Thông tin Đề tài

Tên đề tài Nghiên cứu chuyển động hiện đại và mối liên quan với hoạt động động đất tại khu vực Tây Bắc Việt Nam trên cơ sở sử dụng tổ hợp số liệu GPS và địa chấn Mã số: VAST.ĐLT 10/15-16
Cơ quan chủ trì (Cơ quan thực hiện) Viện Vật lý địa cầu
Thuộc Danh mục đề tài Đề tài Độc lập trẻ cấp Viện
Họ và tên Nguyễn Ánh Dương
Thời gian thực hiện 01/01/2015 - 01/01/2017
Tổng kinh phí 400 triệu đồng
Xếp loại Khá
Mục tiêu đề tài

Làm sáng tỏ trường tích luỹ biến dạng và mối liên quan với hoạt động động đất khu vực Tây Bắc Việt Nam

Kết quả chính của đề tài

1) Về khoa học:
Trong việc xem xét ảnh hưởng của động đất đến dịch chuyển kiến tạo, kết quả đề tài đã cho thấy động đất Sumatra năm 2004 làm cho khu vực Tây Bắc Việt Nam dịch chuyển về phía tây nam cỡ 15 mm, trong khi khu vực miền Nam Việt Nam cỡ 56 mm do khoảng cách gần nguồn động đất. Trong khi đó, trận động đất Tohoku năm 2011 tạo nên dịch chuyển ở các khu vực này theo hướng ngược lại, xấp xỉ 0,9 mm về phía Đông và 0,4 mm về phía Bắc. Các dịch chuyển gây ra do hai trận động đất này đã làm sai khác vận tốc dịch chuyển kiến tạo khu vực Tây Bắc cỡ 1 mm/năm đối với động đất Sumatra và cỡ 0,2 mm/năm đối với động đất Tohoku theo hướng Đông và Bắc. Sau khi loại bỏ ảnh hưởng của các trận động đất này, khu vực Tây Bắc Việt Nam đang dịch chuyển về phía Đông Đông Nam (N107◦ ± 1,3◦E) với tốc độ trung bình cỡ 34,4 ± 0,8 mm/năm trong hệ quy chiếu ITRF2008.
Trường ứng suất kiến tạo khu vực được đánh giá từ cơ cấu chấn tiêu của một số trận động đất, thế nằm trung bình của trục ứng suất nén ép 1 khu vực Tây Bắc Việt Nam tính toán được có hướng 170,26,7o và góc cắm 7,44,0o. Kết quả nghiên cứu mối liên quan giữa tiềm năng dịch trượt của đứt gãy với hoạt động động đất dưới tác động của trường ứng suất kiến tạo khu vực cho thấy đứt gãy có tiềm năng dịch trượt cao thì đứt gãy đó có nguy cơ phát sinh các trận động đất mạnh và hoạt động động đất diễn ra tích cực. Khu vực có tiềm năng dịch trượt của các đứt gãy cao nhất là ở khu vực Tuần Giáo và Tủa Chùa.
Từ các phân tích trường tốc độ biến dạng, kết quả đề tài cho thấy các cơ cấu chấn tiêu động đất phù hợp với tốc độ biến dạng và các trục tốc độ biến dạng có thể sử dụng để thảo luận về kiến tạo cũng như động đất ở Tây Bắc Việt Nam. Khu vực Tây Bắc nằm trong bối cảnh kiến tạo tách giãn với tốc độ biến dạng ngang cực đại trung bình cỡ 3,6 × 10-8 mỗi năm, đây là tốc độ biến dạng trung bình trong khu vực Đông Nam Á. Trục nén ép chính theo hướng Bắc Tây Bắc - Nam Đông Nam (N352,7° ± 3,8 oE) phù hợp tốt với các nghiên cứu địa chất cũng như kết quả tính toán trục ứng suất nén ép chính cực đại (1). Kiến tạo kiểu nén ép là bằng chứng cho thấy phần tây nam của khu vực Tây Bắc có hoạt động địa chấn cao nhất. Trong khi đó, kiến tạo kiểu tách giãn mạnh tồn tại ở khu vực phía tây nam Mộc Châu; khu vực phía đông Yên Bái với mức độ hoạt động động đất thấp. Tách giãn mạnh nhất xuất hiện ở khu vực trung tâm đới đứt gãy Sông Hồng - Sông Chảy, nơi mà đới đứt gãy được đánh giá là trượt bằng phải có hợp phần thuận chủ yếu.
Kết quả nghiên cứu từ số liệu động đất và GPS cho thấy tốc độ dịch trượt và bề dày tầng sinh chấn của các đới đứt gãy như sau: đứt gãy Lai Châu - Điện Biên đang trượt bằng trái cỡ 2,5mm/năm và bề dày tầng sinh chấn cỡ 15 km; đứt gãy Sơn La và đứt gãy Sông Đà (đoạn trung tâm) đang trượt bằng phải cỡ 1mm/năm và bề dày tầng sinh chấn lớn nhất cỡ 10km.
2) Về ứng dụng: Đề tài đã ứng dựng số liệu đo GPS năm 2015 và 2016 để triển khai các nghiên cứu biến dạng. 

Những đóng góp mới

- Bổ sung chuỗi số liệu đo GPS năm 2015 và 2016 của một số điểm đo GPS khu vực Tây Bắc Việt Nam.
- Góp phần làm sáng tỏ trường tích luỹ biến dạng và mối liên quan với hoạt động động đất khu vực Tây Bắc Việt Nam.
- Cung cấp một cái nhìn rõ hơn về kiến tạo khu vực hoạt động động đất mạnh nhất Việt Nam trong bức tranh kiến tạo lớn khu vực Đông Nam Á.
- Góp phần đánh giá hoạt động động đất cho khu vực Tây Bắc Việt Nam.
- Góp phần nâng cao khả năng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ GPS trong nghiên cứu động đất ở Việt Nam.

Sản phẩm đề tài

1. Các bài báo đã công bố (liệt kê):
 - Cao Đình Trọng, Nguyễn Ánh Dương, Thái Anh Tuấn, Cao Đình Triều, 2016. Đặc điểm hoạt động động đất kích thích khu vực bậc thang thuỷ điện Sông Đà. Tạp chí Địa chất, loạt A, số 361-362, 80-92.
 - Bui Van Duan and Nguyen Anh Duong, 2017. The relation between fault movement potential and seismic activity of major faults in Northwestern Vietnam. Vietnam Journal of Earth Sciences, Vol. 39, 3, 240-255, ISSN: 0866 - 7187, doi: 10.15625/0866-7187/39/3/10269.
 - Nguyen Anh Duong, Vu Minh Tuan, Bui Van Duan, Vi Van Vung, Nguyen Thuy Linh, 2017. Estimation of far-field coseismic deformation caused by the recent giant earthquakes. VNU Journal of Science: Mathematics - Physics, Vol. 33, No. 2, 34-41, ISSN: 2588-1124, doi: 10.25073/2588-1124/vnumap.4201.
2. Các sản phẩm cụ thể:
- Bản đồ phân bố trục biến dạng chính khu vực Tây Bắc Việt Nam (thể hiện ở tỷ lệ 1:250.000).
- Bản đồ tốc độ biến dạng ngang cực đại khu vực Tây Bắc Việt Nam (thể hiện ở tỷ lệ 1:250.000).
- Bản đồ tốc độ giãn nở cực đại khu vực Tây Bắc Việt Nam (thể hiện ở tỷ lệ 1:250.000).
3. Các sản phẩm khác: Đề tài đã hỗ trợ số liệu để 02 thành viên đề tài bảo vệ thành công luận văn Thạc sỹ.