Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung Group thăm và làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Về phía đoàn đại biểu của Nam Miền Trung, dẫn đầu đoàn là ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ngoài ra còn có, ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch; bà Nguyễn Ngọc Quỳnh Như, Giám đốc Marketing.
Tiếp đoàn về phía Viện Hàn lâm có GS.TS. Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN, cùng đại diện lãnh đạo và các nhà khoa học thuộc Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Công nghệ sinh học, Viện Nghiên cứu hệ gen, Viện Công nghệ thông tin, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Viện Công nghệ môi trường.
Về phía khách mời còn có TS. Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Toàn cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết Nam Miền Trung Group được thành lập từ 1997, phát triển theo chiến lược đầu tư đa ngành với 3 khối chính: thủy sản, thương mại – dịch vụ và bất động sản. Đặc biệt là Nam Miền Trung Group đã khẳng định được vị thế dẫn đầu của mình trong ngành sản xuất tôm giống tại Việt Nam với 7 khu sản xuất tôm giống phức hợp công nghệ cao được đầu tư theo tiêu chuẩn công nghệ Mỹ. Năng lực sản xuất tôm giống 15 tỷ con giống/năm. Ngoài ra, Nam Miền Trung là đơn vị duy nhất của Việt Nam sản xuất thành công giống cá trình Nhật quy mô lớn... Hiện nay Nam Miền Trung Group đang thảo luận các cơ hội hợp tác với một số địa phương để xây dựng khu công nghiệp nuôi tôm quy mô lớn vì vậy rất cần thiết phải làm chủ các công nghệ cốt lõi cho ngành tôm, đặc biệt là các công nghệ gia tạo giá trị gia tăng cao. Ông Nguyễn Hoàng Anh bày tỏ mong muốn với tiềm lực hiện có của mình, Nam Miền Trung Group sẽ làm chủ và đầu tư hiệu quả việc triển khai ứng dụng các công nghệ/kết quả nghiên cứu được chuyển giao từ phía Viện Hàn lâm KHCNVN.
Đại diện phía Viện Hàn lâm, GS.TS. Chu Hoàng Hà cho biết Viện Hàn lâm là đơn vị dẫn đầu về khoa học, công nghệ của cả nước, có nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tiễn. Viện Hàn lâm cũng đã triển khai chuyển giao nhiều công nghệ cho các doanh nghiệp địa phương trên cả nước, bao gồm cả lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản. Đồng thời bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác nghiên cứu và chuyển giao các công nghệ phù hợp liên quan đến lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm.
Chụp hình lưu niệm tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc hai bên cùng nhau trao đổi và thảo luận các cơ hội hợp tác liên quan đến các công nghệ nhân nuôi giống tôm và nuôi tôm thương phẩm; Công nghệ xử lý nước ao tôm và bùn thải; Công nghệ sản xuất và chế biến thức ăn cho tôm; Công nghệ quản lý và giám sát tổng hợp trang trại nuôi tôm gồm các chỉ tiêu về nước, giám sát kỹ thuật, cho ăn tự động, quản lý người ra vào; Công nghệ thu hoạch, sơ chế và bảo quản tôm thành phẩm… Ngoài các công nghệ phục vụ cho ngành tôm, hai bên cũng thảo luận các cơ hội hợp tác về nuôi tảo xoắn Spirulina và trồng Sâm Vĩnh Hảo.
Tin: Minh Tâm
Ảnh: Phương Hà