Thông tin Đề tài

Tên đề tài Nghiên cứu phát triển công nghệ và chế tạo một số chủng loại vật liệu có tính năng đặc biệt phục vụ quốc phòng giai đoạn 2020-2022
Mã số đề tài Dự án trọng điểm
Cơ quan chủ trì (Cơ quan thực hiện) Trung tâm Phát triển công nghệ cao
Thuộc Danh mục đề tài Đề tài, dự án trọng điểm cấp Viện HLKHCNVN
Họ và tên TS. Nguyễn Văn Thao
Thời gian thực hiện 01/01/2020 - 01/01/2022
Tổng kinh phí 42.500 triệu VNĐ
Xếp loại Xuất sắc
Mục tiêu đề tài

a. Mục tiêu chung
Xây dựng quy trình công nghệ và chế tạo được một số loại vật liệu đặc chủng ứng dụng trong TL PKTT.
b. Các mục tiêu cụ thể
- Phát triển được 4 mác vật liệu và sản phẩm nhựa tương thích để chế tạo TL PKTT theo nhu cầu của ngành Công nghiệp quốc phòng:
+ Vật liệu compozit trên cơ sở polyamid 610 (đạt các chỉ tiêu kỹ thuật tương đương mác PA610-L-SV30 theo TU 6-06-134-90) ứng dụng chế tạo thân cảm biến ống phóng và một số chi tiết khác trong ống phóng của TL PKTT.
+ Màng mỏng cách điện polyethylene terephtalate (đạt các chỉ tiêu kỹ thuật tương đương mác PET-E chiều dày 50 μm theo GOST 24234-80) ứng dụng chế tạo vỏ liều mồi động cơ hành trình của TL PKTT.
+ Nhựa polyester (đạt các chỉ tiêu kỹ thuật tương đương mác nhựa polyester ТФ-60  theo TU 6-05-211-895-79) ứng dụng dán nắp vào thân liều môi động cơ hành trình của TL PKTT.
+ Vật liệu nhựa polyamid đạt các chỉ tiêu kỹ thuật dùng để chế tạo gioăng đạn cối 82 mm.
- Xây dựng được quy trình công nghệ chế tạo một số vật liệu từ cứng đặc chủng ứng dụng trong TL PKTT và chế tạo phôi một số chi tiết từ cứng trong đầu tự dẫn (gương từ), cảm biến ngòi nổ, máy phát tuabin khoang lái và cảm biến tốc độ góc của TL PKTT:
+ Vật liệu từ cứng AlNiCo-X ứng dụng trong đầu tự dẫn (tương đương với loại vật liệu ЮН13ДК24 của Nga)
+ Vật liệu từ cứng AlNiCo-X ứng dụng trong cảm biến ngòi nổ (tương đương với loại vật liệu ЮНДК18 của Nga)
+ Vật liệu từ cứng AlNiCo-X ứng dụng trong máy phát tuabin khoang lái (tương đương với loại vật liệu ЮН14ДК25БА của Nga)
+ Vật liệu từ cứng AlNiCo-X ứng dụng trong cảm biến tốc độ góc (tương đương với loại vật liệu ЮНДК35Т5БА của Nga)
- Chế tạo vật liệu tạo màng phủ chống xước, kị nước cho kính quang học đáp ứng được nhu cầu quốc phòng. Thiết lập công nghệ tạo màng phủ chống xước, kỵ nước cho kính quang học của khí tài, trang bị kỹ thuật quân sự.

