Thông tin Đề tài

Tên đề tài Nghiên cứu các hợp chất thứ cấp có hoạt tính sinh học từ một số loài vi tảo biển tại vùng biển Khu vực Nam Trung Bộ (vùng biển Khánh Hòa - Bình Thuận) Việt Nam
Mã số đề tài TĐDLB0.06/20-22
Cơ quan chủ trì (Cơ quan thực hiện) Viện Hóa sinh biển
Thuộc Danh mục đề tài Đề tài, dự án trọng điểm cấp Viện HLKHCNVN
Họ và tên TS. Nguyễn Thị Minh Hằng
Thời gian thực hiện 01/01/2020 - 31/12/2021
Tổng kinh phí 3.800 triệu đồng
Xếp loại Đạt loại A
Mục tiêu đề tài

Tìm kiếm được các chất có hoạt tính sinh học từ một số loài vi tảo biển tại vùng biển khu vực Nam Trung Bộ (vùng biển Khánh Hòa - Bình Thuận) Việt Nam.

Kết quả chính của đề tài

Về khoa học:
- Có hồ sơ khoa học và nhân nuôi được 06 chủng vi tảo biển bao gồm  04 chủng vi tảo dị dưỡng Schizochytrium limacinum NT4, Aurantiochytrium mangrovei BT3, Thraustochytrium aureum BT6, Thraustochytrium striatum BT12, và 02 chủng vi tảo quang tự dưỡng là Thalassiosira weissflogii KH7 và Nannochloris atomus NT12 cung cấp sinh khối cho nghiên cứu các hợp chất thứ cấp.
- Phân lập và xác định cấu trúc của 71 hợp chất với 48 cấu trúc khác nhau từ 06 chủng vi tảo biển được lựa chọn nghiên cứu trong đó có 19 hợp chất từ chủng vi tảo dị dưỡng Schizochytrium limacinum NT4, 15 hợp chất từ chủng vi tảo dị dưỡng Aurantiochytrium mangrovei BT3,  11 hợp chất từ chủng vi tảo dị dưỡng Thraustochytrium aureum BT6, 12 hợp chất từ chủng vi tảo dị dưỡng Thraustochytrium striatum BT12, 06 hợp chất từ chủng vi tảo quang tự dưỡng Thalassiosira weissflogii KH7 và 08 hợp chất từ chủng vi tảo dị dưỡng Nannochloris atomus NT12. Trong đó có 02 hợp chất mới là AMHG5 từ chủng A. mangrovei BT3 và TWE8 từ chủng T. weissflogii KH7. Trong số đó có 21 hợp chất thể hiện ít nhất một trong số các hoạt tính kháng vi sinh vật kiểm định, gây độc tế bào, giảm hàm lượng lipid và ức chế enzyme α-glucosidase.
- Đã đánh giá tác dụng giảm lipid của các cặn chiết và một số chất phân lập từ các chủng vi tảo nghiên cứu. Kết quả sàng lọc được 12 cặn chiết và 2 chất sạch có tác dụng làm giảm lipid trên mô hình tế bào HepG2. Xác định được cơ chế của 2 chất sạch tiềm năng gồm (24R)-4α-methylstigmasta-7,22-dien-3β-ol (AME1) phân lập từ loài A. mangrovei BT3 và cycloartenol (TSH3.1) phân lập từ loài T. striatum BT12 có tác dụng giảm lipid cao trên mô hình tế bào.
- Đã đánh giá hoạt tính kháng vi sinh vật kiểm định của các cặn chiết và các chất đã phân lập từ các loài vi tảo. Kết quả cho thấy tất cả các cặn chiết  và 19 chất thử nghiệm đều thể hiện hoạt tính ít nhất trên 1 chủng vi sinh vật kiểm định.
- Đã đánh giá hoạt tính gây độc tế bào của các cặn chiết và các chất đã phân lập từ các loài vi tảo trên 4 dòng tế bào ung thư A549, HepG2, MCF7 và LNCaP, kết quả cho thấy chỉ có 3 cặn chiết (AME, AMH1, TWE) và 5 hợp chất (AME8, AMHG7, SLHG7, SLEG7, SLHG2) thể hiện hoạt tính ở mức độ yếu và rất yếu. 
- Đã đánh giá hoạt tính ức chế enzyme α-glucosidase của các cặn chiết và chất sạch phân lập từ chủng vi tảo Thraustochytrium aureum BT6. Kết quả cho thấy cặn chiết TAH thể hiện hoạt tính với IC50 là 48,22±1,94 µg/mL, ba hợp chất TAE15, TAE8 và TAE11 thể hiện hoạt tính với IC50 lần lượt là 26.86±0.29, 7.96±0.75 và 234.4±3.39 µg/mL.

Những đóng góp mới

- Lần đầu tiên  các loài vi tảo Schizochytrium limacinum, Aurantiochytrium mangrovei, Thraustochytrium aureum, Thraustochytrium striatum, Thalassiosira weissflogii KH7 và Nannochloris atomus NT12 được nghiên cứu phân lập các hợp chất thứ cấp
-  Phân lập được 02 hợp chất mới là AMHG5 và TWE8.

Kiến nghị

Tiếp tục mở rộng nghiên cứu về thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của các loài vi tảo biển khác đặc biệt là vi tảo biển dị dưỡng.

Ảnh nổi bật đề tài
1696931278719-detaiminhhang.jpg