Diễn đàn Khoa học công nghệ phục vụ ứng phó thiên tai tại Việt Nam

29/11/2018
Việt Nam là một trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Các hiện tượng tự nhiên cực đoan diễn biến ngày một khốc liệt hơn. Trong 20 năm qua, mỗi năm trung bình thiên tai làm trên 400 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 1-1,5% GDP và ảnh hưởng đến môi trường, điều kiện sống cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội, đồng thời tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước. Trong những năm tới, Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều rủi ro thiên tai, thiệt hại dự báo chiếm 2,7% GDP và 39 triệu người Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

Nhận thức rõ điều này Chính phủ Việt Nam rất chú trọng xây dựng các Đề án phòng chống thiên tai nhằm giảm thiểu các thiệt hại về tài sản và con người, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng và kinh tế - xã hội của đất nước.

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã được Chính phủ giao trách nhiệm chủ trì hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quan trắc, đánh giá, xác định cấp độ rủi ro thiên tai, báo tin động đất, dự báo, cảnh báo sóng thần trong Luật phòng chống thiên tai năm 2013 cũng như trong các Quyết định của Chính phủ về phòng chống thiên tai như: Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 07/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn,...”, theo TS. Nguyễn Xuân Anh – Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu là Ủy viên của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết.

Trong nhiều năm qua, các đơn vị trực thuộc khối các khoa học trái đất (Viện Vật lý địa cầu, Viện Địa lý, Viện Địa chất...), khối Khoa học biển (Viện Hải dương học, Viện Địa chất và Địa vật lý biển, Viện Tài nguyên và Môi trường biển...), khối các khoa học toán – cơ – tin ( Viện Toán học, Viện Công nghệ thông tin, Viện Cơ học, Viện Vật lý, Viện Khoa học vật liệu, Viện Công nghệ vũ trụ...) đã có nhiều kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực phòng chống thiên tai trên lãnh thổ Việt Nam (từ vùng núi cao xuống biển) làm cơ sở khoa học cho việc giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai, góp phần bảo vệ an ninh, quốc phòng và từng bước xây dựng một xã hội an toàn hơn trước thiên tai.

Từ các nghiên cứu cơ bản về thực trạng, nguyên nhân xuất hiện thiên tai dựa trên số liệu của hệ thống quan trắc địa chất, địa vật lý, địa lý, ngoài việc được Chính phủ giao nhiệm vụ trong các lĩnh vực báo tin động đất, dự báo, cảnh báo sóng thần, Viện Hàn lâm KHCNVN còn sở hữu hệ thống dữ liệu thiên tai thể hiện trên phân bố không gian, thời gian... các loại hình thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông bờ biển... Việc áp dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới như công nghệ thông tin, công nghệ vũ trụ... trong công tác dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai đã được Viện HLKHCNVN thực hiện thông qua các mô hình số dự báo lũ, hạn, mặn, cảnh báo bão, trượt lở, lũ quét... (Viện Cơ học, Viện Địa lý, Viện Địa chất), hệ thống giám sát ảnh báo thiên tai từ vệ tinh, hệ thống giám sát thiên tai bằng các máy đo tại chỗ được xử lý qua hệ thống IoT, big data (Viện Toán học, Việt Vật lý, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Công nghệ vũ trụ) để người dùng dễ dàng cập nhật với mục tiêu phòng tránh. Bên cạnh đó, có rất nhiều các nghiên cứu về công nghệ nhằm phòng chống thiên tai như hệ thống kè chống sạt lở (Viện Cơ học, Trung tâm Phát triển công nghệ cao).

diendanthientai3
Toàn cảnh diễn đàn

Với mục tiêu chia sẻ các kết quả nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khoa học công nghệ trong công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai của Chính phủ. Ngày 22/11/2018 Ban Ứng dụng và Triển khai Công nghệ được Viện Hàn lâm KHCNVN giao nhiệm vụ tổ chức “Diễn đàn Khoa học công nghệ phục vụ ứng phó thiên tai tại Việt Nam”. Tham dự Diễn đàn có GS.TSKH. Nguyễn Đình Công - Phó Chủ tịch Viện HLKHCNVN; GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu – Nguyên Viện trưởng Viện KHCNVN; ông Nguyễn Trường Sơn - Phó tổng Cục trưởng Tổng Cục Thiên tai; ông Phạm Văn Tân - Phó Hiệp hội Liên hiệp Hội khoa học Việt Nam; Đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm KHCNVN (Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Vật lý địa cầu, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Địa chất và Địa vật lý biển, Viện Cơ học, Viện Địa lý…); cùng đông đảo các nhà khoa học đến từ các Bộ, ngành, đơn vị nghiên cứu, trường đại học trên cả nước tham dự.