 

Kết quả chính của đề tài

+ Về khoa học:
- Đã nghiên cứu chế tạo được vật liệu GND nanocompozit có tính năng đặc biệt (khả năng chịu nhiệt, độ bền cơ lý cao) từ nền nhựa polyamid và đồng thời không ảnh hưởng đến chất lượng của nòng súng trong quá trình sử dụng. Polyme nền được biến tính nhằm làm tăng các liên kết ngang trong cấu trúc phân tử, đồng thời tăng tỷ lệ thành phần có cấu trúc kết tinh trong mạch phân tử polyme, mật độ kết tinh tăng. Vật liệu này có thể dễ dàng chế tạo sản phẩm gioăng đạn cối cỡ nòng 60, 82 và 100 trên thiết bị ép phun. Các sản phẩm gioăng đạn cối 60 và 82 từ vật liệu GND nanocompozit đã được đánh giá các tính chất cơ lý, tính chất nhiệt và bắn thử trực tiếp 03 lần tại trường bắn TB1, Quân khu 1, Bắc Giang có các Biên bản của đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Quốc phòng xác nhận Đạt chất lượng.
- Đã nghiên cứu, chế tạo thành công vật liệu PA610/NS/GF nanocompozit tính năng cao trên nền polyamid 610 với cốt sợi thủy tinh (GF) và nanosilica (NS) đáp ứng yêu cầu của các chi tiết, bộ phận trong TL PKTT với các đặc tính kỹ thuật sau: Độ bền kéo: 151,3 MPa; độ dai va đập Charpy: 30,2 MPa; chỉ số nhớt: 125cm3/g; độ ẩm: 0,2%; độ bền điện: 26,5 kV/mm.
- Đã nghiên cứu, chế tạo thành công màng mỏng cách điện polyetylen terephtalat đạt các chỉ tiêu kỹ thuật tương đương mác PET-E chiều dày 50 μm theo GOST 24234-80 với các đặc tính kỹ thuật sau: Chiều dày: 51,0 μm; Chiều rộng: 201 mm; Ngoại quan: Bề mặt không có vết thủng, vết nhăn, không có dị vật hoặc vết bẩn; Độ dãn dài tương đối: 88,2 %; Độ bền kháng rách: 251 N; Độ co của màng: 0,28 %; Điện trở suất thể tích: Tại nhiệt độ phòng: 1,32.1014 Ω.m, ở môi trường khô, 155 ºC: 13,6.1011 Ω.m, khi thử nghiệm tại nhiệt độ phòng sau khi giữ trong môi trường ẩm tại nhiệt độ phòng trong 24 h: 2,95.1012 Ω.m; Độ bền điện trong điện áp xoay chiều tần số 50 Hz: Tại nhiệt độ phòng: 205,9 kV/mm, khi thử nghiệm tại nhiệt độ phòng sau khi giữ trong môi trường ẩm tại nhiệt độ phòng trong 24 h: 162,7 kV/mm.
- Đã nghiên cứu, chế tạo thành công nhựa polyester từ dimethyl terephthalate (DMT), axit sebasic (SbA) và ethylene glycol (EG) đạt chỉ tiêu kỹ thuật tương đương mác keo TФ-60 theo ТУ 6-05-211-895-79 như sau: tan hoàn toàn trong dung môi methylen chlorid, nhiệt độ nóng chảy 166 °C, độ bền nhiệt của đường keo 110 ºC, độ bền đường keo khi dán màng PET = 85 % độ bền của màng PET.
-  Đã xây dựng được quy trình công nghệ chế tạo một số vật liệu từ cứng Alnico đáp ứng yêu cầu chế tạo phôi các chi tiết từ cứng trong tên lửa phòng không tầm thấp.
- Đã xây dựng được quy trình công nghệ để chế tạo một số phôi có kích thước, thông số từ tương đương với mẫu chuẩn, đáp ứng yêu cầu cho chế tạo các chi tiết trong tên lửa phòng không tầm thấp.
