CHƯƠNG TRÌNH BẢO TỒN CÁC LOÀI ĐỘNG VẬT HOANG DÃ QUÝ HIẾM – VIETNAMAZING (Việt Nam kỳ thú)

20/09/2024
Trong khuôn khổ chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và bảo tồn đa dạng sinh học giữa các đối tác của Việt Nam và CHLB Đức, các cơ quan nghiên cứu gồm Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật và Viện Sinh thái học miền Nam trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội) và các tổ chức bảo tồn thiên nhiên như Trung tâm Bảo tồn Linh trưởng và Trung tâm Bảo tồn rùa (Vườn Quốc gia Cúc Phương), Dự án bảo tồn Voọc Cát Bà (Vườn Quốc gia Cát Bà), Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã (Wildlife at Risk) đã phối hợp với Vườn thú Cologne, Vườn thú Leipzig, Hội Động vật học Frankurt, Hội Động vật học Bảo tồn loài và quần thể (ZGAP) và một số đối tác khác đề xuất sáng kiến bảo tồn các loài động vật hoang dã của Việt Nam. Sáng kiến này hướng tới xây dựng một chương trình dành riêng để bảo tồn và phục hồi quần thể các loài động vật có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng ở Việt Nam, góp phần thực hiện các mục tiêu của “Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (CBD COP15)” và “Chiến lược Quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở sáng kiến trên, Hiệp hội các vườn thú và thủy cung Châu Âu (EAZA) đã khởi xướng Chương trình bảo tồn các loài động vật hoang dã quý hiếm của Việt Nam, lấy tên là Vietnamazing (tam dịch là Việt Nam kỳ thú), nhằm mục tiêu bảo tồn các loài động vật hoang dã và sinh cảnh sống của chúng. Chương trình này kêu gọi sự ủng hộ hỗ trợ của các thành viên EAZA cho dự án bảo tồn các loài động vật hoang dã và hoạt động giáo dục môi trường để nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam. Hàng triệu du khách thăm quan các vườn thú ở Châu Âu sẽ được giới thiệu về chủ đề chính của chương trình cũng như tầm quan trọng của việc bảo tồn các loài hoang dã.

Chương trình “Việt Nam kỳ thú” không chỉ giới thiệu những giá trị đặc biệt về đa dạng sinh học của Việt Nam mà còn hướng đến mục tiêu bảo vệ các hệ sinh thái đặc trưng và bảo tồn các loài động vật hoang dã bị đe dọa tuyệt chủng theo cách tiếp cận “Một kế hoạch”. Cách tiếp cận “Một kế hoạch” áp dụng cả giải pháp bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ thông qua huy động tất cả các nguồn lực của các bên có liên quan để bảo vệ các loài hoang dã một cách hiệu quả nhất. Trong Hội nghị thường niên của EAZA tổ chức tại Helsinki (Phần Lan) vào cuối năm 2023, Chương trình này đã chính thức được khởi động với khẩu hiệu “Hãy là một phần của Chương trình”.


Giới thiệu Chương trình “Việt nam kỳ thú” - Vietnamazing tại Helsinki, Phần Lan

Trong chương trình này, các vườn thú là thành viên của EAZA sẽ phối hợp với các cơ quan khoa học và các tổ chức bảo tồn thiên nhiên để triển khai các hoạt động như nghiên cứu khoa học, bảo tồn sinh cảnh tự nhiên, phục hồi và phát triển quần thể của các loài động vật đặc hữu, quý, hiếm của Việt Nam trong giai đoạn 2024-2025. Chương trình “Việt Nam kỳ thú” đã lựa chọn 9 nhóm loài mục tiêu và các hoạt động ưu tiên, bao gồm:

Ốc mộc lan (Bertia cambojiensis): Loài này hiện chỉ ghi nhận phân bố ở một số tỉnh miền Nam và được xếp ở bậc Cực kỳ nguy cấp trong Danh lục Đỏ IUCN. Các hoạt động ưu tiên gồm: 1) Hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân nuôi loài ốc quý hiếm này; 2) Xây dựng mô hình nhân nuôi vì mục đích bảo tồn ở Việt Nam; 3) Nghiên cứu về hiện trạng quần thể và triển khai các hoạt động bảo tồn loài ở Việt Nam.

