Chào mừng Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10: Một số nhà khoa học nữ trẻ tuổi Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được vinh danh trong năm 2021
TS. Nguyễn Kim Anh với giải thưởng quốc tế “Bài báo khoa học được nhiều người quan tâm nhất năm 2021”
Nữ nhà khoa học trẻ, TS. Nguyễn Kim Anh (sinh ngày 2 tháng 5 thuộc thế hệ 8X), thuộc Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các cộng sự được Tạp chí Tiến bộ trong khoa học Trái đất và Hành tinh (PEPS) thuộc Hội Địa vật lý Nhật Bản (JPGU) trao giải thưởng “Bài báo khoa học được nhiều người quan tâm nhất năm 2021”. Để giành được giải thưởng này, bài báo của cô và các cộng sự đã vượt qua 398.780 bài báo trên nhiều tạp chí khác nhau và ít nhất 66 bài báo chất lượng ngay trên PEPS. Chỉ trong hơn 1 năm đăng tải, bài báo có hơn 20.000 lượt truy cập và 21 lượt trích dẫn theo Google Scholar (14 lượt trích dẫn theo SCI). Công trình nghiên cứu của TS. Nguyễn Kim Anh và các cộng sự là về tình hình nhiễm mặn ở khu vực sông Mekong, khu vực thử nghiệm là tỉnh Trà Vinh của Việt Nam, nhằm góp phần cung cấp cơ sở khoa học, kế hoạch và giải pháp ứng phó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội nơi đây.
Ngoài giải thưởng trên, trước đó TS. Nguyễn Kim Anh cũng đã nhận 12 giải thưởng khoa học quốc tế và các suất tài trợ dành cho nhà khoa học trẻ của Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ, Hội Địa vật lý Mỹ (AGU), Hội Địa tin học và Viễn thám quốc tế (IEEE GRSS), APEC, Hội Địa vật lý Châu Âu (EGU), Hiệp hội Khoa học Địa chất Châu Á, Châu Đại Dương (AOGS)... Hiện nữ Tiến sĩ Kim Anh là gương mặt được chọn làm Đại Sứ Truyền Thông cho tổ chức Địa tin học và Viễn thám quốc tế (IEEE-GRSS).
TS. Nguyễn Kim Anh (ảnh nhân vật cung cấp)
TS. Đỗ Thị Hoài vinh danh “Nhà Vật lý trẻ triển vọng”
Tháng 7/2021, TS. Đỗ Thị Hoài (sinh năm 1987), cán bộ Phòng Vật lý thiên văn và Vũ trụ, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã đoạt giải "Nhà Vật lý trẻ triển vọng" cùng với hai ứng viên khác. Giải thưởng “Nhà Vật lý trẻ triển vọng” là giải thưởng của Hội Vật lý Việt Nam được trao 2 năm một lần cho các nhà vật lý Việt Nam dưới 40 tuổi. Giải thưởng nhằm "khích lệ và tôn vinh các nhà vật lý trẻ có thành tích nổi bật trong nghiên cứu cơ bản, phát triển và ứng dụng công nghệ, đào tạo và giảng dạy vật lý". TS. Đỗ Thị Hoài nhận giải thưởng cho một chuỗi công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí SCI uy tín của lĩnh vực thiên văn học về hình thái và động học lớp vỏ những ngôi sao già như R Dor, EP Aqr và Mira Ceti.
Hướng nghiên cứu chính của TS. Đỗ Thị Hoài là về những ngôi sao già. Đến nay, TS. Hoài và các cộng sự trong nhóm nghiên cứu đã công bố trên 30 bài báo quốc tế, trong đó liên quan đến hướng nghiên cứu chính về ngôi sao già là 15 bài SCI. Các bài báo đều được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín như tạp chí Monthly Notice of Royal Astronomical Society (MNRAS) và tạp chí Astronomy and astrophysics (AnA). Các kết quả nghiên cứu của cô và đồng nghiệp góp phần làm sáng tỏ dần cơ chế phá vỡ cấu trúc đối xứng của sao.
“Mặc dù, nghiên cứu sao già đã đạt được nhiều tiến bộ trong những thập kỷ vừa qua nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp, đây sẽ vẫn là chủ đề nghiên cứu của nhóm trong thời gian tới”, TS. Hoài cho biết.
03 nữ tiến sĩ trẻ xuất sắc nhận học bổng nghiên cứu sau tiến sĩ do Quỹ VINIF trao tặng năm 2021
Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) thuộc Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn (VINBIGDATA), được thành lập nhằm hỗ trợ các nhà khoa học và các tài năng trẻ thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần tạo ra những thay đổi tích cực và bền vững cho Việt Nam.
Tháng 9/2021, VINIF đã công bố danh sách 30 nhà khoa học ưu tú nhận được học bổng sau tiến sĩ tại Việt Nam năm 2021, trong đó có 01 nữ giảng viên khoa Khoa học Sự sống của trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội - USTH (TS. Mai Thị Phương Nga) và 02 nữ tiến sĩ trẻ của Viện Khoa học vật liệu (TS. Nguyễn Thúy Vân - Phòng Vật liệu và Ứng dụng quang sợi, và TS. Dương Thị Giang - Phòng Cooperman).
