Thông tin Đề tài

Tên đề tài Nghiên cứu sự đa dạng của một số nhóm sinh vật biển sống trên rạn san hô trong chuyến khảo sát bằng tàu “Viện sỹ Oparin” lần thứ 7 trong vùng biển Việt Nam
Mã số đề tài QTRU02.08/21-22
Cơ quan chủ trì (Cơ quan thực hiện) Viện Tài nguyên và Môi trường biển
Cơ quan phối hợp Viện Hóa sinh Hữu cơ Thái Bình Dương (PIBOC) - Phân viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga
Thuộc Danh mục đề tài Nhiệm vụ Hợp tác Quốc tế
Họ và tên TS. Nguyễn Đăng Ngải, TS. Pavel Dmitrenok
Thời gian thực hiện 01/04/2021 - 30/04/2024
Tổng kinh phí 1.000 triệu (Một tỷ đồng)
Xếp loại Xuất sắc
Mục tiêu đề tài

-    Điều tra, bổ sung và cập nhật các số liệu mới nhất về đa dạng sinh vật biển sống trên rạn san hô bao gồm các nhóm rong biển, hải miên, san hô, động vật đáy, cá rạn san hô.
-    Đánh giá được hiện trạng đa dạng sinh học và xác định được các loài có giá trị kinh tế và quý hiếm tại các khu vực nghiên cứu.
-    Đề xuất các biện pháp bảo vệ và quản lý đa dạng sinh học tại các khu vực nghiên cứu.

 

Kết quả chính của đề tài

Về khoa học:
- Kết quả nghiên cứu đã xác định được 109 loài rong biển, thuộc 4 ngành là rong Lam, rong Đỏ, rong Nâu và rong Lục. Số lượng loài rong biển cao nhất ở đảo Cồn Cỏ, đảo Trần, Cù Lao Chàm, Hải Vân – Sơn Chà (từ 22 - 30 loài), có 5 khu vực có số loài thấp là Cát Bà, Hòn Mê, Sơn Dương, Long Châu, Hòn Mắt. Trong số các loài xác định được có 66 có giá trị kinh tế và dược liệu như: làm thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, chiết agar, chiết carrageenan, nhiên liệu sinh học, phân bón và chiết các hoạt chất khác.
- Đã xác định được 199 loài động vật đáy trong khu vực nghiên cứu. Trong đó, có 78 loài có giá trị kinh tế, một số loài có giá trị kinh tế cao như bào ngư Haliotis ovina, trai ngọc Pinctada margaritifera, Pinctada maxima, Pinctada imbricata, ốc đụn cái Trochus maculatus, ốc đụn đực Tectus pyramis, ốc nón Conus eburneus, ghẹ Charybdis hellerrii, Charybdis japonica. Một số loài ốc có giá trị mĩ nghệ cao như ốc hổ Cypraea tigeris, Cypraea chinensis, ốc nón Trochus maculatus.
- Hải miên có 31 loài thuộc 17 họ, 10 bộ thuộc lớp hải miên Demospongiae. Chúng phân bố tại hầu hết các đảo và vùng rạn đá, rạn san hô tại các điểm nghiên cứu, khu vực Cô Tô – Thanh Lân có số loài nhiều nhất là 10 loài, đảo Trần, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, bãi Cạn Quảng Bình có 7 loài, các khu vực còn lại có số loài từ 1 -  5 loài. Nhìn chung, khu vực vịnh Bắc Bộ có số loài nhiều hơn các khu vực khác. Hải miên đa phần phân bố tại các bãi đá, rạn san hô từ 1 – 15m nước.
- San hô ghi nhận được tổng số 281 loài, trong đó san hô cứng Scleractinia có 258 loài, 1 loài san hô đen Antipatharia, 1 loài san hô lửa Milleporidae và 21 loài san hô mềm. Các khu vực có số loài san hô cao là Cù Lao Chàm, Hải Vân – Sơn Chà, Cồn Cỏ, Bạch Long Vỹ, Long Châu, Hạ Long – Cát Bà với số loài trên 120 loài. Các khu vực còn lại có số loài không đa dạng (nằm trong khoảng từ 23-59 loài) như Cô Tô, Đảo Trần, Hòn Mê, Sơn Dương. Độ phủ trung bình của các rạn san hô cho toàn khu vực là 30.9%. Trong Hòn Con Cá đạt loại tốt (bậc 4), có 7 rạn thuộc rạn khá (bậc 3, độ phủ từ 31- 50%), 4 rạn có độ phủ trung bình (bậc 2, độ phủ từ 11-30%) và có 3 rạn thuộc loại nghèo nàn (bậc 1, độ phủ san hô sống dưới 10%).
- Nhóm cá với 670 loài cá rạn, thuộc 240 giống, 79 họ được ghi nhận, trong đó có 530 loài thuộc các họ cá san hô tiêu biểu. Hải Vân Sơn Chà, Cồn Cỏ, Đảo Trần có số loài cá phong phú nhất (từ 130 – 191 loài), thấp nhất là quần đảo Hòn Mê với 26 loài.
- Các nhóm loài quý hiếm bao gồm 11 loài cá, 11 loài san hô và 1 loài bàn mai đen có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) với các mức độ nguy cấp (EN) và sắp nguy cấp (VU). Ngoài ra, có 256 loài san hô cứng đều nằm trong danh lục đỏ IUCN và phụ lục II của CITES.
- Các nhóm loài có giá trị kinh tế gồm 123 loài cá có giá trị thương phẩm cao, 254 loài cá thuộc nhóm cá cảnh biển và 11 loài cá có giá trị dược liệu. Nhóm động vật đáy có 78 loài có giá trị về thực phẩm và thủ công mỹ nghệ. Nhóm rong có 66 loài có giá trị kinh tế và dược liệu. Nhóm hải miên có 8 loài chứa các chất có hoạt tính sinh học như kháng vi rút, kháng khuẩn, gây độc tế bào, chống ung thư.
- Trong phạm vi nghiên cứu, có 6 khu vực đã thành lập khu bảo tồn biển và có ban quản lý để bảo vệ đa dạng sinh học như Hạ Long, Cát Bà, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn. Ba khu vực dự kiến thành lập khu bảo tồn là Cô Tô - Đảo Trần, Hòn Mê, Hải Vân – Sơn Chà. Các khu vực còn lại chưa được quy hoạch thành khu bảo tồn biển. Để bảo vệ nguồn lợi, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái cần nhanh chóng thành lập các khu bảo tồn đã được quy hoạch. Đồng thời xem xét đưa thêm các khu vực có tiềm năng nguồn lợi và hệ sinh thái tiêu biển vào quy hoạch như Rạn ngầm Cửa Roòn, đảo Hòn Mắt hoặc thành lập các tổ cộng đồng tự quản để bảo vệ các hệ sinh thái và đa dạng sinh học địa phương.
Về đào tạo:
Góp phần đào tạo 1 thạc sĩ (Nguyễn Văn Minh - Viện Tài nguyên và Môi trường biển)
Về phát triển hợp tác:
Nhiệm vụ đã tăng cường sự trao đổi, giao lưu học hỏi các phương pháp kỹ thuật, công nghệ mới từ một nước có nền khoa học phát triển thông qua chuyến khảo sát hỗn hợp, hội thảo với Viện Hóa sinh hữu cơ Thái Bình Dương, Viện Sinh học biển thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga.