Bọ que núi chúa (Nuichua rabaeyae): Loài này hiện chỉ ghi nhận ở Vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận. Các hoạt động ưu tiên gồm: 1) Đánh giá hiện trạng quần thể và xác định các yếu tố đe dọa đến loài; 2) Xây dựng mô hình nhân nuôi bảo tồn ở Việt Nam; 3) Bảo tồn sinh cảnh sống của loài ở Vườn Quốc gia Núi Chúa.

Cá bám đá hổ (Sewellia lineolata): Loài cá bám đá hổ được nuôi khá phổ biến để làm cảnh, loài này được xếp hạng ở bậc Sẽ nguy cấp trong Danh lục đỏ IUCN. Các hoạt động ưu tiên gồm: 1) Nghiên cứu hiện trạng quần thể và các mối đe dọa đến sinh cảnh sống của loài; 2) Xây dựng mô hình nhân nuôi sinh sản vì mục đích bảo tồn ở Việt Nam.

Cá cóc việt nam (Tylototriton vietnamensis): Loài Cá cóc việt nam được xếp hạng ở bậc Nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam và Sẽ nguy cấp trong Danh lục Đỏ IUCN. Các loài cá cóc phân bố ở Việt Nam hiện có tên trong Phụ lục II CITES và Nghị định 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Các hoạt động ưu tiên gồm: 1) Giám sát quần thể và đánh giá các yếu tố đe dọa đến loài; 2) Phân tích di truyền của các quần thể mới phát hiện; 3) Nhân rộng mô hình nhân nuôi bảo tồn; 4) Tăng cường các biện pháp bảo tồn; 5) Tái thả để phục hồi quần thể của loài nếu cần thiết; 6) Nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn loài.

Gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi): Gà lôi lam mào trắng được xếp hạng ở bậc Cực kỳ nguy cấp trong Danh lục Đỏ IUCN. Các hoạt động ưu tiên gồm: 1) Nâng cao nhận thức về bảo tồn loài và các mối đe dọa; 2) Xây dựng mô hình nhân nuôi bảo tồn ở Việt Nam để tạo nguồn con giống phục hồi quần thể; 3) Xác định các khu vực phù hợp để tái thả lại tự nhiên; 4) Huy động sự tham gia của cộng đồng dân địa phương trong bảo tồn loài; 5) Phân tích di truyền để xác định các cá thể có khả năng nhân giống; 6) Xây dựng kế hoạch hành động bảo tồn loài.  

Các loài ếch cây sần (Theloderma spp.): Theo Danh lục đỏ IUCN, trên thế giớicó 24 loài ếch cây sần, trong đó có 5 loài bị đe dọa tuyệt chủng ghi nhận ở Việt Nam. Các hoạt động ưu tiên gồm: 1) Đánh giá hiện trạng quần thể và các yếu tố đe dọa đối với các loài đặc hữu hẹp; 2) Nghiên cứu phân loại để xác định mức độ đa dạng về thành phần loài; 3) Xây dựng hồ sơ đưa các loài đặc hữu hẹp, bị đe dọa tuyệt chủng vào Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ IUCN; 4) Triển khai các chương trình bảo tồn tại chỗ ở các khu vực rừng ngoài khu bảo tồn; 5) Xây dựng mô hình nhân nuôi bảo tồn chuyển chỗ ở Việt Nam.

Vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys): Loài Vượn đen má trắng được xếp hạng ở mức Cực kỳ nguy cấp trong Danh lục Đỏ IUCN. Các hoạt động ưu tiên gồm: 1) Nhân nuôi bảo tồn ở các vườn thú thuộc EAZA và các trung tâm cứu hộ động vật ở Việt Nam; 2) Xây dựng chương trình tái thả ở Việt Nam; 3) Thiết lập hệ thống các cơ sở bảo tồn chuyển chỗ ở Việt Nam; 4) Nâng cao năng lực và cơ sở vật chất của các vườn thú và trung tâm cứu hộ động vật hoang dã; 5) Xây dựng chiến lược bảo tồn chuyển chỗ cho các loài Vượn trong khu vực phân bố tự nhiên của loài.

Rùa trung bộ (Mauremys annamensis): Rùa trung bộ là loài đặc hữu ở miền Trung Việt Nam và được xếp hạng ở bậc Cực kỳ nguy cấp và rất hiếm gặp trong tự nhiên. Các hoạt động ưu tiên gồm: 1) Phân tích ADN môi trường để xác định các quần thể còn lại trong tự nhiên; 2) Đánh giá sinh cảnh phù hợp để tái thả các cá thể rùa đã nhân nuôi sinh sản; 3) Thành lập các khu bảo tồn loài sinh cảnh trong vùng phân bố lịch sử của loài; 40 Thực hiện chương trình phục hồi quần thể của loài khi xác định được các địa điểm tái thả phù hợp.

Thằn lằn cá sấu việt nam (Shinisaurus crocodilurus vietnamensis): Đây là loài bò sát ghi nhận phân bố hẹp ở Nam Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam, quần thể ở nước ta ước tính khoảng 150 cá thể trưởng thành. Loài này được xếp ở bậc Nguy cấp trong Danh lục Đỏ IUCN và Phụ lục I CITES và là loài ưu tiên bảo vệ trong các nghị định của Chính phủ. Các hoạt động ưu tiên gồm: 1) Bảo vệ sinh cảnh trong phạm vi phân bố tự nhiên của loài, giảm thiểu tác động của các mối đe dọa; 2) Tiếp tục giám sát quần thể và môi trường sống, đánh giá các yếu tố tác động; 3) Khảo sát để xác định thêm các quần thể ở Việt Nam; 4) Tiếp tục nghiên cứu về di truyền; 5) Xác định các địa điểm thích hợp để tái thả lại tự nhiên; 6) Mở rộng mô hình nhân nuôi bảo tồn ở Việt Nam; 7) Chuyển giao các cá thể sinh sản ở Châu Âu về Việt Nam để phục hồi quần thể; 8) Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn loài.


Các loài mục tiêu trong Chương trình bảo tồn loài hoang dã ở Việt Nam của EAZA

Trong thời gian tới, các đối tác của Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với các vườn thú và thủy cung của Châu Âu, Cục Bảo tồn thiên nhiên CHLB Đức, các Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã cũng như các cơ quan, tổ chức bảo tồn trong nước như Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Vườn Quốc gia Cát Bà, Vườn Quốc gia Cát Tiên, Vườn Quốc gia Núi Chúa và các cơ quan khác triển khai các hoạt động cụ thể của chương trình “Việt Nam kỳ thú”, bao gồm cả các chương trình bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ, nhằm góp phần bảo tồn các loài động vật hoang dã đặc hữu, quý, hiếm của Việt Nam, góp phần gìn giữ và phát triển các giá trị đa dạng sinh học của đất nước.


Đoàn công tác của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam do Phó Chủ tịch Trần Tuấn Anh dẫn đầu thăm và làm việc với Vườn thú Cologne (CHLB Đức) và thăm quan cơ sở bảo tồn các loài bò sát và lưỡng cư

 
Nhân nuôi bảo tồn loài Thằn lằn cá sấu và nhân nuôi bảo tồn loài Rùa trung bộ tại Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh


Nguồn tin:  GS.TS. Nguyễn Quảng Trường – Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật
Xử lý tin: Minh Tâm

 

 

 



Tags:
Tin liên quan