30 năm xây dựng và phát triển Viện Kỹ thuật nhiệt đới (1980 - 2010)
Ngày 8/8/1980, Chính phủ đã ký quyết định số 248/CP thành lập Viện Kỹ thuật nhiệt đới trực thuộc Viện Khoa học Việt Nam. Viện trưởng đầu tiên của Viện Kỹ thuật nhiệt đới là GS.TSKH. Vũ Đình Cự, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam. Sự ra đời của Viện Kỹ thuật nhiệt đới không chỉ đáp ứng nhu cầu khách quan của kỹ thuật, sản xuất, đời sống, quốc phòng - an ninh ở một nước có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như nước ta mà còn là sự ghi nhận của Chính phủ, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước và Viện Khoa học Việt Nam về sự đóng góp và trưởng thành của một đội ngũ cán bộ đầy tâm huyết, kề vai sát cánh nghiên cứu nhiệt đới hóa và thử nghiệm tự nhiên từ năm 1959 tại khoa Điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển của Trạm Nhiệt đới hóa và Viện Kỹ thuật nhiệt đới gồm các giai đoạn chính như sau:
- Giai đoạn thứ nhất (1961 – 1967), Trạm Nhiệt đới hóa thuộc Ủy ban khoa học nhà nước;
- Giai đoạn thứ 2 (1967 - 1975), Phòng nhiệt đới hóa thuộc Viện Khoa học Tự nhiên, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước;
- Giai đoạn thứ 3 (1975 – 1980), Phòng nhiệt đới hóa thuộc Viện Khoa học Việt Nam;
- Giai đoạn thứ 4 (1980 – 1993), Viện Kỹ thuật nhiệt đới thuộc Viện Khoa học Việt Nam;
- Giai đoạn thứ 5 (từ 1993 đến nay): từ 1993 đến 2004, Viện Kỹ thuật nhiệt đới là một trong 17 Viện nghiên cứu cấp quốc gia thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia.
- Từ 2004 đến 2008, Viện là một trong 18 viện nghiên cứu cấp quốc gia;
- Từ năm 2008, Viện là một trong 25 viện nghiên cứu cấp quốc gia thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Hiện nay, Viện là một viện nghiên cứu liên ngành đi đầu về nghiên cứu – triển khai bảo vệ vật liệu, thiết bị, công trình trong điều kiện khí hậu nhiệt đới . Viện có 76 cán bộ biên chế, trong đó có 4 phó giáo sư, 18 tiến sỹ, 18 thạc sỹ, 25 kỹ sư và cử nhân, 7 nhân viên kỹ thuật, hàng chục cán bộ hợp đồng làm việc ở 9 phòng chuyên môn với các phòng thí nghiệm trong các lĩnh vực hóa học, vật lý, kỹ thuật điện, điện tử, khí hậu kỹ thuật, môi trường và thử nghiệm gia tốc, các xưởng sản xuất - thử nghiệm; các cơ sở thử nghiệm tự nhiên ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Quảng Bình và Khánh Hòa. Các cán bộ của Viện đã có mặt trên khắp mọi miền của đất nước, từ Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai đến vùng núi rừng Tây Nguyên, miền sông nước Tây Nam Bộ và các hải đảo (kể cả quần đảo Trường Sa), đem trí tuệ và sức lực của mình thực hiện thành công các nhiệm vụ nghiên cứu triển khai, đào tạo cán bộ, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, xứng đáng với lòng tin của lãnh đạo Viện KHCNVN, của các đồng nghiệp và đối tác trong và ngoài nước.