- Đã đăng được 03 bài báo trên Tuyển tập báo cáo Hội nghị trong nước; đăng ký 02 sáng chế (01 được chấp nhận đơn và 01 đã gửi bản chỉnh sửa cho Cục Sở hữu trí tuệ); tham gia đào tạo 01 Thạc sỹ và 01 Kỹ sư.
- Đã tổng hợp được phụ gia chống xước là nanosilica dạng cầu phân tán trong vật liệu nền organosilica là PMHS. Kiến trúc hình cầu, kích thước đồng đều là một trong những yếu tố quyết định tới tính chất quang của màng phủ quang học. Biến tính thành công nanosilica dạng hình cầu bằng tác nhân CTMS (hàm lượng 10%, 2 giờ) đã tăng khả năng tương tác của phụ gia chống xước với vật liệu organosilica, giúp hệ vật liệu (dung dịch tạo màng phủ chống xước, kỵ nước) không bị cặn lắng trong quá trình sử dụng.
- Màng phủ chống xước kỵ nước từ dung dịch chế tạo được tạo thành trên kính quang học bằng phương pháp quét tạo màng. Qua quá trình nghiên cứu nhận thấy rằng lớp phủ hình thành sau 2 lần quét và để ổn định ở nhiệt độ từ 20 ÷ 30°C trong khoảng thời gian 120 phút cho tính chất tốt nhất.
- Thử nghiệm vật liệu và màng phủ trong phòng thí nghiệm và tại nhà máy Z199/Tổng cục Công nghiệp quốc phòng cho thấy lớp phủ từ vật liệu kị nước, chống xước cho kính quang học đáp ứng được các chỉ tiêu kỹ thuật (góc tiếp xúc giọt nước > 110°, độ cứng thang bút chì 6H-8H, độ truyền qua quang học > 99%, chiết suất của kính quang học gần như không thay đổi trước và sau khi phủ màng), thử nghiệm trên khí tài quang thực tế cũng cho thấy các vật kính, thị kính sau khi phủ cho chất lượng hình ảnh tương đương với mắt kính ban đầu..
+ Về ứng dụng:
- Hàng năm, các đơn vị sản xuất thuộc Bộ Quốc phòng chế tạo với số lượng lớn đạn cối các loại cung cấp cho các đơn vị chiến đấu. Gioăng đạn cối sản xuất từ hạt nhựa compozit GND đã qua quá trình chế thử, sản xuất thử nghiệm, đánh giá trong phòng thí nghiệm và bắn thử nghiệm thực tế cho kết quả tốt. Hiện nay các đơn vị sản xuất thuộc Bộ Quốc phòng có nhu cầu cao về loại vật liệu đặc biệt này và có những đề xuất mới về tiêu chí kỹ thuật theo xu hướng phát triển của vũ khí hiện đại. Năm 2022, Trung tâm Phát triển công nghệ cao đã nhận đươc các công văn của đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Quốc phòng đề nghị phối hợp, cung cấp vật liệu GND nanocompozit, Trung tâm đã ký Hợp đồng cung cấp chủng loại vật liệu này để chế tạo gioăng đạn cối cỡ nòng 60 và 82, và trong thời gian tới sẽ cung cấp vật liệu để chế tạo gioăng đạn cối 100.