TS. Dương Thị Giang; TS. Nguyễn Thúy Vân và TS. Mai Thị Phương Nga
TS. Dương Thị Giang, Phòng Cooperman, Viện Khoa học vật liệu
TS. Giang (sinh năm 1985) được nhận hỗ trợ học bổng với đề tài Postdoc: Nghiên cứu tác động của môi trường ánh sáng đến phản xạ đồng tử và thị lực. TS. Dương Thị Giang tốt nghiệp Đại học và Thạc sĩ loại xuất sắc tại Liên bang Nga, tốt nghiệp Tiến sĩ tại Học viện Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. TS. Giang là tác giả chính/đồng tác giả của nhiều công trình công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín như Applied Science, IEEE Photomic Journal…; và là đồng tác giả của nhiều bằng sáng chế, giải pháp hữu ích đã được cấp bằng.
Để có được thành tích trên, TS. Giang chia sẻ: “Đức tính quan trọng góp phần vào thành công trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của người phụ nữ đó chính là sức chịu đựng, bền bỉ và kiên nhẫn. Có những thí nghiệm, chúng tôi phải làm đi làm lại rất nhiều lần mà không thu được kết quả nào. Nhiều khi cũng nản muốn ngừng lại nhưng rồi lại động viên nhau thử lại. Bên cạnh đó sự động viên, ủng hộ của Lãnh đạo, các thầy hướng dẫn và đồng nghiệp đã giúp cho chúng tôi vững tin với đam mê nghiên cứu của mình.”
“Một khó khăn khác, khi làm nghiên cứu khoa học, phụ nữ gặp phải rất nhiều khó khăn và thiệt thòi hơn so với nam giới. Để có thể đạt được một kết quả tốt thì sự cố gắng và quyết tâm của họ phải cao hơn rất nhiều lần, đặc biệt là đối với các nhà khoa học trẻ khi mà bên cạnh công việc nghiên cứu thì trách nhiệm với gia đình, con cái luôn canh cánh bên cạnh.”, nữ tiến sĩ Giang cho biết.
TS. Nguyễn Thúy Vân, Phòng Vật liệu và Ứng dụng quang sợi, Viện Khoa học vật liệu
TS. Nguyễn Thúy Vân (sinh năm 1987) được nhận hỗ trợ học bổng với tên đề tài Postdoc: Nghiên cứu chế tạo cảm biến sinh-hóa dựa trên nền silic được định dạng hóa bằng ăn mòn điện hóa có phủ kim loại quý. TS. Nguyễn Thúy Vân làm luận án tiến sĩ tại Học viện Khoa học và công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, là tác giả/đồng tác giả của nhiều công trình KHCN công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín cao, nhiều bằng độc quyền sáng chế được cấp bằng, đã chủ nhiệm và tham gia hơn 10 đề tài NCKH trong nước. Ngoài ra, TS. Vân cũng đã từng được nhận học bổng Odon Vallet, Toshiba cho sinh viên xuất sắc, học viên xuất sắc và nghiên cứu sinh xuất sắc.
TS. Nguyễn Thúy Vân (ảnh nhân vật cung cấp)
Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn trong công tác nghiên cứu, TS. Vân cho biết: “Làm nghiên cứu khoa học đối với phụ nữ thật không dễ dàng gì bởi ngoài công việc thì phụ nữ còn phải lo chăm sóc gia đình và con cái. Công việc nghiên cứu thì lại đòi hỏi thời gian, tính tỉ mỉ, sáng tạo, tìm tòi và luôn phải trau dồi kiến thức. Tôi là người may mắn khi có các đồng nghiệp luôn giúp đỡ tận tình và đặc biệt có một gia đình luôn hết mình ủng hộ phía sau. Trong tương lai tôi vẫn tiếp tục các nghiên cứu về cảm biến quang định hướng ứng dụng.”
TS. Mai Thị Phương Nga, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội
TS. Mai Thị Phương Nga (sinh năm 1987) được nhận hỗ trợ học bổng với tên đề tài Postdoc: Nghiên cứu tương tác cây lúa Việt Nam (Oryza sativa L.) với các vi khuẩn có hại và có lợi trong điều kiện môi trường thiếu hụt phốt phát ở mức độ sinh hóa và phân tử. TS. Mai Thị Phương Nga tốt nghiệp Tiến sĩ tại Trường Đại học Picardie Jules Verne là tác giả liên hệ của 03 công trình nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Q1; đồng tác giả của 01 công trình trên tạp chí Q2; 01 công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí Quốc tế uy tín và 05 công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Việt Nam uy tín. Chủ nhiệm 01 đề tài cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 01 Đề tài cơ sở cấp trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; là thành viên nghiên cứu chính của 04 đề tài các cấp khác (cấp cơ sở, học viện GUST, VinGroup, Viện Hàn lâm). Ngoài ra, TS. Nga cũng đã từng 02 lần được nhận học bổng Odon Vallet cho sinh viên xuất sắc, học viên xuất sắc; nhận học bổng 911 cho nghiên cứu sinh tại Cộng hòa Pháp; nhận Giấy khen của Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm 2020.
TS. Mai Thị Phương Nga (Ảnh nhân vật cung cấp)
Đồng quan điểm với các nữ tiến sĩ khác, TS. Nga cũng gặp phải những khó khăn về thời gian và vướng bận gia đình con cái. Nữ tiến sĩ bày tỏ: “Ngoài công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, mình còn cần dành thời gian để chăm sóc gia đình và 02 con nhỏ, nên thời gian làm việc đôi khi bị hạn chế hơn so với nam giới.”
Nhân dịp chào mừng kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, xin chúc mừng các nữ tiến sĩ đã vượt qua khó khăn trở ngại trong cuộc sống và có được các thành tích cao trong sự nghiệp./.
Tổng hợp: Minh Tâm