Thông tin Đề tài

Tên đề tài Khảo sát, nghiên cứu đa dạng sinh học và hóa sinh lần thứ 6 giữa VAST - FEB RAS bằng tàu Viện sỹ Oparin trong vùng biển Việt Nam. Hợp phần 2: Nghiên cứu quần xã sinh vật rạn san hô và đa dạng một số nhóm sinh vật vùng biển sâu; kim loại nặng và chất kháng oxy hóa của sinh vật đáy; và một số thông số môi trường liên quan đến axit hóa đại dương ở vùng biển khơi trên thềm lục địa Nam Việt Nam.
Mã số đề tài QT.RU.04.02/18-19
Cơ quan chủ trì (Cơ quan thực hiện) Viện Hải dương học
Cơ quan phối hợp Phân viện Viễn Đông- Viện Hàn lâm Khoa học Nga- Liên bang Nga
Thuộc Danh mục đề tài Nhiệm vụ Hợp tác Quốc tế
Họ và tên TS. Hoàng Xuân Bền
Thời gian thực hiện 01/06/2018 - 30/06/2021
Tổng kinh phí 1.200 triệu đồng
Xếp loại Xuất sắc
Mục tiêu đề tài

- Góp phần làm rõ tính đa dạng sinh học, cấu trúc quần xã sinh vật rạn san hô ở vùng biển khơi xa bờ;
- Khảo sát hàm lượng kim loại nặng, các hợp chất kháng oxy hóa của động vật đáy vùng biển sâu;
- Tìm hiểu mức độ ảnh hưởng có thể từ hiện tượng axit hóa đại dương đối với các quần xã sinh vật tại vùng thềm lục địa phía Nam Việt Nam.

Kết quả chính của đề tài

Chuyến khảo sát đã thu thập hơn 1.000 mẫu vật và dữ liệu, kết quả phân tích đã khẳng định tính đa dạng sinh học của quần xã sinh vật rạn san hô vùng biển phía Nam Việt Nam gồm: 526 loài sinh vật rạn, 177 taxa của sinh vật đáy vùng nước sâu; đánh được hiện trạng các rạn san hô, đặc đểm địa hình đáy vùng biển phía Nam Việt Nam và các bãi ngầm vùng khơi xa bờ; Xác định được 50 giống san hô và họ cá Bướm (Chaetodontidae) là các nhóm có khả năng tái tạo bổ sung quần thể sinh vật rạn tại các vùng nghiên cứu; Hai loài Khoang cổ (Amphiprion perideraion) và san hô cứng dạng bàn (Acropora millepora) có sự khác biệt về tính liên kết di truyền ở vùng biển Tây Nam; Mức độ tích lũy hàm lượng kim loại nặng có sự khác biệt giữa các loài hoặc trong cùng một loài nhưng khác nhau về mặt phân bố không gian. Tuy nhiên, về an toàn thực phẩm thì hàm lượng các kim loại tích lũy đều thấp hơn các ngưỡng cho phép của tiêu chuẩn Việt Nam. Nghiên cứu hoạt tính kháng oxy hóa từ Thân mềm đã chỉ ra ốc biển và hai mảnh vỏ là nguồn vật liệu triển vọng ở biển để khai thác các chất có hoạt tính sinh học ở Việt Nam. Bước đầu tìm thấy có sự liên quan giữa các thông số axit hóa dương với quần xã cá rạn san hô.
Thực tế, tiềm lực cơ sở vật chất và phạm vi trong nghiên cứu biển của Việt Nam hiện nay còn khá hạn chế, dẫn đến việc các tư liệu khoa học thu được còn ít có giá trị phổ biến quốc tế. Trong khi đó, vùng biển Việt Nam được đánh giá có tính đa dạng sinh học cao với nhiều hệ sinh thái biển quan trọng. Mặt khác, các khảo sát nghiên cứu tại vùng biển nước ta không chỉ góp phần giải quyết những vấn đề khoa học mà còn khẳng định chủ quyền biển đảo và thềm lục địa Việt Nam. Theo tiến trình hội nhập quốc tế, Việt Nam cần tạo điều kiện để các nhà khoa học quốc tế tham gia khảo sát nghiên cứu khoa học trên Biển Đông. Từ các kết quả thu thập được của chuyển khảo sát đã khẳng định rằng hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học LB Nga đã giúp chúng ta giải quyết các vướng mắc và khó khăn về trang thiết bị và kinh nghiệm thực tế khảo sát vùng biển sâu và là điều kiện để đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ biển cho Việt Nam.

Sản phẩm cụ thể giao nộp:

- Các bài báo khoa học:
+ Danh mục SCIE: Nguyen V.L. and Mai X.D. (2020). Reef fish fauna in the coastal waters of Vietnam. Marine Biodiversity. 50: 100. 10.1007/s12526-020-01131-2
+ Tạp chí Quốc tế (Scopus): Vo Tran Tuan Linh, Phan Kim Hoang, Le Hung Phu, Nguyen Hong Thu, Phan Minh Thu and Vo Si Tuan, 2021. Coral calcification in the southern part of Viet nam, studied with a new method. Phuket mar. biol. Cent. Res. Bull.78: 29–38.
+ Tạp chí Quốc gia: Mai Xuân Đạt, 2019. Cá rạn san hô trong các bãi ngầm và đảo đá ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Bình Thuận. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Biển, Tập 19 (4A): 259–271.
- Bộ sưu tập mẫu sinh vật biển cho Bảo tàng Hải dương học

Những đóng góp mới

Kết quả của chuyến khảo sát thu thập tư liệu về đa dạng sinh học và cấu trúc quần xã sinh vật vùng rạn và các vùng biển sâu góp phần khẳng định các giá trị đa dạng sinh học vùng biển Đông; những mẫu vật thu thập phục vụ nghiên cứu hóa sinh học, di truyền, axit hóa đại dương là những hướng nghiên cứu mới tìm kiếm các hoạt chất sinh học, đặc điểm di truyền học quần thể mức độ ảnh hưởng của axit hóa đại dương lên quần xã sinh vật dưới sự thay đổi của chất lượng môi trường có nhiều triển vọng ứng dụng trong thực tiễn nhằm tạo ra các sản phẩm phục vụ cuộc sống từ nguồn tài nguyên sinh vật biển. Hơn nữa, kết quả mới trong nghiên cứu này là lần đầu tiên chúng ta có những dữ liệu về hiện trạng đa dạng sinh học rạn san hô vùng biển khơi xa bờ (Catwick và Bishop); và bộ mẫu thu được từ những vùng biển sâu được cung cấp cho Bảo tàng Hải dương học.

Ảnh nổi bật đề tài
1665561353840-72.jpg