Thông tin Đề tài

Tên đề tài Nghiên cứu sự biến động theo mùa của một số lipid đánh dấu ở loài san hô mềm Sinularia flexibilis thu thập tại vùng biển Nha Trang, Khánh Hòa
Mã số đề tài ĐLTE00.06/18-19
Cơ quan chủ trì (Cơ quan thực hiện) Viện Hoá học các hợp chất thiên nhiên
Thuộc Danh mục đề tài Chương trình hỗ trợ cán bộ trẻ của Viện Hàn lâm KHCNVN
Họ và tên TS. Đặng Thị Phương Ly
Thời gian thực hiện 01/01/2018 - 30/06/2021
Tổng kinh phí 500 triệu đồng
Xếp loại Xuất sắc
Mục tiêu đề tài

Có được kết quả phân tích về thành phần lipid, axit béo ở loài san hô mềm Sinularia flexibilis. Chỉ ra các lipid, axit béo có vai trò đánh dấu sinh học và khảo sát sự có mặt của lipid và axit béo này trong loài san hô mềm Sinularia flexibilis theo các tháng trong năm.

Kết quả chính của đề tài

- Đã thực hiện thu thập được 84 mẫu san hô loài Sinularia flexibilis trong 12 tháng. Các mẫu được định tên, phân loại, lưu trữ tiêu bản tại Viện Hải dương học Nha Trang
- Đã thực hiện phân tích hàm lượng lipid tổng, thành phần và hàm lượng: các lớp chất lipid và các phân lớp phospholipid, các axit béo trong từng tháng, các dạng phân tử của một số phân lớp phospholipid chính của mẫu san hô mềm Sinularia flexibilis.
- Đã bước đầu đánh giá sự biến động theo các tháng trong năm của các thành phần lipid chính, lipid đánh dấu đối với loài san hô mềm Sinularia flexibilis:
    + Hàm lượng lipid tổng: đạt giá trị cao nhất trong khoảng thời gian từ T3 đến T5, thấp hơn trong T6-T9 và thấp nhất vào các tháng T10-T1. Hàm lượng lipid tổng có sự sụt giảm đáng kể giữa T5 và T6; giữa T9 và T10, tăng cao từ T2 sang T3, đặc biệt không ổn định trong khoảng thời gian T10-T2.
    + Thành phần các lớp chất lipid của mẫu san hô mềm Sinularia flexibilis  bao gồm 6 lớp chất chính: PL, ST, TAG, MADAG, W, FFA. Hàm lượng lớp chất PL trong các tháng mùa hè từ T4 đến T8 thấp hơn từ T9 đến T2,  tăng cao đột biến từ T11 sang T12 và sụt giảm giữa T4 và T5, T12 và T1. Hàm lượng ST cao hơn trong T10 – T3 và thấp hơn trong T4 đến T9, tuy sự khác biệt không quá đáng kể. Các lớp chất còn lại W, MADAG, TAG có xu thế tăng vào các tháng mùa hè và giảm vào các tháng còn lại. Sự tăng giảm của thành  phần các lớp chất lipid trong 12 tháng được nghiên cứu liên quan mật thiết tới sự có mặt của vi tảo cộng sinh zooxanthellae trong mẫu, chịu ảnh hưởng trực tiếp của điều kiện môi trường và quá trình trưởng thành và sinh sản của loài san hô này.
    + Trong lipid phân cực, các lớp chất phospholipid bao gồm các phân lớp PE, PC chiếm thành phần chính, PI, PS, CAEP và LPC chiếm hàm lượng nhỏ. Hàm lượng các phân lớp phospholipid trong tổng phospholipid khá ổn định trong 12 tháng được nghiên cứu - phù hợp với những nhận định về tính bền vững của màng phospholipid trong quá trình hình thành, sinh sản, phát triển của san hô
    + Thành phần axit béo của mẫu san hô S. flexibilis bao gồm 33 axit béo đã được nhận dạng, chủ yếu là các axit béo n-3, n-6. Trong các tháng mùa hè T3/4 – T8/9 ghi nhận sự gia tăng của các axit béo no, trong đó axit béo chính là 16:0, 18:0; từ T9/10 đến T3/4 là sự chiếm ưu thế của các axit béo không no đa nối đôi trong đó axit béo chính là 20:4n-6, các axit béo đánh dấu của san hô mềm 24:5n-6 và 24:6n-3, các axit béo đánh dấu của vi tảo cộng sinh 18:4n-3, 20:5n-3, 20:6n-3. Sự thay đổi này phù hợp với sự tăng cao của nhiệt độ môi trường trong các tháng mùa hè dẫn tới sự suy giảm của zooxanthellae trong san hô, kéo theo sự giảm thành phần lipid chính của vi tảo cộng sinh.
    + Nhận dạng được 50 dạng phân tử trong đó có: 15 dạng phân tử PE; 13 dạng phân tử PC; 3 dạng phân tử CAEP; 7 dạng phân tử PS và 8 dạng phân tử PI. Các dạng phân tử chiếm hàm lượng chính trong mỗi phân lớp ở loài san hô này là PE 18:1e/20:4, PC 18:0e/20:4, CAEP 18:2b/16:0, PS 18:0e/25:4, PI 18:0/24:5. Các dạng phân tử PC 16:0e/16:2; PC 16:0e/18:4; PC 18:0e/18:4; PC 18:0e/18:3 là minh chứng cho sự vận chuyển axit béo từ vi sinh vật cộng sinh sang san hô vật chủ ở loài san hô S. flexibilis
- Đã thực hiện thêm nội dung khảo sát hoạt tính sinh học của các dịch chiết lipid tổng của các mẫu san hô trong các tháng, và phân tích hàm lượng chlorophyll A của mẫu san hô được nghiên cứu theo các tháng trong năm
- Đã thực hiện khảo sát HTSH của 12 mẫu lipid tổng san hô mềm Sinularia flexibilis với dòng tế bào ung thư gan Hep-G2, kết quả cho thấy toàn bộ 12 mẫu được lựa chọn đều biểu hiện hoạt tính, với giá trị IC50 dao động từ 47,68 đến 97,51 µg/mL
- Hàm lượng chlorophyll có sự tỉ lệ thuận với hàm lượng lipid tổng trong 12 tháng được nghiên cứu, từ T6 đến T11 thấp hơn các tháng còn lại.
- Các kết quả công bố, đào tạo: Đã công bố 01 bài báo trên tạp chí quốc tế và 01 bài báo trên tạp chí trong nước; Đào tạo 01 Thạc sỹ đã bảo vệ.

