Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh

06/05/2020
Khai thác sáng chế và thương mại hóa kết quả nghiên cứu giữ vai trò là mục tiêu then chốt đối với sự phát triển của các Viện nghiên cứu, là mũi nhọn phát triển đối với doanh nghiệp và là nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế bền vững của quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra. Việc khai thác hiệu quả các sáng chế có tác động tích cực tới hoạt động thương mại hóa, đưa các kết quả nghiên cứu đến gần với cuộc sống, qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, quốc gia, dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ.

Hoạt động sở hữu trí tuệ tại Viện Hàn lâm KHCNVN

Với thành tích công bố quốc tế duy trì ở mức cao và tiếp tục là đơn vị đứng hàng đầu trong cả nước. Hiện tại, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam hướng tới việc nâng cao chất lượng các công bố quốc tế, thúc đẩy công tác sở hữu trí tuệ trong toàn Viện nhằm đưa các kết quả nghiên cứu ứng dụng hiệu quả trong thực tế. Trong những năm vừa qua, Viện Hàn lâm KHCNVN đã là ngọn cờ đầu trong đăng ký và trở thành chủ bằng của hàng loạt các Bằng độc quyền sở hữu trí tuệ rất có giá trị. Chỉ tính riêng năm 2019, Viện Hàn lâm KHCNVN sở hữu 52 Bằng độc quyền sáng chế và Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích, chiếm xấp xỉ 1/6 toàn bộ văn bằng độc quyền do người Việt Nam sở hữu, và chiếm khoảng 60% tổng số văn bằng của các trường đại học và viện nghiên cứu trong cả nước, trong đó có đến 25 Bằng độc quyền sáng chế - con số kỷ lục về số Bằng độc quyền sáng chế của đơn vị. Không chỉ vậy, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam còn là đơn vị dẫn đầu trong cả nước ở cả hai hạng mục, công bố mới (quốc tế) và số lượng Bằng độc quyền SHTT. Nói như vậy, để thấy được “thị phần” mà Viện Hàn lâm nắm giữ lớn đến mức nào. Đây thực sự là một thành tích ấn tượng, song cũng là kết quả tất yếu của quá trình nỗ lực không ngừng của các nhà khoa học, sự quan tâm, khuyến khích, sát sao trong công tác quản lý của Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, sự điều hành và định hướng đúng đắn của Ban Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Mức tăng trưởng vượt bậc về SHTT của Viện Hàn lâm KHCNVN chỉ tính trong giai đoạn 2011-2019

Góp phần xây dựng một xã hội bền vững

Trái đất là ngôi nhà của chúng ta. Gần 60 năm trước, tháng 4-1961, trong chuyến bay đầu tiên của con người vào vũ trụ, phi hành gia người Nga Yuri Gagarin đã kinh ngạc thốt lên: “Từ vũ trụ, tôi không nhìn thấy ranh giới giữa các quốc gia, chỉ thấy trái đất một màu xanh. Tôi mong mọi người trên thế giới hãy cùng nhau bảo vệ và tô điểm chứ không phải là phá hủy nó”.

Thế nhưng nhiều thập kỷ qua, cùng với sự phát triển công nghệ, trái đất dường như đang trở nên ô nhiễm hơn và biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang từng ngày làm thay đổi thế giới, WIPO kêu gọi tất cả chúng ta, không phân biệt quốc gia hay dân tộc, cần ý thức được trách nhiệm trong cộng đồng, góp phần ngăn chặn tình trạng ô nhiễm, xây dựng một “tương lai xanh”... Với thông điệp năm nay, WIPO muốn nhấn mạnh đến tính cấp bách của vấn đề.

“Tương lai xanh” ở đây được hiểu là một tương lai phát triển, văn minh và bền vững. Theo WIPO, con người có trí tuệ, có sự khéo léo và khả năng sáng tạo tập thể để đưa ra những cách thức mới, hiệu quả hơn nhằm định hình một tương lai xanh. Cái đích cuối cùng sẽ là quay lại phục vụ con người, nâng cao giá trị nhân văn, giá trị con người...

