Đại hội Cơ học Chất lỏng châu Á lần thứ 14 (ACFM-14)
Cơ học chất lỏng, trong tiếng Anh là Fluid Mechanics và theo hiểu trong tiếng Việt còn bao gồm cả chất khí, là một ngành khoa học nghiên cứu các vấn đề lý thuyết và ứng dụng của chất lỏng và chất khí, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội, cũng như an ninh quốc phòng của mỗi quốc gia. Từ việc nghiên cứu các chuyển động và tương tác dòng chảy của các hạt micro, nano trong môi trường chất lỏng, chất khí đến việc nghiên cứu chế tạo các phương tiện giao thông đường không, đường thủy, đường bộ, nghiên cứu trong hàng không, vũ trụ, hay các nghiên cứu về an toàn hạt nhân, khai thác thăm dò dầu khí, dự báo phòng tránh thiên tai, thảm họa như lũ lụt, lũ quét, sóng thần, quản lý và kiểm soát nguồn nước,... đều cần đến kiến thức của Cơ học chất lỏng.
Hội đồng Cơ học chất lỏng châu Á (AFMC) được thành lập năm 1980 tại Ấn Độ. Sáng lập viên là 3 giáo sư nổi tiếng: Prof. H. Sato (Nhật), Prof. M. Narasimha (Ấn Độ) và Prof. Peiyuan Chou (Trung Quốc). Mục tiêu của AFMC là thúc đẩy nghiên cứu Cơ học chất lỏng ở châu Á thông qua hợp tác và trao đổi thông tin giữa các nhà khoa học trong lĩnh vực Cơ học chất lỏng. Trong hơn 30 năm qua nhiều Đại hội đã được tổ chức và năm nay là Đại hội lần thứ 14. Hội đồng Cơ học chất lỏng châu Á có 26 ủy viên Hội đồng, đứng đầu là Chủ tịch GS. Jiachun Li, thuộc Viện Cơ học - Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, 2 Phó Chủ tịch là GS. G.S. Bhat (Ấn độ) và GS. Yu Fukunishi (Nhật). Ủy viên đại diện cho Việt nam là GS.TSKH. Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN.
Phiên họp của AFMC tại Hà Nội trong kỳ Đại hội lần thứ 14 này đã tổng kết hoạt động của Hội đồng thời gian qua và thảo luận phương hướng hoạt động thời gian tới, xác định thời gian và địa điểm của Đại hội tiếp theo cũng như một số vấn đề tổ chức. Tại phiên họp này, Hội đồng đã nhất trí bầu GS. G.S.Bhat (Ấn Độ) làm Chủ tịch nhiệm kỳ tiếp theo của Hội đồng thay cho GS. Jiachun Li (Trung Quốc). Ngoài hai Phó Chủ tịch của nhiệm kỳ mới là GS. S.Fu (Trung Quốc) và GS. O.Mochizuki (Nhật Bản) thì Hội đồng cũng quyết định mở rộng ban điều hành thêm 2 nước thành viên là Việt Nam - GS.TSKH. Dương Ngọc Hải - đại diện nước chủ nhà của ACFM-14 và Malaysia - GS. C.S.Ow - đại diện nước chủ nhà của Đại hội tiếp theo ACFM - 15 vào năm 2016.
GS. Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện HLKHCNVN, Ủy viên Hội đồng Cơ học chất lỏng châu Á, phát biểu tại Đại hội
Đại hội Cơ học chất lỏng châu Á (ACFM) ban đầu đã được tổ chức ba năm một lần (ACFM đầu tiên được tổ chức tại Bangalore - Ấn Độ, vào năm 1980). Trong mỗi kỳ Đại hội, những phát triển mới nhất trong nghiên cứu lý thuyết, thực nghiệm và tính toán cũng như các tiến bộ công nghiệp và công nghệ trong lĩnh vực Cơ học chất lỏng được trình bày và trao đổi.
Ông Nguyễn Quân, Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Đại hội
GS. Jiachun Li, Viện Cơ học - Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, Chủ tịch Hội đồng Cơ học chất lỏng châu Á, phát biểu tại Đại hội
ACFM14 là Đại hội Cơ học chất lỏng châu Á đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Chủ đề của Đại hội năm nay là: “Tương lai trái đất, tương lai châu Á, nghiên cứu vì sự bền vững toàn cầu”. Tham dự Đại hội chủ yếu là các nhà khoa học đến từ 16 nước trong khu vực châu Á và một số nước khác trên thế giới. Các báo cáo trình bày tại Đại hội không chỉ giới hạn trong các nước châu Á mà được mở rộng cho nhiều nước trên thế giới tham dự. Đại hội có trên 250 báo cáo khoa học được trình bày, trong đó có 13 báo cáo mời và khoảng 50 báo cáo do các nhà khoa học Việt Nam thực hiện. Các báo cáo được trình bày trong 5 phiên toàn thể, 31 tiểu ban chuyên ngành và 3 Hội nghị chuyên đề.
Các vấn đề chính, quan trọng được trình bày tại Đại hội Cơ học chất lỏng châu Á lần thứ 14 gồm:
- Thủy khí động lực học tính toán;
- Cơ học thủy khí tự nhiên và môi trường;
- Dòng chảy trong môi trường xốp;
- Chất lỏng phi Newton;
- Thủy khí động lực học Micro và Nano;
- Dòng chảy lớp biên, Dòng chảy nhiều pha;
- Dao động và tiếng ồn gây ra do dòng chảy;
- Đo đạc và kiểm soát dòng chảy;
- Máy và thiết bị thủy khí;
- Trao đổi nhiệt chất;
- An toàn hạt nhân;
- Khai thác thăm dò dầu khí;
- Các nguồn năng lượng mới: năng lượng nguyên tử, mặt trời, gió, sóng và thủy triều;
- Dự báo bão, lũ, sóng thần, bồi xói vùng ven biển, cửa sông;
- Quản lý và kiểm soát nguồn nước mặt, nước ngầm.
Chụp ảnh lưu niệm tại Đại hội
Tin: Minh Tâm