diendanthientai2
GS.TSKH. Nguyễn Đình Công - Phó Chủ tịch Viện HLKHCNVN phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, GS.TSKH. Nguyễn Đình Công nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Thiên tai và những hiện tượng thiên nhiên đang diễn ra ngày càng khốc liệt hơn trên toàn cầu và ở Việt Nam. Điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến với môi trường cuộc sống cũng như các hoạt động kinh tế xã hội, đồng thời tác động to lớn đến sự phát triển bền vững cho đất nước. Trong những năm tới thì Việt Nam còn phải tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro thiên tai. Nhận thức rõ điều này, Chính phủ đã xây dựng chiến lược quốc gia phòng chống thiên tai đến năm 2030 với mục tiêu là cơ bản chủ động phòng, chống thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản của nhà nước, nhân dân; góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng và từng bước xây dựng một xã hội an toàn hơn trước thiên tai. Để thực hiện hiệu quả chiến lược này, cần phải có định hướng chiến lược, triển khai các giải pháp toàn diện, đồng bộ, huy động các nguồn lực và sự tham gia của toàn xã hội để phòng, chống, ứng phó hiệu quả với thiên tai trong thời gian tới. Diễn đàn được Viện Hàn lâm KHCNVN tổ chức với tư cách là đơn vị nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, là cơ quan thuộc Chính phủ và nhận nhiệm vụ trước Chính phủ tổ chức các diễn đàn khoa học theo các chủ đề thời sự, các vấn đề lớn có ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế xã hội đất nước và nhận được sự quan tâm của cộng đồng.

Ứng phó với thiên tai là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và phải triển khai trên quy mô lớn nên đòi hỏi phải có sự nghiên cứu một cách toàn diện về các điều kiện khách quan của Việt Nam, do đó, các nhà khoa học tại Diễn đàn đều mong muốn cùng nhau chia sẻ, học hỏi, vận dụng kinh nghiệm, hiểu biết của mình và đưa ra khuyến nghị đến các đơn vị quản lý các cấp về những giải pháp/nhóm giải pháp phù hợp, hiệu quả để ứng phó với thiên tai.

diendanthientai4 diendanthientai5
Các nhà khoa học báo cáo tham luận tại Diễn đàn

diendanthientai1
Các nhà khoa học trao đổi, thảo luận tại diễn đàn

Tại Diễn đàn, các đại biểu tham dự được nghe 07 báo cáo tham luận và cùng nhau trao đổi, thảo luận các kết quả nghiên cứu mới nhất liên quan đến ứng dụng khoa học công nghệ vào phục vụ ứng phó thiên tai, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu cũng như đưa ra các nhóm đề xuất, giải pháp phù hợp, hiệu quả để ứng phó thiên tai trong tình hình biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay.

diendanthientai6
GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu kết thúc Diễn đàn, GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu đánh giá cao những gì mà Diễn đàn đã mang lại. Trong đó, nổi bật là việc đưa ra nhiều giải pháp/nhóm giải pháp hữu ích cho công tác ứng phó thiên tai tại Việt Nam. GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải có cái nhìn tổng thể và hành động mang tính chiến lược đối với hoạt động ứng phó thiên tai. Đặc biệt trong hoạt động cảnh báo thì cảnh báo sớm và chính xác khu vực, thời gian xảy ra thiên tai là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết. Có như vậy mới tránh được cách làm hiện nay là "chạy theo", chỉ khi đã xảy ra rồi mới bắt đầu công tác phòng chống, lúc đó thì đã muộn. Bởi thời tiết bất thường là yếu tố tự nhiên không có quy luật. Nếu không được cảnh báo sớm, công tác phòng chống thiên tai sẽ vô cùng khó khăn, đặc biệt là hậu quả về con người là không thể đo đếm được”.

Tin: Minh Tâm – Mỹ Hải



Tags:
Tin liên quan