Sản phẩm cụ thể giao nộp:

•    Các bài báo đã công bố (liệt kê):
+ Đặng Thị Phương Ly, Phạm Minh Quân, Nguyễn Thị Nga, Trịnh Thị Thu Hương, Andrey Imbs Borisovich (2021). Nghiên cứu thành phần dạng phân tử lớp chất phosphatidylethanolamine của lipid mẫu san hô mềm Sinularia flexibilis theo các thời điểm khác nhau trong năm. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Biển, Tập 21, Số 2; 2021: 1–8. DOI: https://doi.org/10.15625/1859-3097/16243
+ Andrey B. Imbs, Ly T.P. Dang (2021). Seasonal dynamics of fatty acid biomarkers in the soft coral Sinularia flexibilis, a common species of Indo-Pacific coral reefs. Biochemical Systematics and Ecology 96 (2021) 104246. https://doi.org/10.1016/j.bse.2021.104246

Những đóng góp mới

Đã thu được kết quả về thành phần lipid của mẫu san hô mềm Sinularia flexibilis (Nha Trang, Khánh Hòa, Việt Nam) trong 12 tháng, bao gồm các số liệu về: hàm lượng lipid tổng, hàm lượng chlorophyll trong mẫu, thành phần hàm lượng các axit béo, thành phần hàm lượng các lớp chất lipid, thành phần hàm lượng các phân lớp phospholipid, khảo sát HTSH của lipid tổng. Chỉ ra được các lipid chính, lipid đánh dấu đối với loài san hô này và đánh giá sự biến động của chúng trong 12 tháng trong năm.

Ảnh nổi bật đề tài
1644566217920-194. đặng thị phương ly.jpg