- Vật liệu PA610/NS/GF nanocompozit (nhựa PA610 compozit) có thể dùng để chế tạo một số chi tiết trong TL PKTT như thân cảm biến ống phóng, cụm cơ cấu tay quay, cụm ổ căm, cụm giắc cắm,... Trong quá trình thực hiện hợp phần dự án, vật liệu nhựa PA610 compozit đã được ứng dụng chế thử sản phẩm thân cảm biến ống phóng tại Nhà máy Z129, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Sản phẩm thân cảm biến ống phóng được chế tạo từ 2 loại nhựa PA610 compozit M1 và M3, các chỉ tiêu kỹ thuật được kiểm tra (theo Quy trình công nghệ nghệ chế tạo Thân cảm biến, ký hiệu 939.080.QT của Nhà máy Z129) kết quả tương sản phẩm do Nhà máy Z129 chế tạo từ vật tư nhập ngoại.
- Sản phẩm mỏng cách điện polyetylen terephtalat của Hợp phần dự án đã được sử dụng để chế tạo vỏ liều mồi (bao gồm nắp và thân liều mồi) của động cơ hành trình của TL PKTT. Sản phẩm  đạt các tiêu chí thử nghiệm, kiểm tra và đánh giá sản phẩm theo phương án đang sử dụng của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Sản phẩm vỏ liều mồi sau khi được dán bằng nhựa Polyester đã được thử nghiệm theo quy trình tại Nhà máy Z121/Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Kết quả thử nghiệm cho thấy: sau khi dán nắp vào thân vỏ liều mồi động cơ hành trình, đường keo chắc, không có hiện tượng tách lớp và bọt khí, thử nghiệm độ bền nhiệt ẩm, thử sốc nhiệt đạt yêu cầu, chất lượng tương đương với sản phẩm cùng loại của Nga đang sử dụng.
- Loại keo dán trên cơ sở nhựa polyester do hợp phần chế tạo được cung cấp ở dạng viên, nhiệt độ nóng chảy thường vào khoảng 170-190oC và tốc độ kết tinh rất nhanh. Qua nghiên cứu cho thấy chất lượng bám dính rất tốt khi dán nhựa với kim loại, kim loại với kim loại và nhựa với nhựa. Đặc biệt đã dán nắp vào thân vỏ liều mồi động cơ hành trình bằng nhựa polyester. Kết quả thử nghiệm theo quy trình tại Nhà máy Z121/Tổng cục Công nghiệp quốc phòng cho thấy: sau khi dán nắp vào thân vỏ liều mồi động cơ hành trình, đường keo chắc, không có hiện tượng tách lớp và bọt khí, thử nghiệm độ bền nhiệt ẩm, thử sốc nhiệt đạt yêu cầu, chất lượng tương đương với sản phẩm cùng loại của Nga đang sử dụng.
- Đã sử dụng vật liệu từ cứng Alnico chế tạo được làm các chi tiết từ cứng trong đầu tự dẫn (gương từ), cảm biến ngòi nổ, máy phát tuabin khoang lái và cảm biến tốc độ góc của tên lửa phòng không tầm thấp.
- Nhu cầu về vật liệu tạo màng cứng chống xước, chống mờ, mốc cho kính quang học sử dụng trong môi trường đất liền và biển đảo là rất cấp thiết. Kết quả của đề tài sẽ tạo ra sản phẩm và công nghệ ứng dụng phục vụ cho sửa chữa, chế tạo mới và bảo quản kính quang học tại các đơn vị quân sự góp phần tăng hiệu quả chiến đấu và kéo dài thời gian sử dụng của khí tài quang học.
- Kết quả nghiên cứu được ứng dụng trong công tác bảo quản các khí tài quân sự. Sau khi hợp phần dự án được nghiệm thu, sẽ báo cáo Hội đồng khoa học đề xuất phương án sản xuất vật liệu tạo màng cứng trên kính và chuyển giao cho các đơn vị quân đội.

