Thông tin Đề tài

Tên đề tài Nghiên cứu tiềm năng của một số dịch chiết thực vật hướng tới từng bước thay thế kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản
Mã số đề tài GUST.STS.ĐT2020-HH05
Cơ quan chủ trì (Cơ quan thực hiện) Học viện Khoa học và Công nghệ
Thuộc Danh mục đề tài Chương trình sau tiến sỹ tạo nguồn lực khoa học công nghệ cho Viện Hàn lâm KHCNVN
Họ và tên TS. Phạm Thị Hải Hà
Thời gian thực hiện 01/06/2020 - 30/06/2022
Tổng kinh phí 300 triệu đồng
Xếp loại Xuất sắc
Mục tiêu đề tài

- Phân lập và đánh giá mức độ kháng kháng sinh của các vi khuẩn từ cá rô đồng Anabas testudineus bệnh/có dấu hiệu lạ
- Đánh giá độc lực và định danh các vi khuẩn đa kháng kháng sinh và có độc lực gây chết cá cao trên mô hình cá rô đồng giống gây cảm nhiễm.
- Đánh giá hoạt tính của các chiết xuất thực vật (tía tô Perilla macrostachya, oải hương Lavandula angustifolia, hương thảo Rosmarinus officinalis, hoa lài Asminum sambac, đào lộn hột Anacardium occidentale L. và thanh trà Bouea macrophylla Griffith) kháng các vi khuẩn đa kháng và có độc lực cao trên mô hình cá rô đồng giống gây cảm nhiễm.

Kết quả chính của đề tài

Về khoa học:
- Kết quả phân lập và đánh giá tình trạng đa kháng kháng sinh của các vi khuẩn phân lập trên cá rô đồng A. testudineus bệnh/dấu hiệu lạ từ các trang trại cá giống.
- Kết quả đánh giá độc lực và định danh các vi khuẩn đa kháng kháng sinh và gây chết cá cao trên mô hình cá
- Kết quả hoạt tính kháng khuẩn, và tác động của thức ăn bổ sung các chiết xuất thực vật trên mô hình cá so với kháng sinh in vitro và in vivo.
Về ứng dụng:
- Kết quả nghiên cứu của đề tài tạo tiền đề khoa học cho những nghiên cứu tiếp theo về đánh giá, phân tích tình trạng kháng kháng sinh của các chủng vi khuẩn gây bệnh phân lập trên cá rô đồng A. testudineus tại Việt Nam và đề xuất những giải pháp sử dụng các chiết xuất thực vật dần thay thế và hạn chế sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam.
- Kết quả sàng lọc và nghiên cứu hoạt tính của các chiết xuất thực vật thu nhận từ đề tài cung cấp cơ sở dữ liệu thử nghiệm lên mô hình cá nước ngọt, cá thương phẩm và các trại nuôi cá giống trong tương lai, giải quyết một cách khoa học và triệt để các thách thức đặt ra, góp phần gắn kết nghiên cứu khoa học vào ứng dụng thực tiễn, vào quy trình sản xuất thức ăn thủy sản, đem lại nhiều triển vọng cho ngành nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam.
- Kết quả của đề tài giúp nâng cao trình độ khoa học và khả năng tổ chức thực hiện đề tài của các cán bộ khoa học tham gia đề tài, xây dựng hợp tác nghiên cứu giữa các đơn vị trong Viện Hàn lâm KHCNVN, Học viện Khoa học và Công nghệ, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, với các trường Đại Học trong và ngoài nước; phát huy tiềm lực và thế mạnh của cán bộ Viện và ban ngành liên quan; đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu liên ngành Hóa học - Sinh học - Thủy sản, hướng tới những sản phẩm có giá trị sử dụng cao.
- Kết quả của đề tài đóng góp hiệu quả trong các công bố khoa học trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Viện Hàn lâm KHCNVN nói chung và các đơn vị tham gia đề tài nói riêng; khẳng định, Viện Hàn lâm KHCNVN là tổ chức nghiên cứu và đào tạo khoa học trong lĩnh vực khoa học tự nhiên hàng đầu trong cả nước và khu vực; từ đó, nâng cao uy tín khoa học Việt Nam lên tầm quốc tế.

Sản phẩm của đề tài:

- Các bài báo đã công bố:
Bài báo ISI/Scopus:
1.    Hai Ha Pham Thi, Minh Quan Pham, Quoc Toan Tran, Quoc Long Pham, Kien Cuong Tran, Long Giang Bach, Thanh Luan Nguyen. Effects of antibiotic on climbing perch, Anabas testudineus, exposed to Aeromonas dhakensis as a second infection. Acta Trop.2022 Feb;226: 106281. doi: 10.1016/j.actatropica.2021.106281. (ISI Q1)
2.    Thanh Luan Nguyen, Kien Cuong Tran, Thu Nha Nguyen Thi, Lan Phan Hoang Nguyen, Nga Tran Thi, Huyen Mai Thi Ngan, Minh Quan Pham, Quoc Toan Tran, Quoc Long Pham, Long Giang Bach, Hai Ha Pham Thi. Identification of multi-antibiotic resistant bacteria isolated from Vietnamese climbing perch (Anabas testudineus) on fish farms in Ho Chi Minh City, Vietnam. IOP Conf. Series: Earth and Environmental Science 947 (2021) 012036. doi:10.1088/1755-1315/947/1/012036 (Scopus)
Bài báo trong nước:
3.    Pham Thi Hai Ha, Tran Kien Cuong, Nguyen Thi Thu Nha, Nguyen Phan Hoang Lan, Nguyen Huu Thuan Anh, Bach Long Giang, Pham Minh Quan, Pham Quoc Long, Nguyen Thanh Luan. A preliminary study on biological activities in vitro of Bouea macrophylla Griff leaf extract. Vietnam Journal of Biotechnology, Vietnam Academy of Science and Technology (Accepted letter 2021) (VAST2)
- Các bằng sáng chế, giải pháp hữu ích:
- Các sản phẩm cụ thể:
Sản phẩm Khoa học công nghệ: (file và bản cứng theo quy định của Học Viện)
01    Báo cáo tổng kết nghiệm thu đề tài
01 Báo cáo Tóm tắt kết quả đề tài Sau Tiến sĩ bằng tiếng Việt
01 Báo cáo Tóm tắt kết quả đề tài Sau Tiến sĩ bằng tiếng Anh
Sản phẩm đào tạo:
03 đào tạo sinh viên hoàn chỉnh và bảo vệ thành công khóa luân tốt nghiệp theo đúng hướng nghiên cứu của đề tài, gồm:
- Trần Thị Nga, Trường ĐH. Nguyễn Tất Thành. Năm bảo vệ: 2022, loại: Giỏi
- Mai Thị Ngân Huyền, Trường ĐH. Nguyễn Tất Thành. Năm bảo vệ: 2022, loại: Giỏi
- Huỳnh Trần Thục Đoan, Trường ĐH. Nguyễn Tất Thành. Năm bảo vệ: 2022, loại: Giỏi

Những đóng góp mới

- Đề tài đã phân lập ban đầu được 12 nhóm vi khuẩn có khuẩn lạc thuần nhất từ cá rô đồng bệnh/dấu hiệu lạ thu thập từ các trang trại trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (Quận 12, Quận 9, Quận 8, Thủ Đức, Cần Giờ,... tại TP. HCM). Các vi khuẩn đươc kiểm tra các đặc điểm, hình thái, sinh lý và sinh hóa và dự đoán sơ bộ thuộc các chi Yersinia spp., Vibrio spp., Pseudomonas spp., Shigella spp., Staphylococcus spp., Klebsiella spp., Enterobacter spp. và E.coli. Các vi khuẩn đều có mức độ đa kháng kháng sinh cao, hầu hết các nhóm vi khuẩn phân lập ban đầu từ cá rô đồng bênh đều kháng với ampicillin, cephalexin, và chloramphenicol; đây là ba loại kháng sinh bị cấm sử dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản và kháng với amoxicillin và erythromycin, cũng đều thuộc danh hạn chế sử dụng (theo Thông tư số 10/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT).Điều này cho thấy, các mẫu cá thu nhận trên các vùng phân lập tại TP. HCM đang lưu hành các vi khuấn đa kháng thuốc với phổ kháng rất lớn.
- Đề tài đã xác định và định danh 4 chủng vi khuẩn kháng kháng sinh cao, có độc lực cao trên mô hình cá gây cảm nhiễm với các dấu hiệu bệnh lý rõ rệt, và có mức độ tương đồng 16S rRNA lần lượt là Aeromonas dhakensis (99,84%), Pseudomonas aeruginosa (99,77%), Edwardsiella ictaluri (99,44%), và Kosakonia sacchari (99,93%, lần đầu tiên ghi nhận chủng vi khuẩn này gây bệnh trên cá). Trong đó, chủng vi khuẩn A. dhakensis VIII-NV5M có mức độ gây bệnh trên cá phổ biến nhất, tính kháng kháng sinh cao, và có độc lực gây chết cá cao nhất trên mô hình cá gây cảm nhiễm, với LD50 = 105,1 (= 1,26 × 105 CFU/ml), được chọn ra làm nhóm vi khuẩn gây cảm nhiễm cho thí nghiệm tiếp theo nhằm so sánh hoạt tính kháng khuẩn, và tác động của thức ăn bổ sung chiết xuất thực vật trên mô hình cá so với kháng sinh in vitro và in vivo.
- Đề tài đã xác định hoạt tính in vitro và in vivo của các chiết xuất lá thanh trà B. macrophylla TD1, đào lộn hột A. occidentale TD2, hương thảo R. officinalis TD3, oải hương L. angustifolia TD4, tía tô P. macrostachya TD5, và hoa lài A. sambac TD6. Trong đó, chiết xuất lá Thanh trà B. macrophylla TD1 thể hiện hoạt tính kháng khuẩn in vitro tốt nhất, ức chế sự phát triển của cả 4 chủng vi khuẩn A. dhakensis (chủng có độc lực cao nhất), K. sacchari, E. ictaluri, và P. aeruginosa. Đồng thời, chiết xuất B. macrophylla TD1 cũng thể hiện hoạt tính in vivo bảo vệ cá khỏi tác nhân gây chết tự nhiên, tác nhân gây chết nhân tạo, khỏi nhiễm độc ammonia trên mô hình cá gây cảm nhiễm. Từ đó, kết quả của đề tài hướng tới việc sử dụng các liệu pháp an toàn hiệu quả, dần thay thế kháng sinh/hóa chất phòng trị bệnh trong nuôi trồng thủy sản tương lai.

Địa chỉ ứng dụng

- Các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng trên cả nước.
- Các cơ sở nghiên cứu chăn nuôi thủy sản, các công ty sản xuất, các trang trại nuôi trồng thủy sản là các địa chỉ có thể ứng dụng kết quả của đề tài này.

Ảnh nổi bật đề tài
1673839957838-199.png