Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển thị trường khoa học và công nghệ” của Quốc hội làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Tham dự buổi làm việc, về phía Viện Hàn lâm có GS. TS. Chu Hoàng Hà - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, PGS. TS. Phan Tiến Dũng - Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, cùng đại diện các ban giúp việc và một số đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm.
Trong những năm qua, Viện Hàn lâm đã kiện toàn các tổ chức khoa học và công nghệ gắn nghiên cứu với hoạt động đổi mới sáng tạo và đào tạo, khuyến khích các loại hình hợp tác với doanh nghiệp nhằm phát hiện, tìm kiếm giải pháp công nghệ, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp; xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Năm 2017, Đảng ủy Viện Hàn lâm đã ban hành Nghị quyết 159-NQ/ĐUVHL về việc đẩy mạnh công tác ứng dụng và triển khai công nghệ của Viện Hàn lâm, giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030 và đến năm 2022, ban hành Nghị quyết tiếp tục thực hiện Nghị quyết 159-NQ/ĐUVHL, tạo chuyển biến tích cực và đưa ra 04 hướng nhiệm vụ phù hợp để chuyển giao kết quả nghiên cứu theo yêu cầu của bộ, ngành, địa phương cũng như chuyển giao các công nghệ tạo sản phẩm cụ thể cho doanh nghiệp trong sản xuất hàng hóa cạnh tranh trên thị trường thông qua các ký kết Hợp tác khoa học công nghệ với các Bô, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Lãnh đạo Viện chủ trương đổi mới phương thức quảng bá các kết quả nghiên cứu của Viện tới cộng đồng như tham gia các sự kiện triển lãm Quốc gia, quốc tế về công nghệ, tổ chức các Hội thảo, Hội nghị, Diễn đàn nhằm kết nối các lĩnh vực khoa học đến đối tượng cụ thể… Các sự kiện này tạo cơ hội cho các nhà khoa học và doanh nghiệp hợp tác, trao đổi, tìm hiểu các vấn đề của doanh nghiệp để phát triển, hoàn thiện công nghệ đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Ngoài ra đã lập mục “Sản phẩm thương mại hóa” trên website và đã in các cuốn Giới thiệu Công nghệ năm 2016, 2018 … Các chủ trương của Lãnh đạo Viện đã có những kết quả rất ấn tượng, hàng năm có trên 1600 bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới và trên 50 Bằng độc quyền Sở hữu trí tuệ (năm 2023 là 77 Bằng độc quyền) là nguồn tài sản trí tuệ lớn và được Viện Hàn lâm tiếp tục quan tâm để có chiến lược khai thác, phát huy nhằm đưa nhanh các tài sản trí tuệ tham gia thị trường khoa học công nghệ.
Có thể thấy rằng, Viện Hàn lâm đã vận dụng sáng tạo trong việc triển khai thực hiện chính sách pháp luật về phát triển thị trường KH&CN và được thế giới ghi nhận thông qua việc trao tặng Giải thưởng “Dẫn đầu đổi mới sáng tạo khu vực Nam Á và Đông Nam Á” (hạng mục Tổ chức nghiên cứu Chính phủ) của tổ chức cơ sở dữ liệu KHCN nổi tiếng thế giới Clarivate, Vương quốc Anh trong 02 năm liên tục 2020 và 2021 cho Viện Hàn lâm.
Phó Chủ tịch Chu Hoàng Hà phát biểu tại buổi làm việc
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều các rào cản trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển thị trường khoa học và công nghệ: Thứ nhất: chưa có cơ chế khuyến khích các nhà khoa học theo đuổi đến sản phẩm công nghệ hoàn thiện cuối cùng, khó đào tạo được chuyên gia, công trình sư giỏi; bên cạnh đó cũng chưa có cơ chế, chính sách hoạt động phù hợp cho các tổ chức trung gian làm công tác kết nối các nhà khoa học và doanh nghiệp; Thứ hai: còn nhiều luật cùng quy định như luật KH&CN, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Tài sản Công,… chồng chéo nên rất khó khăn khi áp dụng chuyển giao tài sản trí tuệ ra thị trường; Thứ ba: Một số chính sách áp dụng chung nên khó khăn trong hoạt động KH&CN cũng như phát triển thị trường KH&CN như giảm biên chế, giảm đầu mối…
Các đại biểu trong đoàn Giám sát cũng đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh các vướng mắc do Viện Hàn lâm đặt ra, trong đó tập trung vào việc phân định giữa nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và đầu tư; các vướng mắc khi thực hiện các Nghị định 60 (Quy định cơ chế tự chủ), Nghị định 70 (Quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học), Nghị định 95 (Quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ)…
Đại biểu trao đổi tại buổi làm việc
Đồng chí Nguyễn Phương Tuấn – Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc
Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Phương Tuấn đánh giá cao các thành tựu trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng, triển khai công nghệ của Viện Hàn lâm trong thời gian qua cũng như đã chuẩn bị tốt báo cáo theo yêu cầu của Đoàn giám sát Quốc hội. Đoàn giám sát ghi nhận các kiến nghị của Viện Hàn lâm, đề nghị Viện Hàn lâm bổ sung chi tiết các vướng mắc trong thực tế, trong thực thi các văn bản, từ đó Đoàn giám sát tổng hợp báo cáo các cấp có thẩm quyền, nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo sự phát triển cho nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh đó thay mặt cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề xuất đặt hàng với Viện Hàn lâm trong các lĩnh vực: Thứ nhất: Tập trung nguồn lực cho nghiên cứu và đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành Công nghệ bán dẫn, nhằm đáp ứng CMCN 4.0; Thứ hai: Mời Viện với tư cách chuyên gia tư vấn cho Quốc Hội trong việc thẩm định Quy hoạch không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Về kiến nghị Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) của Viện Hàn lâm, Uỷ ban sẽ có ý kiến khi Luật Công nghiệp Công nghệ số được phê chuẩn (dự kiến vào kỳ họp thứ 2 năm 2024).
Trước đó, Đoàn giám sát đã đi khảo sát thực tế tại Viện Khoa học vật liệu, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Trung tâm Phát triển công nghệ cao.
Khảo sát thực tế tại Viện Khoa học vật liệu - Tham quan Phòng truyền thống của Viện
Khảo sát thực tế tại Viện Kỹ thuật nhiệt đới – Công nghệ sơn phản xạ nhiệt mặt trời sử dụng vật liệu nano tự sản xuất trong nước
Khảo sát thực tế tại Trung tâm Phát triển công nghệ cao
Thanh Hà