 

Những đóng góp mới

- Đã nghiên cứu lựa chọn nhựa nền, xác định các thông số kỹ thuật chính tác động đến khả năng bền nhiệt, bền cơ lý và giảm lực ma sát cho gioăng đạn cối 82 nòng xoắn và nòng trơn.
- Đã nghiên cứu biến tính nhựa nền sử dụng phụ gia thích hợp để tăng các liên kết ngang trong cấu trúc của phân tử, đồng thời tăng tỷ lệ thành phần có cấu trúc kết tinh trong mạch phân tử polyme.
- Đã nghiên cứu, xây dựng công nghệ chế tạo được loại vật liệu mới vừa có khả năng bền nhiệt bền nhiệt cao vừa có tính chất cơ học cao. Đây là loại vật liệu compozit lai đang được nhiều khoa học quan tâm. Vật liệu này sẽ kết hợp ưu điểm của các chất gia cường (sợi thủy tinh-GF, nannosilica-NS,...) trong nhựa nền PA610. Vật liệu PA610/NS/GF có tính năng cơ lý và độ bền nhiệt cao vượt trội so với vật liệu PA610/NS. Hàm lượng sợi thủy tinh phù hợp dùng để gia cường cho PA610/NS là 30%. Ở hàm lượng này, tính chất cơ học của vật liệu đạt giá trị cao nhất (độ bền kéo đứt tăng khoảng 91,57%) và độ bền nhiệt của vật liệu được cải thiện rõ rệt (nhiệt độ bắt đầu phân hủy tăng 38,29oC) so với vật liệu PA610/NS.
- Đã xây dựng được quy trình công nghệ chế tạo màng mỏng cách điện polyetylen terephtalat phù hợp với điều kiện trang thiết bị trong nước. Màng mỏng cách điện polyetylen terephtalat chế tạo theo quy trình đáp ứng được các chỉ tiêu kỹ thuật tương đương màng PET mác PET-E chiều dày 50 μm theo GOST 24234-80.
- Lần đầu tiên chế tạo được nhựa polyester (đạt các chỉ tiêu kỹ thuật tương đương mác keo ТФ-60 theo TU 6-05-211-895-79) và hoàn toàn chủ động về mặt công nghệ sản xuất chế tạo nhựa polyester đáp ứng yêu cầu dán nắp vào thân liều mồi động cơ hành trình của TL PKTT trong điều kiện Việt Nam, thay thế được sản phẩm nhập ngoại cùng loại.
- Đã xây dựng được quy trình công nghệ chế tạo một số loại vật liệu Alnico và phôi các chi tiết từ cứng có các thông số từ đáp ứng yêu cầu ứng dụng trong tên lửa phòng không tầm thấp.
- Đã nghiên cứu và đưa ra được quy trình công nghệ chế tạo vật liệu tạo màng phủ chống xước, kỵ nước cho khí tài quang từ những vật liệu tiền chất có trên thị trường, đặc biệt đã tổng hợp thành công nanosilica dạng hình cầu với kích thước hạt đồng đều cao, đã biến tính thành công hệ nanosilica dạng cầu có khả năng phân tán, tương hợp rất tốt với hệ chất tạo màng phủ cho kính. Đã tối ưu được các điều kiện về thành phần gồm: tỷ lệ PMHS:ete dầu hỏa (mL) = 2,5:100, nồng độ xúc tác NaOH thích hợp cho phản ứng khoảng 0,03 – 0,05 N, hàm lượng nanosilica hình cầu thêm vào khoảng 0,2 – 0,25 % khối lượng PMHS; và điều kiện công nghệ chế tạo vật liệu với thời gian khuấy là 60 phút, tốc độ khuấy nằm trong khoảng 500 ÷ 800 rpm. Sản phẩm thu được có chỉ tiêu kỹ thuật tốt đảm bảo ứng dụng tạo màng chống xước cho khí tài quang và các loại kính quang học khác.

