Đánh giá khả năng di thực cây quinoa (Chenepodium Quinoa Willd) phục vụ chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh Quảng Nam và Quảng Trị

24/04/2018
Cây Quinoa, tên khoa học Chenopodium quinoa Willd., là một loài trong họ Rau muối (Chenopodiaceae), thường được sử dụng như một loại ngũ cốc. Quinoa với hàm lượng amino axit thiết yếu cao là một thực phẩm chức năng xuất sắc cho sinh vật. Cây thích hợp với khí hậu khô, nóng sa mạc, có khả năng thích nghi với thời tiết và điều kiện đất đai bất lợi.

Với mục đích đánh giá khả năng di thực loài cây trồng mới mẻ này vào các vùng đất ở Miền Trung, góp phần phục vụ chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, đề tài “Đánh giá khả năng di thực cây Quinoa (Chenopodium quinoa Willd) phục vụ chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích ứng với biển đổi khí hậu tại tỉnh Quảng nam và tỉnh Quảng Trị” được Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung thực hiện từ tháng 01/2015 đến tháng 7/2017, do TS. Trần Thị Hân làm chủ nhiệm. Đề tài thuộc chương trình hợp tác giữa Viện Hàn lâm KHCNVN với các địa phương, đã được Hội đồng đánh giá nghiệm thu loại xuất sắc vào ngày 05/9/2017.

Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu về di thực cây Quinoa vào các tỉnh Miền Trung, và là một trong những công trình đầu tiên nghiên cứu về cây Quinoa tại Việt Nam. Đề tài đã thu được các kết quả nghiên cứu cụ thể như:

Về nghiên cứu di thực: Cây Quinoa di thực được vào các vùng đất đã nghiên cứu tại huyện Phú Ninh, huyện Thăng Bình và huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam; huyện Cam Lộ và huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị. Thời vụ trồng là Đông Xuân và Xuân Hè với mức phân bón: 80 N + 80 P2O5 + 40 K2O/ha, phương thức gieo ươm cây con rồi chiết trồng kết hợp mật độ 25 cây/m2 cho kết quả. Sâu bệnh hại chủ yếu là sâu tơ, sâu xám và bệnh sương mai, bệnh chết rạp cây con. Sâu hại và bệnh chết rạp cây con hại nặng vào giai đoạn cây non. Bệnh sương mai hại nặng vào giai đoạn từ khi hoa nở đến khi hạt chín.

Về nghiên cứu trồng thử nghiệm: Tại tỉnh Quảng Nam, đề tài đã trồng thử nghiệm vụ Đông Xuân 2016-2017, năng suất cây Quinoa tại Phú Ninh đạt 0,65 tấn/ha; Thăng Bình 0,54 tấn/ha và Tiên Phước 0,37 tấn/ha. Lợi nhuận trên diện tích 1 ha trong 1 vụ từ 101.400.000đ (mô hình Phú Ninh) đến 57,720.000đ (Tiên Phước) và 84.240.000đ (Thăng Bình), cao hơn cây lạc, ngô, sắn và khoai lang từ 50-75 triệu (Phú Ninh); từ 39 -55 triệu (Thăng Bình); từ 13-28,6 triệu (Tiên Phước).

quinoa.1

Mô hình ở tỉnh Quảng Nam

Tại tỉnh Quảng Trị, trồng thử nghiệm 2 vụ Xuân Hè 2016 và Đông Xuân 2016-2017. Tại mô hình Cam Lộ, năng suất từ 1,08 tấn/ha (vụ Xuân Hè 2016) đến 1,07 tấn/ha (vụ Đông Xuân 16-17), cao hơn mô hình tại Vĩnh Linh (0,9 tấn/ha vụ Xuân Hè và 0,89 tấn vụ Đông Xuân). Lợi nhuận trên đơn vị diện tích 1 ha trong 1 vụ tại Cam Lộ từ 57,5 đến 117 triệu, cao hơn các loại cây lạc, ngô và sắn từ 50-90 triệu, tại Vĩnh Linh, lợi nhuận từ 70-82 triệu, cao hơn các loại cây lạc, ngô và khoai lang từ 70-80 triệu.

quinoa.2

Mô hình ở tỉnh Quảng Trị

Đề tài đã công bố 06 bài báo trên các tạp chí của Bộ KHCN; Bộ NN&PTNT và các trang tin KHCN tại các địa phương. Đề tài  tổ chức 05 hội thảo và xây dựng 02 phóng sự phát trên các đài truyền hình khu vực và địa phương nhằm giới thiệu cây Quinoa với đông đảo người dân và cán bộ quản lý.

Các kết quả của đề tài đã góp phần bổ sung các dữ liệu về khả năng canh tác cây Quinoa tại Miền Trung cũng như tại Việt Nam. Đây cũng là bước đầu cho các nghiên cứu sâu hơn về loài cây trồng này cũng như nghiên cứu nâng cao năng suất, tình hình sâu bệnh hại, đánh giá chất lượng hạt, khả năng chế biến…phục vụ cho chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích hợp tại các địa phương trong bối cảnh khí hậu biến đổi như hiện nay.

Nguồn tin: Trần Thị Hân, Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung
Xử lý tin: Thanh Hà



Tags:
Tin liên quan