Để một đô thị là thành phố xanh (green city) cần 3 ý niệm. Trước hết, nơi đây phải là một đô thị sinh thái (eco-city), nơi có một tỷ lệ đáng kể cây xanh đóng góp vào sự cân bằng sinh thái trên địa bàn dân cư. Tiếp đến là phải thể hiện yếu tố phát triển bền vững (sustainable city) với kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên và ứng phó hữu hiệu với tình trạng biến đổi khí hậu. Và cuối cùng, đây phải là một thành phố thông minh (smart city) từ việc tích hợp những công nghệ hiện đại vào quản lý, điều hành và phục vụ các nhu cầu của cư dân. Thành phố thông minh cũng là thành phố sáng tạo, ở đó, khả năng sáng tạo của mỗi con người là tài nguyên, là của cải vật chất.

Thời gian qua, hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã đạt được những bước phát triển đáng kể, đóng góp vào sự phát triển khoa học công nghệ nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung. Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống pháp luật tương thích với các chuẩn mực của thế giới, một hệ thống các cơ quan xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng như các cơ chế thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ. Sở hữu trí tuệ đã và đang được quan tâm như một công cụ để phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Một hệ thống sở hữu trí tuệ hiệu quả sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển và phổ biến các công nghệ thân thiện với môi trường, góp phần xây dựng một xã hội bền vững... Sở hữu trí tuệ cũng giúp những nhà sáng tạo, thông qua các tác phẩm được bảo hộ của mình, tạo ra tầm nhìn về một tương lai xanh.

Đồng hành cùng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (IPVN) trong chủ đề “Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh”, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cam kết năm 2020 sẽ là năm định hướng cho các sáng tạo xanh thân thiện với môi trường để định hình cho một tương lai xanh của chúng ta mai sau.

Một trong những hoạt động phối hợp thường kỳ giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Cục Sở hữu trí tuệ: Tập huấn nâng cao cho các cán bộ nghiên cứu về kỹ năng viết và theo đuổi văn bằng sáng chế.

Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới

Từ năm 2000, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) lựa chọn lấy ngày 26-4 hằng năm là Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (IP Day) nhằm tri ân, tôn vinh các nhà sáng tạo, đồng thời truyền thông nâng cao nhận thức về vai trò của sở hữu trí tuệ trong cuộc sống hằng ngày.

Từ đó, “IP Day” trở thành ngày mà mọi người trên thế giới cùng nhau tìm hiểu và cổ vũ cho những đóng góp của sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển chung của toàn nhân loại vì cuộc sống con người.

Mỗi năm sẽ có một thông điệp hoặc chủ đề được WIPO đưa ra chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới. Năm 2013, WIPO đưa ra thông điệp: “Sáng tạo: Trách nhiệm của thế hệ trẻ” với lời nhắn nhủ thế hệ trẻ - những người chủ của tương lai cần ý thức được vai trò của sở hữu trí tuệ trong sáng tạo và đổi mới. Năm 2018, nhằm tôn vinh những đóng góp của phụ nữ trong hoạt động đổi mới sáng tạo, WIPO chọn chủ đề: “Tiếp sức cho những thay đổi - Phụ nữ với hoạt động đổi mới sáng tạo”. Năm 2019, WIPO truyền đi thông điệp: “Hướng tới Huy chương vàng - Sở hữu trí tuệ và thể thao” để tôn vinh những huyền thoại thể thao và tất cả những người đang sáng tạo phía sau hậu trường góp phần nâng cao thành tích thi đấu, làm tăng sức hấp dẫn của các giải thể thao trên toàn thế giới...

Nhìn lại những thông điệp mà WIPO đã nỗ lực truyền đạt trong suốt 20 năm qua cho thấy, WIPO đã luôn kiên trì với mục tiêu đẩy mạnh hoạt động sáng tạo và tạo điều kiện chuyển giao công nghệ liên quan đến sở hữu trí tuệ sang các nước đang phát triển để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa, đồng thời bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên toàn thế giới.

Năm nay, Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới có chủ đề: “Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh”. Đặt đổi mới sáng tạo và các quyền sở hữu trí tuệ hỗ trợ đổi mới sáng tạo là trung tâm của những nỗ lực tạo ra một tương lai xanh, WIPO muốn truyền đi thông điệp: Những lựa chọn chúng ta đưa ra hôm nay sẽ định hình tương lai của chúng ta mai sau. Trái đất là nhà của chúng ta. Chúng ta cần quan tâm đến trái đất. 

 

Nguồn tin: Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ
Xử lý tin: Phương Hà


Tags:
Tin liên quan