, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm luôn sát cánh cùng với các doanh nghiệp đưa các kết quả nghiên cứu thành các sản phẩm gắn với thực tế, phục vụ thực tế. Qua đây, các doanh nghiệp có thể trao đổi trực tiếp với các nhà khoa học, tìm hiểu sâu hơn về nhu cầu thực tế, giải pháp phát triển và đặt hàng cho các nhà khoa học của Viện Hàn lâm nghiên cứu giải quyết các nhu cầu thực tiễn của mình.
Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, liên kết giữa nghiên cứu và sản xuất là nhu cầu nội tại và cũng là yếu tố then chốt để các nhà khoa học và doanh nghiệp phát triển, nâng cao vị thế cạnh tranh, xây dựng nên hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Trong mối quan hệ hữu cơ này, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, các nhà khoa học sáng tạo tri thức, phát triển công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, kết nối, tạo môi trường chính sách, thể chế thúc đẩy mối quan hệ và hoạt động tương tác giữa doanh nghiệp và nhà khoa học để tạo ra, ứng dụng và chuyển hóa tri thức thành các giá trị gia tăng phục vụ nền kinh tế và đời sống xã hội.
Chụp ảnh lưu niệm