Gel Chữa Cháy Đa Năng: Giải Pháp An Toàn, Hiệu Quả Cho Tương Lai
GS. Ngô Quốc Anh (vị trí thứ 5 từ trái qua) tại hiện trường thử nghiệm các sản phẩm của đề tài tại đơn vị phòng cháy chữa cháy tỉnh Tuyên Quang
Gel chữa cháy có thể cung cấp dưới dạng bột hoặc gel nhớt, dễ dàng sử dụng trong các thiết bị chữa cháy thông thường sử dụng hệ vòi phun tiêu chuẩn. Thành phần chính của gel bao gồm SAP có nguồn gốc thiên nhiên như cellulose, tinh bột, kết hợp với các vật liệu nano như sét bentonite, magnesium hydroxide và silica. Những thành phần này mang lại khả năng bám dính vượt trội trên bề mặt, chống cháy hiệu quả ở nhiệt độ lên đến 1300°C và có khả năng phân hủy sinh học khi sử dụng làm vật liệu ngăn cháy lâu dài.
Hai hệ gel VHGEL-01 và VHGEL-02 đã được thử nghiệm thực tế, cho kết quả dập cháy với đám cháy loại A (chất rắn) nhanh chóng chỉ trong chưa đầy 300 giây, đồng thời bảo vệ bề mặt vượt trội trên các vật liệu như gỗ, vải bạt, và rơm rạ. Sản phẩm chứa các hoạt chất dễ phân hủy sinh học và không tạo tồn dư độc hại trong đất cũng như hạn chế phát sinh khí độc. Đây là sự khác biệt lớn so với các sản phẩm thương mại hiện có, khi không chỉ xử lý nhanh các đám cháy khẩn cấp mà còn ngăn ngừa nguy cơ cháy tại các khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt là rừng trong mùa khô.
GS. Ngô Quốc Anh cho biết: Với giá thành cạnh tranh (khoảng 150.000 -180.000 VNĐ/lít), sản xuất an toàn, dễ dàng nâng cấp lên quy mô lớn và thân thiện với môi trường, sản phẩm này là giải pháp toàn diện, hứa hẹn cạnh tranh với các dòng gel chữa cháy quốc tế như FireIce hay Blaze Tamer 380. Hiện nhóm nghiên cứu tiếp tục nỗ lực mở rộng ứng dụng cho các đám cháy phức tạp như xăng dầu và pin lithium-ion, từ đó xây dựng tiêu chuẩn TCVN cho sản phẩm gel chữa cháy tại Việt Nam. Đây là bước tiến quan trọng hướng đến giải pháp bền vững và an toàn cho cộng đồng trong tương lai.
Đề tài nghiên cứu cũng đã đăng ký 01 bằng giải pháp hữu ích số 39587/QĐ-SHTT.IP; Đào tạo 01 học viên cao học làm luận văn Thạc sĩ đã được cấp bằng; Công bố 02 bài báo trên tạp chí thuộc SCIE, 01 bài báo trên tạp chí Scopus và 01 bài báo quốc gia uy tín.
Một số hình ảnh thử nghiệm khác tại đơn vị phòng cháy chữa cháy tỉnh Tuyên Quang:
Cung cấp tin: GS. Ngô Quốc Anh – Viện Hóa học
Xử lý tin: Minh Tâm