*** Sản phẩm cụ thể giao nộp:
1. Các bài báo đã công bố:
+ Bài báo đăng trên tạp chí quốc gia:
- Nguyễn Văn Thao, Hoàng Thị Thu Linh, Vũ Ngọc Doãn, Nguyễn Thế Hữu, Nguyễn Minh Việt, Lê Duy Bình, Nghiên cứu tổng hợp poly(ethylene terephthalate-co-ethylene sebacate) copolyeste, Tạp chí Nghiên cứu KH&CN quân sự, Số 71, 98-103, 2021.
- Vũ Ngọc Duy, Nguyễn Tuấn Hồng, Nguyễn Văn Thao, Nguyễn Xuân Anh, Đào Văn Chương, Lê Văn Long, Nguyễn Văn Tú, Nguyễn Thế Hữu, Chế tạo keo dán trên cơ sở poly(ethylen terephthalat-co-ethylen sebacat) copolyeste, Tạp chí Nghiên cứu KH&CN quân sự, Số 73, 138-144, 2021.
- Phạm Thế Long, Lê Hoàng Thanh, Hoàng Thị Hương Thủy, Lê Thị Thúy Hằng, Nguyễn Thế Hữu, Lương Như Hải, Nghiên cứu ảnh hưởng của phụ gia nanosilica tới tính chất cơ học và nhiệt của nhựa PA610, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (Giấy chứng nhận chấp nhận đăng).
- Hoàng Thị Hương Thủy, Lê Hoàng Thanh, Lê Thị Thúy Hằng, Lương Như Hải, Nguyễn Văn Thao, Ảnh hưởng của sợi thủy tinh đến một số tính chất của nhựa PA610/nanosilica compozit, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Hồng Đức (Giấy xác nhận chấp nhận đăng).
- Lê Minh Trí, Nguyễn Đình Dũng, Vũ Duy Đạt, Nguyễn Thế Hữu, Vũ Trọng Phúc, Nguyễn Văn Tú, Phan Ngọc Hồng, Nguyễn Tuấn Hồng, Nghiên cứu chế tạo nano SiO2 hình cầu ứng dụng trong màng phủ quang học, Tạp chí Nghiên cứu KH&CN quân sự, Số 77, 86 - 90, 2022.
- Phạm Thị Mai Hương, Nguyễn Văn Mạnh, Đào Xuân Phúc, Nguyễn Trung Toàn, Đỗ Nhật Minh, Nguyễn Xuân Anh, Đặng Thanh Bình, Nguyễn Tuấn Hồng, Nghiên cứu biến tính nano SiO2 với tác nhân alkylsilane ứng dụng trong màng phủ trên nền kính, Tạp chí Nghiên cứu KH&CN quân sự, Số 78, 108 - 113, 2022.
+ Báo cáo hội nghị khoa học quốc gia:
- Phạm Thị Thanh, Nguyễn Huy Ngọc, Kiều Xuân Hậu, Trương Việt Anh, Nguyễn Hải Yến, Đào Sơn Lâm, Phạm Văn Đại, Trần Đăng Thành, Lương Văn Đương, Nguyễn Văn Thao, Phan Ngọc Hồng, Nguyễn Huy Dân, Nghiên cứu chế tạo vật liệu từ cứng Alnico bằng phương pháp luyện kim bột, Tuyển tập báo cáo Hội nghị Vật lí chất rắn và Khoa học vật liệu lần thứ 12-SPMS 2021, 36-39.
- Trương Việt Anh, Đặng Quốc Khánh, Lương Văn Đương, Trần Bảo Trung, Lê Danh Chung, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Huy Ngọc, Phạm Thị Thanh, Nguyễn Hải Yến, Kiều Xuân Hậu, Nguyễn Huy Dân, Nghiên cứu chế tạo vật liệu từ cứng Alnico bằng phương pháp SPS, Tuyển tập báo cáo Hội nghị Vật lí chất rắn và Khoa học vật liệu lần thứ 12-SPMS 2021, 40-43.
- Nguyễn Huy Ngọc, Phạm Thị Thanh, Kiều Xuân Hậu, Nguyễn Hải Yến, Đào Sơn Lâm, Phạm Văn Đại, Trần Đăng Thành, Lương Văn Đương, Trương Việt Anh, Nguyễn Văn Thao, Phan Ngọc Hồng, Nguyễn Huy Dân, Nghiên cứu chế tạo vật liệu từ cứng Alnico bằng phương pháp đúc, Tuyển tập báo cáo Hội nghị Vật lí chất rắn và Khoa học vật liệu lần thứ 12-SPMS 2021, 44-48.

2. Bằng sáng chế, giải pháp hữu ích:
- 01 đăng ký sáng chế: Phương pháp chế tạo keo dán trên cơ sở poly(etyelen terephtalat-co-etylen sebacat) copolyeste (Đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn hợp lệ theo Quyết định số 11321w/QĐ-SHTT ngày 06/07/2022)
- 01 đăng ký sáng chế: Quy trình chế tạo vật liệu từ cứng Alnico dị hướng bằng phương pháp đúc (Đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn hợp lệ theo Quyết định số 14800w/QĐ-SHTT ngày 24/09/2021).
- 01 đăng ký sáng chế: Vật liệu từ cứng Alnico cảm ứng từ dư cao và phương pháp chế tạo vật liệu này, đã chỉnh sửa và gửi lại cho Cục Sở hữu trí tuệ.
- 01 đăng ký sáng chế: Phương pháp chế tạo vật liệu nano SiO2 ưa dầu và vật liệu nano SiO2 ưa dầu được tạo ra theo phương pháp này (Đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn hợp lệ theo Quyết định số 11560w/QĐ-SHTT ngày 11/07/2022).

3. Sản phẩm cụ thể:

Tên sản phẩm:
Vật liệu compozit trên cơ sở polyamid 610
(Nhựa HTD.QP3.1-TCB.M3)
    Thân cảm biến ống phóng của TL PKTT
    Vật liệu nhựa polyamid đạt các chỉ tiêu kỹ thuật dùng để chế tạo gioăng đạn cối
    (Nhựa HTD.QP3.1-GND11)
    Gioăng đạn cối
    Màng mỏng cách điện polyetylen terephtalat
    (Màng HTD.QP3.1-MPETE)
    Vỏ liều mồi động cơ hành trình của TL PKTT chế tạo từ màng mỏng cách điện polyetylen terephtalat
    Nhựa polyester
    (Keo HTD.QP3.1-KDVLM)
    Dán nắp vào thân vỏ liều mồi động cơ hành trình bằng nhựa polyester
    Vật liệu từ cứng AlNiCo-X ứng dụng trong đầu tự dẫn
    (HTD.QP3.2-Alnico-GT)
    Vật liệu từ cứng AlNiCo-X ứng dụng trong cảm biến ngòi nổ
    (HTD.QP3.2-Alnico-CBNN)
    Vật liệu từ cứng AlNiCo-X ứng dụng trong máy phát tuabin khoang lái
    (HTD.QP3.2-Alnico-MPTBKL)
    Vật liệu từ cứng AlNiCo-X ứng dụng trong cảm biến tốc độ góc (HTD.QP3.2-Alnico-CBTĐG)
    Phôi gương từ cho đầu tự dẫn
    Phôi chi tiết từ cứng cho cảm biến ngòi nổ
    Phôi chi tiết từ cứng cho máy phát tuabin khoang lái
    Phôi chi tiết từ cứng cho cảm biến tốc độ góc
Dung dịch tạo màng chống xước, kỵ nước phủ kính (hoạt động trong vùng khả kiến) của các khí tài quang học trong niêm cất bảo quản, huấn luyện, và sẵn sàng chiến đấu theo tiêu chuẩn TU-224500-01-2000
(HTD.QP3.3-CXKN)
Mẫu kính phủ màng chống xước, kỵ nước; kết quả thử nghiệm đánh giá.
Cụ thể:
+ Vật kính, thị kính (Ống nhòm 8x30 mm)
+ Vật kính, thị kính (ống nhòm 15x50 mm)
+ Mắt kính bảo vệ, thị kính (Kính ngắm PGO-7V)