Từ năm 1980 đến nay, Viện đã tiến hành công tác điều tra cơ bản; nghiên cứu cơ bản; nghiên cứu phát triển; sản xuất và thử nghiệm. Viện đã chủ trì hai chương trình trọng điểm nhà nước về kỹ thuật nhiệt đới 48.08 (giai đoạn 1981-1985) và 48D (giai đoạn 1986-1990), chủ trì 22 đề tài trọng điểm, 3 đề tài độc lập, 01 dự án điều tra môi trường, 06 dự án sản xuất thử, thử nghiệm, hàng chục đề tài nghiên cứu cơ bản cấp Nhà nước; 48 đề tài và 14 dự án sản xuất thử, thử nghiệm cấp bộ. Các cán bộ khoa học của Viện đã tích cực tham gia tìm nguyên nhân gây sự cố và biện pháp bảo vệ một số cầu và công trình kim loại, đóng góp đầy trách nhiệm vào phương án bảo vệ các cột truyền tải điện đường dây 500 kV Bắc – Nam; nghiên cứu chế tạo và ứng dụng các lớp phủ cách điện và lớp phủ bảo vệ trên cơ sở dầu thực vật biến tính, vật liệu polyme và vật liệu tổ hợp trên cơ sở cao su thiên nhiên Việt Nam và nhựa nhiệt dẻo, các loại van chống sét cho các công trình điện, điện tử, viễn thông. Việc thực hiện thắng lợi các đề tài, dự án nghiên cứu triển khai đã tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị, đóng góp thiết thực cho việc hoạch định kế hoạch, thiết kế chế tạo, bảo vệ vật liệu, thiết bị, công trình và môi trường.
Trong lĩnh vực điều tra cơ bản, Viện đã xây dựng ngân hàng số liệu khí hậu kỹ thuật và có nhiều kết quả nghiên cứu thử nghiệm về ăn mòn kim loại để tiến tới hoàn thành tập bản đồ phân vùng ăn mòn kim loại ở Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu cơ bản về tác động nhiều chiều của các yếu tố môi trường, điều kiện tổng hợp, gia công… đến tính chất, độ bền và tuổi thọ của vật liệu, thiết bị, công trình đã được công bố trên các tạp chí có uy tín ở trong và ngoài nước, tuyển tập các hội nghị khoa học quốc gia và quốc tế.
Sơn phản nhiệt mặt trời của Viện Kỹ thuật nhiệt đới bảo vệ chống ăn mòn các bồn chứa xăng dầu tại Công ty xăng dầu B12, Quảng Ninh
Một điều cần nhấn mạnh là nhiều đề tài, dự án nghiên cứu, sản xuất – thử nghiệm của Viện đã có ứng dụng một cách hiệu quả vào sản xuất và đời sống. Nhiều công nghệ, sản phẩm, phương pháp thử nghiệm và đánh giá chất lượng sản phẩm, vật liệu, linh kiện của Viện được các bạn hàng tin tưởng, đánh giá cao.
Từ các kết quả nghiên cứu triển khai, trước hết là nghiên cứu cơ bản, các cán bộ khoa học của Viện đã công bố trên 1100 công trình khoa học trong và ngoài nước, trong đó có 120 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín, xuất bản 5 sách chuyên khảo, được trao 7 chứng nhận quyền tác giả của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Một cán bộ khoa học của Viện đã được trao bằng sáng chế độc quyền (đồng tác giả) của Tổ chức Trí tuệ thế giới và Cơ quan Sáng chế Châu Âu. Viện đã vinh dự được trao 3 giải thưởng của Quỹ sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam VIFOTEC, 2 huy chương tuổi trẻ sáng tạo, một học bổng UNESCO-L’Oreal “Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học” cho một nhà khoa học nữ trẻ.
Được sự quan tâm của Nhà nước, cơ sở vật chất của Viện ngày càng được cải thiện. Trong những năm gần đây, các trạm thử nghiệm khí hậu nhiệt đới tại các thành phố Hạ Long, Đồng Hới và Nha Trang đã được sử dụng và khai thác có hiệu quả. Nhiều thiết bị đầu tư chiều sâu của Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, của Viện KHCNVN cùng với thiết bị tiếp nhận từ các dự án hợp tác quốc tế đã tăng cường một cách đáng kể tiềm lực nghiên cứu – triển khai của Viện.
