Ghi nhận mới và ứng dụng mô hình trong dự đoán vùng phân bố của loài cóc cực kỳ nguy cấp Bufo Luchunnicus tại Việt Nam
Loài Cóc suối Luchun – Bufo luchunnicus lần đầu được phát hiện tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Sau đó, loài này được tìm thấy tại tỉnh Lào Cai và Sơn La, Việt Nam. Khảo sát tại 6 địa điểm ở Lào Cai và Sơn La trong khoảng từ năm 2021-2023, nhóm nghiên cứu đã phát hiện thêm 2 quần thể mới của loài B. luchunnicus, cụ thể tại huyện Văn Bàn, Lào Cai và huyện Phục Yên, Sơn La. Trong khoảng thời gian 10 năm, chỉ ghi nhận với số lượng hai cá thể ở Trung Quốc và sáu cá thể ở Việt Nam, quần thể loài Cóc suối Bufo luchunnicus được đánh giá là rất nhỏ. Nghiên cứu tiến hành mô tả và bổ sung thêm các đặc điểm hình thái của loài.
Về lịch sử tự nhiên, loài Cóc suối Luchun được tìm thấy vào ban đêm, trong khoảng thời gian từ 19h đến 22h30. Môi trường xung quanh là rừng thường xanh gồm cây gỗ lớn và trung bình, và cây bụi. Chúng được tìm thấy ở độ cao dao động từ 960 đến 2025 m so với mực nước biển. Độ ẩm tương đối cao khoảng 75-90% và nhiệt độ môi trường dao động từ 22 đến 30°C. Nhóm nghiên cứu tìm thấy một con đực trưởng thành bơi trong nước, một cặp đang giao phối trên đá, một con đực trên đá lớn và hai con đực trên mặt đất dọc theo suối. Suối có độ rộng khoảng 5 đến 15m, bờ suối bằng phẳng và dòng chảy chậm.
Sử dụng tọa độ phân bố của loài và thông số khí hậu từ dữ liệu Worldclim (https://www. worldclim.org/), các mô hình phân bố loài được chạy trên phần mềm Maxent, phiên bản v.3.4.1 (Phillips et al., 2006) (https://biodiversityinformatics.amnh.org/ opensource/maxent/) đều cho kết quả dự đoán vùng phân bố rất tốt (giá trị AUC > 0,9). Cụ thể, mô hình dự đoán vùng phân bố khí hậu thích hợp bao trùm phạm vi phân bố hiện tại của loài ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Việt Nam. Ngoài ra, ghi nhận vùng phân bố tiềm năng tại các tỉnh Hà Giang, Lai Châu và Yên Bái của Việt Nam, và tỉnh Hủa Phăn của Lào. Đáng chú ý, ghi nhận hai bên khu vực dọc theo sông Hồng với dải khí hậu không phù hợp với loài, đây có thể là rào cản địa lý hạn chế sự phân tán loài qua sông.
Bản đồ phân bố và dự đoán vùng khí hậu thích hợp của loài Bufo luchunnicus
Phát hiện mới của nhóm nghiên cứu về các quần thể bổ sung của loài B. luchunnicus ở Việt Nam, mở rộng phạm vi tới dưới mức 10.000 km2. Với số cá thể trưởng thành ước tính dưới 2.500 và số cá thể trưởng thành trong mỗi quần thể ước tính dưới 250, các nhà khoa học đề xuất đánh giá loài xếp hạng Nguy cấp (EN) trong Sách đỏ IUCN.
Nghiên cứu ghi nhận môi trường sống tự nhiên của loài B. luchunnicus đang bị suy thoái nghiêm trọng do ảnh hưởng của con người, bao gồm khai thác lâm sản trái phép, thu hái sản phẩm khác (như măng tre, cây dược liệu), chăn nuôi gia súc, cháy rừng và xây dựng thủy điện. Dưới các tác động của con người, các biện pháp bảo tồn để bảo vệ quần thể tự nhiên của loài B. luchunnicus và môi trường sống cần được thực hiện ngay lập tức.
Links các bài báo liên quan: https://brill.com/view/journals/amre/45/1/article-p107_11.xml?language=en
Nguồn tin: Ngô Ngọc Hải – Viện nghiên cứu hệ Gen
Xử lý tin: Minh Tâm