 

Những đóng góp mới

- Cập nhật được những số liệu mới nhất về đa dạng sinh học tại các khu vực nghiên cứu.
- Xác định được các loài có giá trị kinh tế, quý hiếm tại các khu vực nghiên cứu. Trong đó, có 66 loài rong biển và 78 loài động vật đáy có giá trị kinh tế; 1 loài động vật đáy, 11 loài cá, 11 loài san hô là những loài quý hiếm nằm trong danh lục đỏ Việt Nam và 256 loài san hô nằm trong danh lục đỏ IUCN.
- Đề xuất khu vực rạn ngầm Cửa Roòn đưa vào quy hoạch thành lập khu bảo tồn biển hoặc thành lập tổ tự quản bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

 

*** Sản phẩm cụ thể giao nộp:

- Các bài báo đã công bố (liệt kê): Đã công bố được 1 cuốn sách chuyên khảo, 2 bài trên tạp chí trong nước và 1 bài trên tạp chí quốc tế.
+ Trong nước
- Diversity of Green Macroalgae Genus Ulva (Chlorophyta) in Hai Phong. VNU Journal of Science: Natural Sciences and Technology, Vol. 38, No. 3 (2022) 61-69
- Status and impacts to sea turtles in Vietnam. Vietnam journal of marine science and technology
- Sách: Rong biển tại một số đảo đông bắc Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ. ISBN 978 04 3572094, 2023, 268 trang.
+ Quốc tế (SCI/E)
Marine Floral Biodiversity, Threats, and Conservation in Vietnam: An Updated Review. Plants 2023, 12, 1862. https://doi.org/10.3390/plants12091862

 

Địa chỉ ứng dụng

Các khu bảo tồn và các huyện đảo nằm trong phạm vi nghiên cứu của nhiệm vụ có thể sử dụng kết quả nghiên cứu để cập nhật thêm hiện trạng các hệ sinh thái và đa dạng sinh học tại khu khu vực mình quản lý để có các biện pháp quản lý, sử dụng hiệu quả.

Kiến nghị

- Để việc khảo sát và thu mẫu trên các vùng biển của Việt Nam thuận lợi không bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố thời tiết và sóng biển, các chuyến khảo sát nên được tiến hành vào khoảng đầu tháng 5 đến tháng 6 hàng năm. Tránh các mùa gió Tây Nam và Đông Bắc tạo sóng lớn, nước đục sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của chuyến khảo sát và lịch trình của tàu.
- Từ kết quả của nhiệm vụ đề xuất khu vực rạn ngầm Cửa Roòn đưa vào quy hoạch thành lập khu bảo tồn biển hoặc thành lập tổ tự quản để bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản.

 

Ảnh nổi bật đề tài
1736219763433-ndngai.jpg