Trạm thử nghiệm khí hậu nhiệt đới trên bờ Vịnh Nha Trang, Khánh Hòa
Kết hợp nghiên cứu khoa học với đào tạo, các cán bộ của Viện đã tích cực tham gia giảng dạy đại học và sau đại học ở khoa Hóa học, các trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Khoa học Tự nhiên và nhiều cơ sở đào tạo khác. Hiện nay Viện đã ký Thỏa thuận hợp tác nghiên cứu và đào tạo với khoa Hóa học, các trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Trong 10 năm gần đây, các cán bộ của Viện đã hướng dẫn bảo vệ thành công 14 luận án tiến sỹ, 30 luận văn thạc sỹ và 80 khóa luận tốt nghiệp, tham gia giảng dạy nhiều môn học, chuyên đề đại học và sau đại học ở các cơ sở đào tạo, hiện nay có 13 nghiên cứu sinh đang tiến hành luận án tiến sỹ tại Viện.
Thấy rõ vai trò quan trọng của hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ nên từ khi thành lập đến nay, Viện đã không ngừng củng cố và phát triển các mối quan hệ hợp tác với các đồng nghiệp ở Pháp, Nga, Đức, Cu Ba, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Thái Lan… Viện đã chủ trì 2 dự án do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tài trợ và là đồng chủ trì dự án ABOS do Vương quốc Bỉ tài trợ. Trong giai đoạn 1985- 1990, Viện đã tham gia chương trình nghiên cứu ăn mòn và bảo vệ vật liệu của khối SEV đặt tại Cu Ba. Từ năm 1998, Viện là đối tác chính của phía Việt Nam tham gia dự án “Nghiên cứu Ăn mòn và Bảo vệ Vật liệu” với Trung tâm NCKH Quốc gia Pháp. Viện là đồng chủ trì dự án hợp tác “Nghiên cứu chế tạo và khảo sát tính chất của tổ hợp cao su/chất dẻo chịu điều kiện nhiệt đới” do Bộ Khoa học và Đào tạo Liên bang Đức tài trợ. Thông qua hợp tác quốc tế, Viện đã tiếp nhận các thiết bị nghiên cứu cấu trúc, xác định các tính năng, thử nghiệm gia tốc của vật liệu khá hiện đại không chỉ trong nước mà cả trong khu vực.
Đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học của Viện đã được rèn luyện, đào tạo và nâng cao về chất. Trong lịch sử 30 năm của Viện, đã có 1 cán bộ được phong học hàm giáo sư, 11 cán bộ được phong học hàm phó giáo sư, 2 cán bộ bảo vệ thành công luận án tiến sỹ khoa học, 40 cán bộ bảo vệ thành công luận án tiến sỹ chuyên ngành và 60 cán bộ bảo vệ thành công luận án thạc sỹ ở trong và ngoài nước. Tất cả cán bộ khoa học nói trên đã và đang góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ở các cương vị và cơ quan công tác khác nhau.
Bảo vệ luận án tiến sỹ tại Viện Kỹ thuật nhiệt đới
Ngoài công tác chuyên môn, hình ảnh của Viện còn được thể hiện sinh động trong hoạt động của các đoàn thể. Các chủ trương, các phong trào do lãnh đạo, đảng ủy, công đoàn, đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Viện KHCNVN phát động đều có sự tham gia nhiệt tình của anh chị em cán bộ – viên chức. Các vở kịch, lời ca tiếng hát, các trận thi đấu bóng đá, cầu lông của anh chị em đã ghi dấu ấn trong các hội diễn văn nghệ, các giải thi đấu thể thao của Viện KHCNVN. Ngoài ra, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cán bộ chính sách, các hoạt động nghỉ ngơi, giải trí, dã ngoại của cán bộ viên chức trong Viện ngày càng được chú trọng.
