Thông tin Đề tài

Tên đề tài Nghiên cứu phát triển một số cây tinh dầu thân thảo có giá trị kinh tế cao và ứng dụng công nghệ chế biến tinh dầu phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại Tây Nguyên
Mã số đề tài TN17/C04
Cơ quan chủ trì (Cơ quan thực hiện) Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam
Thuộc Danh mục đề tài Nhiệm vụ thuộc Chương trình Tây nguyên 2016-2020
Họ và tên TS. Lưu Đàm Ngọc Anh
Thời gian thực hiện 01/08/2017 - 31/08/2020
Tổng kinh phí 7.960 triệu đồng
Xếp loại Xuất sắc
Mục tiêu đề tài

- Đánh giá nguồn tài nguyên tinh dầu khu vực Tây Nguyên, hoàn thiện “Cơ sở dữ liệu, hiện trạng về các cây tinh dầu ở Tây Nguyên” làm cơ sở đề xuất các chiến lược phát triển và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên này tại Tây Nguyên.
- Xây dựng mô hình phát triển một số giống cây tinh dầu có giá trị kinh tế làm cơ sở hình thành vùng nguyên liệu sản xuất tinh dầu tại Tây Nguyên.
- Sản xuất thử nghiệm một số tinh dầu tự nhiên có giá trị kinh tế cao và sản phẩm chế biến từ tinh dầu góp phần phát triển kinh tế xã hội.

 

Kết quả chính của đề tài

Về khoa học:
+ Đề tài đã thiết kế các tuyến khảo sát qua các sinh cảnh điển hình của các hệ sinh thái đặc trưng, lựa chọn các điểm điểm tra là các Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn, lâm trường còn diện tích rừng nguyên sinh tương đối tốt ở khu vực 5 tỉnh Tây Nguyên. Kết quả đã thu được 1632 mẫu tiêu bản, đã ghi nhận xác định đến bậc loài của 248 loài thực vật chứa tinh dầu thuộc 39 họ, 2 ngành thực vật bậc cao.
+ Đã tiến hành nhập nội 25 giống cây tinh dầu thuộc các loài Bạc hà âu (Mentha piperita), Cúc la mã (Matricaria chamomilla), Oải hương (Lavandula angustifolia), Hương thảo (Rosmarinus officinalis) và Xôn (Salvia officinalis).
+ Hoàn thiện, lắp đặt hệ thống chưng cất sản xuất tinh dầu quy mô 1200L, phù hợp với quy mô trang trại vừa và nhỏ với thiết kế nâng cao hiệu quả chưng cất.
+ Nghiên cứu thành công sản xuất các sản phẩm từ tinh dầu gồm chế phẩm xua đuổi và phòng trừ côn trùng, xà phòng tinh dầu.
+ Nghiên cứu xử lý bã thải sau chưng cất giúp giảm lượng bã thải và giảm áp lực lên môi trường.
Về ứng dụng:
+ Bước đầu đã xác định và lựa chọn được 8 giống cây tinh dầu đưa vào sản xuất với diện tích 7 ha tại 3 điểm thuộc tỉnh Lâm Đồng cho hàm lượng và chất lượng tốt, cụ thể là 01 giống Bạc hà âu, 02 giống Cúc la mã, 01 giống Oải hương, 01 giống Sả chanh, 02 giống Sả java và 01 giống Sả hoa hồng.
+ Tinh dầu Sả chanh và Sả java đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, với các giống Sả chanh, Sả java hàm lượng Citronelal (40% ở giống Sả java) và Citral (78% ở giống Sả chanh).
+ Sản xuất thành công chế phẩm xua đuổi và phòng trừ côn trùng như muỗi, kiến, gián, bọ chét, bọ nhảy, … nhằm phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, sốt vàng da, virus Zika, …
+ Đề xuất quy trình xử lý bã thải sau chưng cất của 3 loài Sả chanh, Sả java và Bạc hà cay tạo giá thể giống Nấm sò.
+ Tạo ra được phân bón hữu cơ vi sinh kháng bệnh và diệt sâu cho cây trồng từ bã oải hương. Tạo được đệm lót chuồng sinh học từ bã Cúc la mã kết hợp cùng Ure và vi sinh vật.

Những đóng góp mới

- Xác định được thành phần loài cây tinh dầu tại khu vực Tây Nguyên với 248 loài thuộc 39 họ, 2 ngành thực vật bậc cao. Xây dựng được cơ sở dữ liệu, hiện trạng về các cây tinh dầu ở Tây Nguyên làm cơ sở đề xuất các chiến lược phát triển và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên này tại Tây Nguyên.
- Xây dựng được mô hình phát triển 08 giống cây tinh dầu có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện khu vực Tây Nguyên làm cơ sở hình thành vùng nguyên liệu sản xuất tinh dầu tại Tây Nguyên.
- Sản xuất thử nghiệm thành công một số loại tinh dầu tự nhiên có giá trị kinh tế cao và sản xuất thành công các chế phẩm chế biến từ tinh dầu.

Địa chỉ ứng dụng

- Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng.
- Mô hình trồng Sả java tại hộ dân Nguyễn Văn Dự - xã Liêng S’Rônh, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.
- Mô hình Sả chanh tại hộ dân Nguyễn Phúc Duẩn - xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng.
- Mô hình Cúc la mã, Lavender và Hương thảo tại nông trại Pibo - xã Tà Nung, Tp. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
- Mô hình Bạc hà và Hương thảo tại hộ dân Lê Hoàng Anh Tuấn - TT. Di Linh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.

 

Kiến nghị

Nghiên cứu, chuyển giao các kỹ thuật trồng, chăm sóc cây loài cây tinh dầu tiềm năng cho các Sở ban ngành có liên quan để triển khai thực hiện có hiệu quả kết quả của đề tài.

Ảnh nổi bật đề tài
1637571287301-148. lưu đàm ngọc anh.png