“Làm chủ công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR/Cas9” của các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được bình chọn là một trong 10 sự kiện KH-CN nổi bật năm 2022

26/12/2022
Ngày 26/12/2022, tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã công bố kết quả bình chọn 10 sự kiện KH-CN nổi bật năm 2022. Các lĩnh vực được bình chọn gồm: cơ chế chính sách; khoa học xã hội; khoa học tự nhiên; nghiên cứu ứng dụng; tôn vinh nhà khoa học. Đây là năm thứ 17, hoạt động này được Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức với sự tham gia của hơn 40 phóng viên chuyên theo dõi lĩnh vực KH-CN của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Năm 2022, sau hơn 2 năm bị tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, kinh tế - xã hội Việt Nam đã bước đầu thích nghi và dần hồi phục. Các hoạt động về nghiên cứu KHCN, đổi mới sáng tạo cũng sôi động và có nhiều kết quả tích cực; đóng góp chung và sự tạo đà hồi phục và tăng trưởng về mọi mặt của đất nước. Từ các đề cử của những thành viên Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ban Chủ nhiệm CLB đã tiến hành chấm điểm, bình chọn một cách công khai, dân chủ. 

Trao chứng nhận cho các đại diện được bình chọn 10 sự kiện KH-CN nổi bật năm 2022

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vinh dự đóng góp sự kiện “Làm chủ công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR/Cas9” là một trong 10 sự kiện KH-CN nổi bật năm 2022 thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên. 

Công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR/Cas9 

Một trong những loại bệnh gây hại nhất trên cây đu đủ đang được các nhà khoa học ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) tìm cách giải quyết triệt để bằng công nghệ chỉnh sửa gen thông qua hệ thống CRISPR/Cas9. Kể từ khi được khám phá vào năm 1987, CRISPR/Cas9 đang được ứng dụng rộng rãi trên nhiều đối tượng nghiên cứu khác nhau như vi sinh vật, thực vật, động vật và cả trên tế bào người. Nhóm các nhà khoa học thuộc Viện công nghệ sinh học (IBT) và đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) cho biết đã tiến hành nghiên cứu đầu tiên về chỉnh sửa gene eIF4E kháng virus PRSV trên cây đu đủ bằng công nghệ CRISPR/Cas9. Kết quả nghiên cứu bước đầu về chỉnh sửa gene đu đủ vừa được công bố trên tạp chí Plant Cell Tissue and Organ Cultures (NXB Springer Nature). Trước đó, để kiểm tra sự hiệu quả của hệ thống chỉnh sửa gen, nhóm đã nghiên cứu chỉnh sửa gen eIF4E trên cây mô hình là cây thuốc lá để đánh giá tính kháng virus PYV. Nghiên cứu này cũng đã được công bố trên tạp chí Scientific Reports (thuộc NXB Nature) vào tháng 8-2022. Hiện tại, nhóm tiếp tục phát triển công nghệ CRISPR/Cas9 trong nâng cao tính chống chịu với bệnh do nấm phấn trắng trên đậu tương, dưa chuột; tăng cường tính chịu mặn hay thiếu hụt dinh dưỡng của cây lúa; nâng cao giá trị dinh dưỡng của quả cà chua...  

Cây đu đủ WT (trái) và cây chỉnh sửa gene (phải) sau lây nhiễm virus PRSV trong điều kiện nhà lưới. Ảnh: Nhóm nghiên cứu.

Quá trình tiếp cận và làm chủ công nghệ của nhóm nghiên cứu tại IBT và đại học USTH 

Viện Công nghệ sinh học (IBT) và đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) trực thuộc VAST là những đơn vị đầu ngành về công nghệ tế bào và công nghệ gen thực vật. Các nhà khoa học của hai đơn vị đã nhanh chóng hợp tác, tiếp cận, phát triển về công nghệ chỉnh sửa gen thông qua hệ thống CRISPR/Cas từ rất sớm. Trong đó, TS. Đỗ Tiến Phát, IBT đã tham gia nghiên cứu và phát triển hệ thống CRISPR/Cas trong chỉnh sửa hệ gen thực vật tại phòng thí nghiệm của giáo sư Gary Stacey, đại học Missouri, Hoa Kỳ. Đây là phòng thí nghiệm hàng đầu về sinh học phân tử thực vật và là một trong những nhóm đầu tiên thành công chỉnh sửa hệ gen trên cây đậu tương. Khi trở lại Việt Nam công tác, TS. Phát tiếp tục phát triển và ứng dụng thành công công nghệ này trên nhiều đối tượng cây trồng khác nhau trong các nghiên cứu tại IBT. Tại USTH, TS. Tô Thị Mai Hương đã được đào tạo về công nghệ chỉnh sửa gen thông qua các khóa tập huấn của Trung tâm Hợp tác Quốc tế về Nghiên cứu Nông nghiệp vì sự phát triển (CIRAD) và Viện nghiên cứu phát triển (IRD) tại Montpellier (Pháp). Ngoài ra, TS. Tô Thị Mai Hương cũng đã hợp tác với trường Đại học Quốc gia Gyeongsang (GNU, Hàn Quốc) nhằm học hỏi thêm công nghệ chỉnh sửa gen chính xác Base-editing và Prime editing.

TS. Đỗ Tiến Phát (ngoài cùng, phải) cùng các thành viên nhóm nghiên cứu đón tiếp các nhà khoa học tới trao đổi về công nghệ. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

TS. Tô Thị Mai Hương (bìa trái) trao đổi với các cộng sự trong nhóm nghiên cứu Công nghệ Sinh học Thực vật. Ảnh: Trần Hồng Khánh

Hiện nay, hai nhóm nghiên cứu của IBT và USTH đã hoàn toàn làm chủ công nghệ chỉnh sửa hệ gen thông qua hệ thống CRISPR/Cas9 và ứng dụng thành công trong các chương trình dự án hợp tác nghiên cứu chung của hai đơn vị. 

Danh sách 10 sự kiện KH-CN nổi bật năm 2022

Lĩnh vực cơ chế chính sách
1. Ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030
2. Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ
3. Triển khai thí điểm bộ chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương
Lĩnh vực khoa học xã hội 
4. Hội thảo quốc gia “ Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”
Lĩnh vực khoa học tự nhiên
5. Làm chủ công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR/cas9
6. Nghiên cứu, chế tạo thành công phòng sạch đạt cấp độ cao nhất thế giới
Lĩnh vực nghiên cứu  ứng dụng 
7. Ra mắt dòng chíp vi mạch ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật cho lĩnh vực y tế
8. Ra mắt hệ sinh thái điện toán đám mây lớn nhất Việt Nam
Lĩnh vực tôn vinh nhà khoa học
9. Trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ đợt 6
10. Trao Giải thưởng VinFuture năm 2022

Xem thông tin chi tiết các sự kiện TẠI ĐÂY

Mai Lan



Tags:
Tin liên quan