Thông tin Đề tài

Tên đề tài Nghiên cứu phân bố và điều kiện sinh thái cho tồn tại và phát triển của loài Chuột đá trường sơn (Laonestes aenigmamus) tại Minh Hóa, Quảng Bình và đề xuất biện pháp bảo tồn. Mã số đề tài: VAST04.01/14-15
Cơ quan chủ trì (Cơ quan thực hiện) Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật
Thuộc Danh mục đề tài Hướng Đa dạng sinh học và các hợp chất có hoạt tính sinh học (VAST04)
Họ và tên PGS. TS. Nguyễn Xuân Đặng
Thời gian thực hiện 01/01/2014 - 01/01/2016
Tổng kinh phí 500.000.000 đồng
Xếp loại Khá
Mục tiêu đề tài

-    Xác định phân bố của loài Chuột đá trường sơn (Laonestes aenigmamus) tại khu vực rừng núi đá vôi thuộc huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.
-    Xác định các điều kiện sinh thái cho sự tồn tại và phát triển của chúng; đề xuất biện pháp bảo tồn loài này tại khu vực nghiên cứu.

Kết quả chính của đề tài

-    Về khoa học:
    1) Xác định được vùng phân bố của CĐTS rộng khoảng 10.000 ha, thuộc địa phận các xã Thượng Hóa, Hóa Sơn, Trung Hóa và Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Hầu hết diện tích của vùng phân bố này đều thuộc vùng đệm của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.
    2) Xác định được sự khác nhau có ý nghĩa thống kê giữa nhiều chỉ tiêu hình thái cơ thể, hình thái sọ và trình tự ADN của các quần thể CĐTS ở Phong Nha - Kẻ Bảng và ở Khăm Muộn, Lào. Quần thể CĐTS tại Phong Nha - Kẻ Bàng có thể là loài khác so với quần thể CĐTS ở Khăm Muộn, Lào.
    3)  Xác định được đặc điểm nơi trú ẩn của CĐTS là các hang đá tự nhiên trên các sườn núi đá vôi dốc dưới tán rừng tự nhiên với tầng thảm tươi tương đối rậm rạp, ở độ cao 250-500 m svmb. CĐTS hoạt động ban đêm trên mặt đất, luồn lách giữa các tảng đá để trốn tránh kẻ thù, sinh sản ở các tháng khác nhau trong năm và mỗi lứa chuột cái chỉ có 1-2 con.
    4) Xác định được CĐTS sống và hoạt động ở 2 sinh cảnh rừng nguyên sinh hoặc ít bị tác động là: Rừng kín thường xanh cây lá rộng trên núi đá caxtơ thấp (độ cao bình độ 300-700 m svmb) và Rừng kín thường xanh cây lá rộng đất thấp trong các thung lũng núi đá vôi (độ cao bình độ 250 - 450 m svm), trong đó, chủ yếu ở kiểu sinh cảnh thứ nhất. Mô tả một số chỉ tiêu định lượng về yêu cầu sinh cảnh phù hợp cho CĐTD. CĐTS là loài ăn thực vật. Thức ăn chủ yếu là lá, quả, hạt, rễ và củ của nhiều loài thực vật (đã thống kê được 29 loài). Ngoài ra, chúng cũng ăn một số loài côn trùng.
    5) Xác định được tác động đe dọa mạnh nhất đến quần thể CĐTS trong vùng là "Hoạt động bẫy bắt động vật hoang dã" và  "Phá rừng làm nương rẫy trong các thung lũng sát chân núi đá vôi". Nguyên nhân chính gây nên các tác động xấu đến tài nguyên rừng và quần thể CĐTS là sự nghèo đói và lạc hậu của các dân tộc địa phương (Rục, Sách, Khùa,...) và sự tác động của thị trường buôn bán động vật hoang dã trong vùng.
-    Về ứng dụng:
    Đề tài đã đề xuất 6 nhóm giải pháp bảo tồn lớn là: 1) Thành lập "Khu bảo tồn loài và sinh cảnh CĐTS" tại vùng cư trú đã xác định của CĐTS, 2) Xem xét đưa CĐTS vào Sách Đỏ Việt Nam và các văn bản pháp lý về bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam, 3) Đầu tư phát triển kinh tế nâng cao đời sống cho người dân các thôn bản trong và gần khu phân bố hiện nay của CĐTS, 4) Xây dựng và thực hiện các chương trình gây nuôi bảo tồn bán hoang dã CĐTS, 5) Điều giám sát hiện trạng quần thể CĐTS trong khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng, 6) VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cần thực hiện các giải pháp bảo tồn cấp thiết trước mắt (tuyền truyền nâng cao nhận thức, tăng cường tuần tra bảo vệ rừng,..).

nxdang1

nxdang2

 

Những đóng góp mới

Đề tài là công trình nghiên cứu đầu tiên có tính hệ thống và toàn diện về đặc điểm sinh học, sinh thái của một loài thú quý, hiếm mới được phát hiện ở Lào năm 2005 và ở Việt Nam năm 2012. Đề tài đã cung cấp bộ tư liệu khoa học đầy đủ nhất và cập nhật nhất về quần thể CĐTS ở Phong Nha - Kẻ Bàng. Xác định được vùng phân bố và các yêu cầu sinh thái quan trọng nhất cho sự tồn tại và phát triển của quần thể Chuột đá trường sơn ở Phong Nha - Kẻ Bàng và đề ra được các giải pháp cụ thể cho bảo tồn và phát triển loài thú quý, hiếm này.

Sản phẩm đề tài

1) Dang Xuan Nguyen , Nghia Xuan Nguyen , Duy Dinh Nguyen , Tri Huy Dinh , Dinh Thuc Le , Duong Hai Dinh (2014). Distribution and habitat of the Laotian
Rock Rat Laonastes aenigmamus Jenkins, Kilpatrick, Robinson & Timmins, 2005 (Rodentia: Diatomyidae) in Vietnam. Biodiversity Data Journal 2: e4188. doi: 10.3897/BDJ.2.e4188
2) Nguyễn Xuân Đặng, Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Đình Duy (2015). Đặc điểm sinh cảnh và thành phần thức ăn của Chuột đá trường sơn (Laonastes aenigmamnus) tại huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Tuyển tập "Báo cáo khoa học về Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ 6, Hà Nội 21/10/2015, Nxb. Nông nghiệp,  tr.1335-1341:
-    Các bằng sáng chế, giải pháp hữu ích (liệt kê): Không
-    Các sản phẩm cụ thể (mô tả sản phẩm, nơi lưu giữ):
1) Bản đồ phân bố của CĐTS (Laonastes aenigmanus) tại khu vực rừng núi đá vôi huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình,tỷ lệ 1/100.000 trên nền bản đồ địa hình và bản đồ hiện trạng rừng. Bản in và bản mền trong CD. Lưu giữ tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật.
2) Bộ mẫu tiêu bản Chuột đá trường sơn (1 đực + 2 cái) lưu giữ tại Phòng Bảo tàng động vật, Viện sinh thái và Tài nguyên Sinh vật

Địa chỉ ứng dụng

VQG Phong Nha - Kẻ Bàng và vùng đệm thuộc huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình
* Kiến nghị của chủ nhiệm đề tài:
Tiếp tục nghiên cứu làm rõ vị trí phân loại của quần thể Chuột đá trường sơn tại Phong Nha - Kẻ Bàng, có thể là loài mới cho khoa học.