Chuyển hóa rác thải trong kinh tế tuần hoàn

11/07/2022
Theo Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng 60.000 tấn rác, trong đó, rác thải nông thôn chiếm khoảng 40% và dự báo đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dự báo tăng 10 - 16%/năm. Mặc dù tỷ trọng trong rác thải không lớn nhưng ô nhiễm rác thải nông thôn đang là vấn đề lớn do dân cư phân bố rải rác, khả năng tập trung rác cũng như phương án xử lý rác thải tập trung thường gây ra sự phản ứng của chính người dân… Bên cạnh đó, các chính sách của nhà nước còn nhiều bất cập, vì vậy khó thu hút được các doanh nghiệp khối tư nhân trong lĩnh vực xử lý rác thải nông thôn.
Hiện nay, trên cả nước có 1.322 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhưng chủ yếu là chôn lấp (904 cơ sở) với khoảng 71% tổng khối lượng thu gom, tập trung ở các thành phố lớn [nguồn: Bộ TNMT]. Có thể thấy, chúng ta đang áp dụng công nghệ xử lý rác sơ đẳng, chỉ có một số ít áp dụng phương pháp xử lý rác thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt điện, tuy nhiên chưa đạt hiệu quả, thậm chí còn làm phát sinh thêm ô nhiễm. Vì vậy, việc nghiên cứu và xây dựng các biện pháp xử lý rác thải theo phương thức hiện đại phù hợp với điều kiện tự nhiên - xã hội của nước ta là hết sức cần thiết.
 
Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư với định hướng kinh tế nền tảng sinh học trong nền kinh tế tuần hoàn, việc sử dụng tập đoàn vi sinh vật phù hợp với mỗi khu vực cảnh quan sinh thái khác nhau nhằm chuyển hóa được toàn bộ sinh khối từ rác thải thành phân hữu cơ có chất lượng cao để tạo chuỗi sản phẩm an toàn và giảm tác động tiêu cực đến môi trường đang được đặc biệt chú trọng. Hơn 20 năm nghiên cứu từ cơ bản, công nghệ, thử nghiệm quy mô lớn dần cùng các phân tích, đánh giá sâu sắc về bản chất của tập đoàn vi sinh vật bản địa được chứng nhận bởi nhiều bằng độc quyền sở hữu trí tuệ về công nghệ sinh học - môi trường, Viện Công nghệ sinh học (do PGS. Đặng Thị Cẩm Hà là chủ nhiệm) phối hợp cùng với Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Xử lý môi trường Thanh Long thực hiện dự án sản xuất - thử nghiệm cấp Viện Hàn lâm KHCNVN “Hoàn thiện quy trình ủ compost từ rác thải sinh hoạt quy mô nhà máy, tạo phân bón hữu cơ cải tạo đất và nhân giống cây công nghiệp bằng tổ hợp vi sinh vật ưa nhiệt” trong các năm 2020 - 2022.
 
Để phối hợp trong dự án xử lý rác thải, doanh nghiệp đã đầu tư quy trình tự động hóa phân loại rác cũng như tạo kích cỡ rác phù hợp với hoạt động của các nhóm vi sinh vật tham gia phân hủy, chuyển hóa sinh khối khác nhau thành phân hữu cơ tại Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Tánh Linh (huyện Tánh Linh, Bình Thuận) trên diện tích 11,84ha với công suất 50 - 70 tấn rác thải/ngày. 
 
Dây chuyền phân loại rác thải                                                          Hệ thống nghiền để ủ compost

Sau 2 năm thực hiện dự án, các kết quả thu được rất đáng khích lệ. Rác thải được xử lý khá triệt để với các sản phẩm đầu ra: (i) các rác nhựa được phân loại và chuyển sang tái chế (ii) các chất hữu cơ được chuyển hóa thành phân hữu cơ chất lượng cao. Tỷ lệ rác thải đốt và chôn lấp chiếm dưới 10%. 
 
Qua phân tích từ phòng thí nghiệm và thử nghiệm phân hữu cơ chất lượng cao, cho thấy:
  • Về phân hữu cơ chất lượng cao không chứa các nhóm vi sinh vật, ký sinh trùng gây bệnh; các chất gây ô nhiễm được giảm tối đa.
  • Kết hợp với sản phẩm chất giữ ẩm sinh học, biochar đã chứng minh hiệu quả rất rõ về sinh trưởng và phát triển của cây keo trồng thẳng trên đất khô cằn. Kết quả phân tích mẫu đất được sử dụng phân hữu cơ từ nhà máy cho thấy đất đã được cải thiện, tăng độ phì, giữ ẩm và kiểm soát được dịch bệnh. 
Hiện nay, với nguồn rác thải của Thị trấn Lạc Tánh (Tánh Linh) và lân cận đã được thu gom, xử lý toàn bộ tạo các sản phẩm có ích cho xã hội và môi trường, gồm hạt nhựa và phân hữu cơ đem lại hiệu ích thiết thực cho Nhà máy. Phân hữu cơ của Nhà máy đang được Tổng công ty Cao su miền Nam sử dụng trong trồng cây cao su.
 
Trước hiệu quả kinh tế - xã hội mang lại từ triển vọng ứng dụng công nghệ sinh học giải quyết ô nhiễm môi trường, việc phối hợp giữa các nhà khoa học của Viện Hàn lâm và các doanh nghiệp để đưa các kết quả nghiên cứu thành các sản phẩm gắn với thực tế, phục vụ thực tế là một thành công nhằm minh chứng tính đúng đắn của Đảng, Chính phủ đặt ra trong “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030”. Đây là yếu tố then chốt để các nhà khoa học và doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động KHCN  và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp,  
 
Kết quả của dự án sẽ là giải pháp cho các nhà quản lý, doanh nghiệp lựa chọn trong vấn đề xử lý rác thải đảm bảo nền kinh tế tuần hoàn bền vững; biến rác thải sinh hoạt thành tài nguyên và là nguyên liệu đầu vào tái tạo sức khỏe cho đất, nước, không khí, giảm đến mức tối đa ô nhiễm môi trường sống cũng như giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết Thỏa thuận Paris của Chính phủ Việt Nam./.
 
Nguồn tin: Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ
Xử lý tin: Minh Tâm


Tags:
Tin liên quan