4. Các sản phẩm khác:
+ Quy trình khoa học công nghệ:
- Quy trình công nghệ chế tạo vật liệu compozit trên cơ sở polyamid 610 (đạt các chỉ tiêu kỹ thuật tương đương mác PA610-L-SV30 theo TU 6-06-134-90)
- Quy trình công nghệ chế tạo màng mỏng cách điện polyetylen terephtalat (đạt các chỉ tiêu kỹ thuật tương đương mác PET-E chiều dày 50 μm theo GOST 24234-80)
- Quy trình công nghệ chế tạo nhựa polyester (đạt các chỉ tiêu kỹ thuật tương đương mác keo ТФ-60 theo TU 6-05-211-895-79)
- Quy trình công nghệ chế tạo vật liệu nhựa polyamid đạt các chỉ tiêu kỹ thuật dùng để chế tạo gioăng đạn cối.
- 04 quy trình công nghệ chế tạo vật liệu: Quy trình công nghệ chế tạo vật liệu từ cứng AlNiCo-X ứng dụng trong đầu tự dẫn của tên lửa phòng không tầm thấp; Quy trình công nghệ chế tạo vật liệu từ cứng AlNiCo-X ứng dụng trong cảm biến ngòi nổ của tên lửa phòng không tầm thấp; Quy trình công nghệ chế tạo vật liệu từ cứng AlNiCo-X ứng dụng trong máy phát tuabin khoang lái của tên lửa phòng không tầm thấp; Quy trình công nghệ chế tạo vật liệu từ cứng AlNiCo-X ứng dụng trong cảm biến tốc độ góc của tên lửa phòng không tầm thấp.
- 04 quy trình công nghệ chế tạo phôi: Quy trình công nghệ chế tạo phôi gương từ trong đầu tự dẫn của tên lửa phòng không tầm thấp; Quy trình công nghệ chế tạo phôi chi tiết từ cứng trong cảm biến ngòi nổ của tên lửa phòng không tầm thấp; Quy trình công nghệ chế tạo phôi chi tiết từ cứng trong máy phát tuabin khoang lái của tên lửa phòng không tầm thấp; Quytrình công nghệ chế tạo phôi chi tiết từ cứng trong cảm biến tốc độ góc của tên lửa phòng không tầm thấp..
- Quy trình công nghệ chế tạo dung dịch tạo màng phủ cứng, chống xước, kị nước cho kính quang học.
- Quy trình công nghệ tạo màng phủ cho kính quang học.
+ Báo cáo kết quả thử nghiệm:
- Biên bản thử nghiệm đánh giá tính năng kỹ thuật các mẫu vật liệu và sản phẩm nghiên cứu của hợp phần dự án.
- Báo cáo kết quả đánh giá thử nghiệm đối chứng dung dịch tạo màng phủ chống xước, kỵ nước và một số sản phẩm thương mại.
+ Sản phẩm đào tạo:
Góp phần hỗ trợ đào tạo 04 thạc sĩ và 01 kỹ sư:
- Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Nguyệt đã bảo vệ Luận văn Thạc sĩ Hóa phân tích “Phân tích các đặc trưng hóa lý của polyetylene terephatalate và màng PET” tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên. Cán bộ hướng dẫn: PGS.TS. Phạm Thế Chính, TS. Đào Thế Nam.
- Thạc sĩ Lê Hoàng Thanh đã bảo vệ Luận văn Thạc sĩ Hóa hữu cơ “Nghiên cứu nâng cao khả năng bền nhiệt cho vật liệu polyme compozit nền nhựa polyamid” tại Trường Đại học Hồng Đức. Cán bộ hướng dẫn: TS. Hoàng Thị Hương Thủy, TS. Lương Như Hải.
- Thạc sĩ Nguyễn Huy Ngọc đã bảo vệ Luận văn Thạc sĩ ngành Khoa học vật liệu điện tử “Nghiên cứu công nghệ chế tạo vật liệu từ cứng Alnico” tại Học viện Khoa học và Công nghệ. Cán bộ hướng dẫn: GS.TS. Nguyễn Huy Dân.
- Kỹ sư Trương Việt Anh đã bảo vệ thành công Đồ án tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Vật liệu “Nghiên cứu chế tạo vật liệu từ cứng Alnico bằng phương pháp thiêu kết xung điện Plasma” tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Cán bộ hướng dẫn: TS. Đặng Quốc Khánh, GS.TS. Nguyễn Huy Dân.
- Thạc sĩ Vũ Trọng Phúc đã bảo vệ Luận văn Thạc sĩ Kỹ thuật hóa học“Nghiên cứu chế tạo và biến tính nano SiO2 trong màng phủ kị nước trên nền kính” tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Cán bộ hướng dẫn: TS. Đặng Hữu Trung, PGS.TS. Nguyễn Thế Hữu.

 

Địa chỉ ứng dụng

Các nhà máy của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng như Nhà máy Z129, Nhà máy Z115, Nhà máy Z121 Nhà máy Z199,…

Kiến nghị

Dự án đã hoàn thành toàn bộ các mục tiêu đặt ra. Quá trình thực hiện Dự án đã giúp Trung tâm Phát triển công nghệ cao nâng cao được tiềm lực nghiên cứu và hoàn toàn có khả năng thực hiện các nhiệm vụ mới thuộc lĩnh vực An ninh – Quốc phòng trong thời gian tới.

Dự án đã tạo ra nhiều sản phẩm, đã được thử nghiệm và hoàn toàn có khả năng ứng dụng trong thực tế. Do đó, Trung tâm Phát triển công nghệ cao kính đề nghị Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng có kế hoạch ứng dụng các kết quả nghiên cứu của dự án theo đặt hàng.