Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ làm việc với Viện Hàn lâm KHCNVN về việc xây dựng dự thảo Chiến lược trí tuệ nhân tạo Quốc gia

15/05/2020
Chiều 12/5/2020, Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ đã có buổi làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về việc khảo sát, hiện trạng, xu hướng, nhu cầu phát triển trí tuệ nhân tạo của Viện Hàn lâm KHCNVN, nhằm xác định các nội dung cho bản dự thảo Chiến lược trí tuệ nhân tạo Quốc gia, dự kiến ban hành trong năm 2020 (sau đây gọi tắt là Chiến lược).

Tham dự buổi làm việc, về phía đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ có: PGS.TS. Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Trưởng đoàn công tác; Đồng chí Lý Hoàng Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao và một số thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Chiến lược. Về phía Viện Hàn lâm KHCNVN có: PGS.TS. Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN; PGS.TS. Hà Quý Quỳnh, Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ; PGS.TS. Nguyễn Đức Dũng, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin; TS. Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và đại diện một số đơn vị trực thuộc: Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), Viện Vật lý…

Hình ảnh buổi làm việc giữa Viện Hàn lâm và Bộ Khoa học và Công nghệ

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bùi Thế Duy thông tin: Trí tuệ nhân tạo(TTNT) hiện nay không chỉ đơn thuần là một lĩnh vực thuộc về Công nghệ thông tin, đó là một lĩnh vực mang tính liên ngành, tích hợp dữ liệu, tính toán và ứng dụng vào tất cả các lĩnh vực trong đời sống. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo hiện nay rất là nhanh và ồ ạt trên thế giới, TNTN cũng là hạt nhân, công nghệ lõi của chuyển đổi số, xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chính vì thế, thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, viện, trường liên quan xây dựng bản dự thảo Chiến lược trí tuệ nhân tạo Quốc gia.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, PGS.TS. Chu Hoàng Hà trao đổi: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam ủng hộ việc xây dựng Chiến lược trí tuệ nhân tạo nhằm ứng dụng các kết quả khoa học và công nghệ tiên tiến và liên kết liên ngành đưa ra các giải pháp, công nghệ,... nhằm nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội, nhất là một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới. Viện Hàn lâm có các thế mạnh, tiềm năng về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và triển khai ứng dụng, Viện Hàn lâm có những cơ sở dữ liệu chuyên ngành lớn nhất cả nước, đây là nền tảng quan trọng trong việc xây dựng “Dữ liệu lớn” phục vụ Chiến lược trong thời gian tới, Viện Hàn lâm cũng đã đầu tư, xây dựng các nhiệm vụ, Trung tâm chuyên nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo tại các đơn vị trực thuộc (Viện Công nghệ thông tin, Trung tâm Tin học và Tính toán, Viện Vật lý, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Đại học Việt Pháp…). Phó Chủ tịch Chu Hoàng Hà đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ bổ sung thêm các định hướng ưu tiên, các lĩnh vực mang tính đặc thù, thế mạnh của Việt Nam: Cơ sở dữ liệu về: Địa chất; Hợp chất thiên nhiên; Sinh học; Gen, Môi trường; Đa dạng sinh học; vật liệu mới; hoạt tính sinh học, ...

Kết thúc buổi họp, Đoàn làm việc Bộ Khoa học và Công nghệ đã tới tham quan thực tế sản phẩm Robot tự hành – IVASTBot của Phòng Tự động hóa và Công nghệ hình ảnh, Viện Vật lý. Đây là sản phẩm của Đề tài VAST01.01/2020-2021 của Viện Hàn lâm.

Một số hình ảnh Đoàn khảo sát:

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm cùng nhóm nghiên cứu Viện Vật lý

Đoàn công tác xem Robot tự hành – IVASTBot của Viện Vật lý

Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ làm việc với Viện Hàn lâm KHCNVN về việc xây dựng dự thảo Chiến lược trí tuệ nhân tạo Quốc gia

Nguồn tin: Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ
Xử lý tin: Thanh Hà


Tags:
Tin liên quan