Thông tin Đề tài

Tên đề tài Quan trắc môi trường biển Miền Nam
Mã số đề tài SNMTTX03/21-21
Cơ quan chủ trì (Cơ quan thực hiện) Viện Hải dương học
Họ và tên TS. Vũ Tuấn Anh
Thời gian thực hiện 01/01/2021 - 31/12/2021
Tổng kinh phí 1.700 triệu đồng
Xếp loại Đạt
Mục tiêu đề tài

- Xác định hiện trạng một số yếu tố môi trường tại 7 trạm ven bờ (trạm tác động) là Nha Trang, Phan Thiết, Gành Rái, Định An, Sông Đốc, Rạch Giá, Hà Tiên  vào Tháng 4, 10, và Tháng 12 tại trạm biển khơi, trạm Phú Quý vào Tháng 4.
- Sơ bộ đánh giá biến động chất lượng môi trường các khu vực này giai đoạn 2017 - 2021.  
- Xuất bản ấn phẩm “Kết quả quan trắc môi trường biển miền Nam Việt Nam năm 2020”.

Kết quả chính của đề tài

- Về khoa học: Cung cấp chuỗi số liệu liên tục (từ 1996 tới nay), đồng bộ, chính xác cao về các yếu tố môi trường tại những vị trí quan trắc cố định, phục vụ các mục đích khác nhau: nghiên cứu, giảng dạy và đưa ra những cảnh báo về sự bất thường (vượt tiêu chuẩn cho phép) của các yếu tố quan trắc.
- Về ứng dụng: Dữ liệu thu được dùng làm thông số báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia hàng năm, góp phần bảo đảm phát triển kinh tế xã hội và anh ninh quốc phòng biển đảo Việt Nam.
- Các kết quả phân tích trong năm 2021 cho thấy:
Môi trường nước
Chất lượng môi trường tại hầu hết các trạm, trong 3 chuyến khảo sát, đều có chỉ số RQ <1, mức nguy cơ ô nhiễm môi trường thấp. Tuy nhiên, trạm Định An vào Tháng 12 có chỉ số RQ = 1,13 - mức “nguy cơ ô nhiễm môi trường trung bình”. Các chỉ tiêu làm tăng chỉ số RQ tại các trạm là coliform, Fe, nitrat và TSS. Nha Trang, Phan Thiết có chất lượng môi trường ổn định và tốt nhất với chỉ số RQ từ 0,11 - 0,14. Các trạm Gành Rái, Hà Tiên cũng có chất lượng môi trường tốt với giá trị chỉ số RQ luôn <0,5. Gành Rái, Hà Tiên có chất lượng môi trường tốt với trị số RQ ít dao động, từ 0,25 – 0,38. Trị số RQ từ 0,53 – 0,75 tại Sông Đốc, từ 0,28 – 0,53 ở Rạch Giá và 0,5 – 1,13 tại Định An. Trạm xa bờ Phú Quý có môi trường tốt, RQ = 0,31, mức “nguy cơ ô nhiễm môi trường thấp”.
Môi trường trầm tích
Trạm Phan Thiết, Sông Đốc có chỉ số SQG-Q luôn < 0,1, mức chưa có tác động đến rủi ro sinh thái. Các trạm còn lại hầu hết có chỉ số SQG-Q luôn < 0,14, nằm trong khoảng từ 0,1 – 1, ở mức tác động trung bình. Điều đó cho thấy chất lượng trầm tích ở các trạm khảo sát tốt.
Về sinh vật:
Với TVPD, đã ghi nhận 362 loài/dưới loài, trong đó tảo silic chiếm tỉ lệ cao nhất (215 taxa – chiếm 59,39% tổng số loài), các nhóm vi khuẩn lam, tảo mắt, tảo Charophyta, Ochrophyta, Haptophyta, và Cerozoa chiếm tỉ lệ rất thấp (< 3%). Có 32 loài TVPD có khả năng gây hại thuộc 5 ngành, nhóm tảo hai roi có số lượng lớn nhất với 20 taxa, và thấp nhất là tảo Haptophyta (1 taxa).
Các loài có khả năng nở hoa gây hại thường xuyên xuất hiện ở các trạm là Akashiwo sanguinea. vi khuẩn lam Trichodesmium thiebautii, tảo silíc lông chim Pseudo-nitzschia spp. Vào Tháng 4. Vi khuẩn lam Pseudanabaena sp., vi khuẩn lam Oscillatoria sp. tảo silíc lông chim Pseudo-nitzschia spp. trong Tháng 10.Tuy nhiên, mật độ của các loài tảo có khả năng gây hại chưa đạt tới ngưỡng cảnh báo đóng cửa khu vực nuôi trồng để kiểm soát (Todd, 2003).