Với thành tích hoạt động chuyên môn và các hoạt động khác, chi bộ Viện liên tục được công nhận “Chi bộ trong sạch, vững mạnh”, công đoàn Viện nhiều năm liền là công đoàn xuất sắc, vững mạnh. Tập thể nữ liên tục là tập thể nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà. Nhờ những thành tích đã đạt được, Viện đã vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất năm 1995 và Huân chương Độc lập hạng ba năm 2005. Đây là những phần thưởng to lớn ghi nhận những đóng góp của nhiều thế hệ cán bộ, công chức – viên chức của Viện. Có được các kết quả như trên là nhờ Viện luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát và đúng đắn của Chính phủ, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện KHCNVN, các Bộ ngành, các địa phương, các Ban, các viện nghiên cứu, các đơn vị trực thuộc Viện KHCNVN, sự giúp đỡ của các sứ quán, các tổ chức quốc tế, các đơn vị nghiên cứu, đào tạo và sản xuất trong và ngoài nước, sự phối hợp chặt chẽ giữa lãnh đạo Viện với chi uỷ, hội đồng khoa học, ban chấp hành công đoàn và các đoàn thể khác cũng như sự phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức của Viện Kỹ thuật nhiệt đới.
Trong các hoạt động của Viện, chúng tôi luôn chú trọng thực hiện tốt quy chế dân chủ, thực hiện công khai, công bằng, thiết thực và hiệu quả. Kết quả này còn thể hiện sự cộng tác, chia sẻ của các đơn vị bạn, của các cơ sở sản xuất cũng như sự hợp tác, giúp đỡ của các đồng nghiệp quốc tế. Đây là thuận lợi và tiền đề quan trọng để tiếp tục xây dựng và phát triển Viện trong thời gian tới. Bên cạnh những thành tựu ở trên, Viện còn một số tồn tại như chưa có nhiều công nghệ mới, sản phẩm mới ứng dụng vào sản xuất và đời sống, số công trình công bố trên các tạp chí quốc tế chưa nhiều, trang thiết bị nghiên cứu không đồng bộ, diện tích dành cho nghiên cứu, chế thử, diện tích làm việc cho cán bộ - viên chức ở các phòng còn thiếu...
Hiện nay, cùng với các viện nghiên cứu trong Viện KHCNVN, Viện Kỹ thuật nhiệt đới đang đứng trước thời cơ và vận hội mới để phát triển. Phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, cán bộ – viên chức của Viện tiếp tục đẩy mạnh các hướng nghiên cứu – triển khai có thế mạnh của Viện là điều tra cơ bản về môi trường, khí hậu kỹ thuật, phát triển vật liệu và lớp phủ bảo vệ vô cơ, kim loại; vật liệu và lớp phủ bảo vệ hữu cơ; vật liệu cao su, chất dẻo và vật liệu tổ hợp; chống sét cho các công trình điện, điện tử, viễn thông, đánh giá độ tin cậy linh kiện, thiết bị, thử nghiệm tự nhiên, dự báo tuổi thọ sử dụng các loại vật liệu, linh kiện, tăng cường công tác đào tạo sau đại học, củng cố và phát triển hợp tác quốc tế về nghiên cứu và đào tạo.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Viện, toàn thể cán bộ – viên chức của Viện xin bày tỏ sự tri ân tới các thế hệ đi trước. Đặc biệt, từ trái tim mình, chúng tôi luôn ghi nhớ và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố GS. Tạ Quang Bửu, cố GS.VS. Trần Đại Nghĩa, các vị lãnh đạo và các nhà khoa học đáng kính khác về sự chăm lo và quan tâm tới các vấn đề nghiên cứu – triển khai nhiệt đới hóa trước đây và kỹ thuật nhiệt đới hiện nay. Chúng tôi xin hứa cùng nhau tiếp tục đoàn kết, giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của Viện Kỹ thuật nhiệt đới, đem hết sức mình để xây dựng Viện ngày càng vững mạnh, góp phần xứng đáng vào các hoạt động sáng tạo của Viện KHCNVN, vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
PGS. TS. Thái Hoàng
Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới