Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam làm việc với Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học thế giới (TWAS)
Toàn cảnh buổi làm việc tại VAST
Tham dự buổi làm việc có PGS.TS. Lê Cự Linh - Phó Viện trưởng, Viện Khoa học sức khoẻ, Trường Đại học VinUni; Đại diện Quỹ VinFuture, Tập đoàn VinGroup. GS. TSKH. Ngô Việt Trung; GS. TSKH. Lê Tuấn Hoa – Viện sĩ TWAS, Nguyên Viện trưởng Viện Toán học VAST cũng tham gia buổi làm việc.
Chụp ảnh lưu niệm
Trong buổi làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hai bên đã cùng trao đổi cơ hội hợp tác nghiên cứu đào tạo. Phát biểu tại buổi làm việc, GS.VS. Châu Văn Minh, Chủ tịch VAST, thể hiện sự tin tưởng rằng với uy tín và những thành tựu trong lĩnh vực khoa học, nhiệm kì của GS. Karim sẽ có nhiều thành công, cũng như với tư cách là Thành viên Hội đồng VinFuture, Giáo sư Karim sẽ cùng VinFuture lựa chọn được những công trình khoa học tốt nhất cho Giải thưởng VinFuture. Bên cạnh đó, GS.VS. Châu Văn Minh cũng bày tỏ hy vọng GS. Karim tiếp tục hỗ trợ cho các hoạt động của TWAS, hoạt động của cộng đồng khoa học thế giới cũng như hỗ trợ các hoạt động của VAST, của các nhà khoa học Việt Nam để có thêm các liên kết hợp tác với các tổ chức khoa học trên thế giới.
GS. Karim chia sẻ rằng trên cương vị là Chủ tịch TWAS và Thành viên Hội đồng VinFuture, những vai trò này là sự liên đới để hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học. Bà cũng bày tỏ mong muốn được hợp tác với các cộng sự người Việt Nam để xây dựng củng cố mối quan hệ, và hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực toán học, vật lý, khoa học ứng dụng trong nông nghiệp, y khoa, khoa học sự sống. Bà cũng hy vọng các nhà khoa học Việt Nam sẽ có vai trò chủ động hơn trong TWAS và đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác giữa các nước đang phát triển.
Cùng ngày, GS. Quaraisha Abdool Karim đã tới thăm và làm việc với Trung tâm Giám định ADN, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Tham quan phòng thí nghiệm tại Trung tâm Giám định ADN, Viện Công nghệ sinh học
Chụp ảnh lưu niệm tại Trung tâm Giám định ADN, Viện Công nghệ sinh học (Ảnh: Trung tâm Thông tin - Tư liệu)
Giáo sư Quarraisha Abdool Karim là một nhà dịch tễ học người Nam Phi, được biết đến cho nhiều đóng góp trong nghiên cứu AIDS. Bà là Phó Giám đốc Khoa học của Trung tâm nghiên cứu AIDS, CAPRISA, giáo sư dịch tễ học lâm sàng tại Đại học Columbia, và giáo sư danh dự y tế công cộng tại Đại học KwaZulu-Natal; Phó chủ tịch của Viện Hàn lâm khoa học châu Phi, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (President of Council of TWAS). Năm 2021, GS. Karim đã được nhận Giải thưởng VinFuture Đặc biệt do Quỹ VinFuture trao tặng. Nghiên cứu của Karim nổi tiếng thế giới, đáng chú ý nhất với nghiên cứu CAPRISA 004. Công trình này đã được trao tặng nhiều giải thưởng, bao gồm The Order of Mapungubwe (Bronze), giải thưởng lớn nhất Nam Phi, và Giải L'Oréal-UNESCO cho phụ nữ trong khoa học trong việc giúp phụ nữ châu Phi chống chọi lại căn bệnh HIV và cải thiện cuộc sống của họ. |
Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (The World Academy of Sciences) có tên viết tắt là TWAS và tên phụ trợ là “vì sự tiến bộ của khoa học các nước đang phát triển” (for the advancement of science in developing countries) là một tổ chức khoa học toàn cầu có trụ sở tại Trieste, Italy được thành lập năm 1983 bởi một nhóm các nhà khoa học hàng đầu của các nước đang phát triển, dưới sự lãnh đạo của GS. Abdus Salam - nhà vật lý người Pakistan đã từng đoạt giải Nobel Vật lý năm 1979. Từ năm 1991, TWAS được bảo trợ bởi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO). Hoạt động của TWAS được định hướng theo các mục tiêu: (1) Công nhận, hỗ trợ và thúc đẩy những thành tựu xuất sắc trong nghiên cứu khoa học ở các nước đang phát triển; (2) Giúp đỡ các nhà khoa học trẻ ở các nước đang tụt hậu về khoa học và công nghệ; (3) Thúc đẩy hợp tác Nam – Nam và Nam – Bắc trong khoa học, công nghệ và đổi mới; (4) Khuyến khích nghiên cứu khoa học và chia sẻ kinh nghiệm trong việc giải quyết những vấn đề mà các nước đang phát triển phải đối mặt. Với vai trò là Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới, TWAS cũng là cơ quan chủ trì hoạt động của Liên minh các Viện Hàn lâm IAP (InterAcademy Partnership) kết hợp mạng lưới các Viện Hàn lâm Khoa học và đại diện cho khoảng 130 Viện Hàn lâm trên toàn thế giới, trong đó có Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Tính đến nay, Việt Nam có 8 người được bầu là viện sĩ TWAS; trong đó có 6 nhà khoa học từ VAST và gần đây GS. TSKH. Lê Tuấn Hoa đã được bầu vào Hội đồng TWAS nhiệm kỳ 2023-2026. |
Phương Hà