Gặp mặt các nhà báo nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6
Tham dự buổi gặp mặt có PGS.TS. Trần Tuấn Anh - Ủy viên BCH Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Hà Quý Quỳnh - Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ và Kiểm tra; PGS. TS. Nguyễn Ngọc Tùng - Phó Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ và Kiểm tra; TS. Lê Hùng Anh - Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật; ThS. Hoàng Xuân Thùy - Phó Chánh Văn phòng Viện Hàn lâm và toàn thể cán bộ của Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh, về phía Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ có Nhà Báo Hà Hồng - Chủ nhiệm CLB cùng các phóng viên, biên tập viên hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Phó Chủ tịch Trần Tuấn Anh thay mặt Lãnh đạo Viện gửi lời chúc mừng đến các nhà báo nói chung và các nhà báo KHCN của Câu lạc bộ nói riêng. Viện Hàn lâm cảm ơn sự đồng hành, hỗ trợ và cộng tác của các nhà báo đối với các nhà khoa học trong Viện Hàn lâm và mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của các nhà báo trong việc truyền tải các thông tin KH&CN của Viện Hàn lâm và của các nhà khoa học tới xã hội, góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế xã hội, tăng cường mối quan tâm, sự ủng hộ và chia sẻ của cộng đồng đối với nghiên cứu khoa học.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Nhà Báo Hà Hồng - Chủ nhiệm CLB Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam trân trọng cảm ơn Viện Hàn lâm đã tổ chức buổi gặp mặt thể hiện sự quan tâm của các nhà khoa học tới anh chị em nhà báo. Buổi gặp mặt cũng là dịp để các nhà báo cùng trao đổi, trải nghiệm thực tế và có thêm nhiều thông tin khoa học và công nghệ trong lĩnh vực, tài nguyên sinh vật, bảo tồn đa dạng sinh học Việt Nam...
ThS. Đặng Huy Phương - Trạm trưởng Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh giới thiệu về các hoạt động tại Trạm
Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh được thành lập năm 1999 với tổng diện tích đất là 170,3 ha trong đó có 131,1 ha rừng phòng hộ, 36,6 ha rừng sản xuất và 2,6 ha khu hành chính, với chức năng nghiên cứu về đa dạng sinh học ở Việt Nam.
Sau hơn 20 năm hoạt động, từ vùng đồi, núi chủ yếu là thảm cỏ cây bụi đến nay toàn bộ 170,3 ha cơ bản đã được phục hồi thành rừng kín thường xanh, rừng kín nửa rụng lá theo mùa, rừng kín hỗn giao tre nứa và cây lá rộng, rừng tre nứa… trong đó có các loài cây gỗ lớn, độ che phủ tăng lên đáng kể, chất lượng rừng được nâng cao rõ rệt.
Trạm cũng đã thu thập và trồng được nhiều loài cây bản địa với trên 8000 cây; thu thập từ các vùng sinh thái khác nhau hơn 600 mẫu của trên 80 loài Lan về trồng tại vườn bảo tồn Lan rộng 600 m2; Trồng 34 loài cây thuốc tại Vườn bảo tồn cây thuốc rộng 1 ha.
Tại khu cứu hộ, bảo tồn động vật rộng 1 ha hiện nay đang duy trì số lượng 100 cá thể thuộc 12 loài Rùa, Vượn đen má trắng, Khỉ. Khu nuôi sinh sản có các loài bò sát, ếch nhái có giá trị bảo tồn như: Thằn lằn cá sấu, nhóm Cá cóc, nhóm Thạch sùng, Ếch cây sần….
Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh cũng là nơi tham quan học tập, trải nghiệm miễn phí cho học sinh, sinh viên, cũng như các cán bộ nghiên cứu, giảng dạy trong các lĩnh vực có liên quan đến sinh học.
Thanh Hà