Với ĐVPD, đã ghi nhận 207 loài động vật phù du (ĐVPD) thuộc 7 ngành và 13 lớp. Trong đó, ngành động vật giáp xác (Arthropoda) chiếm ưu thế với 151 loài với thành phần chính là các loài thuộc lớp phụ chân mái chèo (Copepoda), các ngành thủy tức (Cnidaria), thân mềm (Mollusca), dây sống (Chordata) với lần lượt 19, 11 và 10 loài. Các ngành còn lại có số loài được ghi nhận khá ít, dưới 10 loài.
Mật độ ĐVPD trung bình đợt 2 (Tháng 10) cao nhất tại Rạch Giá đạt 226.297 cá thể/m3, thấp nhất tại Phú Quý tại tầng 10-5m (762 cá thể/m3).
Trạm Nha Trang cho thấy sự ổn đinh khi không có sự thay đổi đáng kể về mật độ ở các đợt thu mẫu. Các trạm từ Phan Thiết đến Định An, chênh lệch giữa tầng mặt và đáy là khá rõ ràng. Quần xã ĐVPD có biến động phức tạp giữa các thời điểm thu mẫu ở hầu hết các trạm, ngoại trừ Nha Trang. Cụ thể, mật độ ĐVPD trung bình tại các trạm từ Gành Rái đến Rạch Giá trong thời gian khảo sát đợt 1 ở thời điểm đỉnh triều và ở chân triều gần như bị đảo ngược trong các đợt 2 và đợt 3. Trong đó, trạm Sông Đốc ở đợt 2 cho thấy sự chênh lệch đáng kể, khoảng 10 lần, giữa thời điểm đỉnh triều và chân triều.
Với ĐVĐ, Đã ghi nhận 114 đơn vị phân loại (taxa). Trong đó  vào Tháng 4 ghi nhận 90 taxa và 46 taxa vào Tháng 10. Lớp giun nhiều tơ (Polychaeta) thuộc ngành giun đốt chiếm tỉ lệ lớn nhất (53 taxa, chiếm 58,9% vào Tháng 4; 27 taxa, chiếm 58,69% vào Tháng 10). Da gai chiến tỉ lệ nhỏ nhất (3,3% trong Tháng 4 và 8,7% trong Tháng 10).
Trạm Phan Thiết có chỉ số đa dạng cao nhất, vào Tháng 10 (4,29), thấp nhất tại Sông Đốc (bằng 0) do không thu được cá thể ĐVĐ nào.  Số lượng loài cũng như số lượng cá thể thu được tại các trạm vào Tháng 4 nhiều hơn Tháng 10. Đa số các trạm gồm Nha Trang, Định An, Gành Rái, có mật độ ít thay đổi giữa hai đợt khảo sát. Trong khi đó trạm Hà Tiên, Phan Thiết, Rạch Giá và Sông Đốc có mật độ động vật đáy vào Tháng 4 cao hơn nhiều so với Tháng 10. Mật độ ĐVĐ tại trạm Phan Thiết vào Tháng 4 cao nhất,  đạt 2.942 cá thể/m2, và sinh khối lớn nhất tại Rạch Giá 63,75g/m2.
Các kết quả sơ bộ đánh giá diễn tiến theo thời gian (2017 – 2021) cho thấy:
Không thấy có một xu thế biến động rõ ràng nào của các chỉ tiêu hóa học – sinh thái trong nước, trong trầm tích ở các trạm, ngoại trừ tổng dầu mỡ khoáng trong nước ở tất cả các trạm có xu thế giản dần.
Đối với sinh vật (TVPD, ĐVPD và ĐVĐ) cũng không thấy có một xu thế biến động rõ ràng theo thời gian cả về số lượng loài cũng như mật độ ở các trạm.

Sản phẩm cụ thể giao nộp:

- Danh sách bài báo công bố:
- Danh sách bằng sáng chế, giải pháp hữu ích:
- Danh sách các sản phẩm cụ thể (mô tả sản phẩm, nơi lưu trữ):
Sản phẩn bao gồm 3 tập báo cáo đợt gồm số liệu quan trắc, phân tích các yếu tố khí tượng – thủy văn – động lực biển,  hóa học - sinh thái,  sinh vật phù du và nhận xét về các yếu tố của 3 chuyến khảo sát (Tháng 4, 10, 12) tại 7 điểm ven bờ, 1 trạm biển khơi vào thãng. Một tập báo cáo tổng kết: đưa ra những nhận xét tổng hợp các kết quả quan trắc, phân tích của 3 chuyến khảo sát. Những cảnh báo và lý giải về những đột biến (vượt ngưỡng) của các yếu tố môi trường.

Những đóng góp mới

Kéo dài chuỗi số liệu quan trắc tại những điểm cố định theo thời gian.

Kiến nghị

Số điểm quan trắc hàng năm cần được tăng cường theo sự phát triển của các khu công nghiệp, chế xuất… đặt ở dải ven bờ.

Ảnh nổi bật đề tài
1663571997805-53.png