- Về khoa học: Qua quá trình nghiên cứu, Nhiệm vụ đã đạt được các kết quả như sau: + 21 dẫn xuất benzimidazole (B1a-B3g) và 07 dẫn xuất lai benzimidazole-pyrimidine (2a-2g) đã được tổng hợp thành công dựa trên phản ứng ngưng tụ giữa amine và aldehyde, trong dung môi EtOH:H2O (9:1, v/v) và chất oxi hóa Na2S2O5. Đây là phương pháp có quy trình tổng hợp và xử lý đơn giản, sản phẩm có độ tinh khiết cao, dung môi và chất oxi hóa thân thiện với môi trường, phù hợp trong điều kiện phòng thí nghiệm và khí hậu ở Việt Nam. + 17 dẫn xuất 2-amino-4,6-diarylpyrimidine (1a-1q) được tổng hợp thành công qua hai giai đoạn phản ứng dưới chiếu xạ vi sóng. Giai đoạn 1 là phản ứng aldol hóa giữa các benzaldehyde và acetophenone trong dung môi ethylene gylcol và chất xúc tác KOH ở điều kiện 100 W, 80 °C để tạo ra các chalcone trung gian, và giai đoạn 2 là phản ứng đóng vòng giữa các chalcone tinh khiết với guanidine hydrochloride trong dung môi pyridine và chất xúc tác NaOH ở điều kiện 180 W, 100 °C để thu được sản phẩm 2-amino-4,6-diarylpyrimidine mong muốn. Phương pháp này đã tạo ra các dẫn xuất pyrimidine với hiệu suất từ 31%–64% và mang lại một số ưu điểm nổi bật như quá trình tổng hợp cũng như quá trình xử lý đơn giản, cải thiện thời gian phản ứng và sử dụng thiết bị hiện đại. + Các dẫn xuất sau phản ứng được xác định cấu trúc thông qua các loại phổ như FTIR, HRMS, 1D-NMR, 2D-NMR. + Tiếp đến, 20 sản phẩm của nhóm nghiên cứu Belarus và 24 dẫn xuất (2-amino-4,6-diarylpyrimidine, benzimidazole-pyrimidine) được tổng hợp ở Việt Nam được sàng lọc hoạt tính gây độc tế bào ung thư bạch cầu trên dòng K562 để xác định các hợp chất có khả năng ức chế tế bào sống hiệu quả, và tiếp tục xác định giá trị IC50 của các hợp chất này. Kết quả cho thấy rằng, một số mẫu sản phẩm (N.5, N.6, N.7, N.767, N.768, N.111, N.112 và N.644) ở nhóm Belarus và một số dẫn xuất (1e và 1g) ở Việt Nam đều thể hiện khả năng ức chế tế bào hiệu quả với giá trị IC50 lần lượt là 1.60–28.84 µM và 8.77–32.43 µM. Để nghiên cứu xa hơn, các dẫn xuất có hoạt tính gây độc tế bào tốt nhất ở hai nhóm được đánh giá khả năng ức chế tyrosine-protein kinase ABL1, và hợp chất N.5 và 1e cho thấy khả năng ức chế đáng kể với giá trị IC50 lần lượt là 13.40 ± 1.07 µM và 3.35 ± 0.58 µM so với Imatinib (IC50 = 68.71 ± 2.41 nM). + Mô hình docking trên protein kinase ABL1 loại hoang dã và loại đột biến (ID PDB: 2HYY và 5MO4) chỉ ra rằng hợp chất 1e và 1g tương tác với các amino acid, hình thành các liên kết hydro và liên kết π-π ổn định với các amino acid quan trọng trong vị trí hoạt động của enzyme. Hơn nữa, tính toán động lực học phân tử cũng cho thấy tính ổn định của phức hợp giữa hai ligand này với enzyme dạng hoang dã, chúng có ái lực cao hơn cả phức hợp với Imatinib. - Từ các kết quả nghiên cứu trên, 1e được xem như là hợp chất tiềm năng trong việc điều trị ung thư đầy hứa hẹn. - Về đào tạo: 04 Cử nhân đã bảo vệ thành công theo hướng nghiên cứu của Nhiệm vụ và nhận bằng tại trường Đại học Tôn Đức Thắng. - Về phát triển hợp tác: + Tận dụng thế mạnh của nhóm nghiên cứu ở Belarus có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tổng hợp các hợp chất dị vòng và nhóm nghiên cứu ở Việt Nam cũng đã có kinh nghiệm để tổng hợp các hợp chất chứa mảnh imidazole và có khả năng thực hiện các nội dung thử nghiệm hoạt tính. + Tạo sự gắn kết giữa Viện Công nghệ Hóa học và Viện Hóa học Vật liệu mới ở Belarus, tạo tiền đề để mở rộng quan hệ hợp tác giữa các nhóm nghiên cứu khác của 2 Viện và góp phần nâng tầm nghiên cứu khoa học trong nước so với các nước phát triển. |