Thông tin Đề tài

Tên đề tài Vai trò của một số định chế xã hội phi chính thức đối với phát triển bền vững Tây Nguyên. Mã số: TN3/X21.
Thuộc Danh mục đề tài Nhiệm vụ thuộc Chương trình Tây nguyên 3
Họ và tên PGS.TS Nguyễn Mạnh Hung
Thời gian thực hiện 01/01/2014 - 01/01/2015
Tổng kinh phí 3.030.000.000 đồng.
Xếp loại Xuất sắc
Mục tiêu đề tài

Mục tiêu chính yếu của đề tài này là phát hiện ra những đặc điểm của một số định chế xã hội phi chính thức ở vùng Tây Nguyên nhằm nhận diện các vai trò xã hội, các chức năng xã hội, cũng như các tác động xã hội của những định chế này đối với quá trình phát triển của vùng Tây Nguyên theo hướng bền vững.

Kết quả chính của đề tài

- Về khoa học: Nội dung đề tài này về thực chất chính là nằm trong bối cảnh nghiên cứu về sự biến đổi xã hội (social change) dựa trên hai quan điểm lý thuyết, đó là quan điểm hậu cấu trúc luận về ý nghĩa của các định chế phi chính thức, và quan điểm “hiệp lực” về vai trò của các định chế phi chính thức trong tiến trình phát triển bền vững. Quá trình biến đổi xã hội của các cộng đồng tộc người tại chỗ ở Tây Nguyên trong thế kỷ XX và đặc biệt kể từ năm 1986 đến nay có thể được gói gọn trong hai tiến trình căn bản sau đây : (a) tiến trình chuyển từ cộng đồng cổ truyền tự trị phi nhà nước sang cộng đồng thành viên của một xã hội tổng thể có nhà nước; và (b) tiến trình chuyển từ loại hình xã hội cổ truyền dựa trên quan hệ trao đổi và tương trợ cộng đồng sang loại hình xã hội hiện đại dựa trên quan hệ mang tính khế ước. Tiến trình thứ nhất có liên quan tới chiều kích cấu trúc quyền lực chính trị của buôn làng; còn tiến trình thứ hai thì liên quan tới tính chất của các mối quan hệ xã hội, biểu hiện thông qua các sinh hoạt kinh tế-xã hội trong nội bộ buôn làng và với bên ngoài buôn làng.
- Về ứng dụng: Trên cơ sở nhận diện sự tác động của các yếu tố từ bên ngoài cộng đồng là chính và dự báo xu hướng biến đổi các định chế phi chính thức cổ truyền từ nay đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đề tài này (a) đề xuất một số quan điểm định hướng về thực hiện chính sách dân tộc, quản lý phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa trong vùng các cộng đồng tộc người tại chỗ hướng tới phát triển bền vững Tây Nguyên; và (b) kiến nghị những hướng giải pháp quản lý xã hội tổng thể trong việc tổ chức lại không gian lãnh thổ của buôn làng, quản lý sử dụng đất rừng và nguồn nước, thực hiện giảm nghèo đa chiều và bền vững, tăng cường năng lực quản lý của hệ thống chính trị và phát huy vai trò của một số định chế phi chính thức cổ truyền như luật tục, già làng, ngươi có vị thế và uy tín trong cộng đồng trong quản lý xã hội tự quản của buôn làng, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và an ninh quốc phòng ở Tây Nguyên.

Những đóng góp mới

Đề tài đã tập trung vào việc tìm hiều, phân tích làm rõ sự biến đổi các định chế phi chính thức cổ truyền của buôn làng các tộc người tại chỗ dưới các chiều kích về chính trị, kinh tế, hôn nhân và gia đình, tín ngưỡng và tôn giáo, giáo dục, y tế, văn hóa-xã hội và bảo vệ môi trường trong mối quan hệ tương tác với các định chế chính thức và phi chính thức trong xã hội tổng thể ở Tây Nguyên ngày nay.

Sản phẩm đề tài

- Các bài báo đã công bố (liệt kê)
Quan hệ dòng họ của cộng đồng người Jrai – từ cách tiếp cận chức năng, Tạp chí Văn hóa & nguồn lực, 2015, Số 4 (2015) 36-46.
Tiền tệ hóa và những biến đổi trong đời sống kinh tế - xã hội của người Ba Na (nhóm địa phương Rơ ngao) - nghiên cứu trường hợp thôn 4, làng Đăk Tiêng Kơ tu, xã Đăk La, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, Tạp chí Khoa học xã hội TPHCM - Viện KHXH vùng Nam Bộ, 2015, Số 8 (204) 84-91.
Định chế xã hội phi chính thức: Những vấn đề lý thuyết và thực tiễn xã hội ở Tây Nguyên, Tạp chí Khoa học xã hội TPHCM- Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ, 2016, Số 2 (210) 12-24.
Biến đổi xã hội của buôn làng Tây Nguyên: Hai chiều kích then chốt, Tạp chí Khoa học Xã hội TPHCM - Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, 2016, Số 2 (210) 25-42.
Phẩm chất của người GiaRai và trường văn hóa tộc người (Nghiên cứu trường hợp làng Greo Pết, xã Dun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai), Tạp chí Khoa học Xã hội TPHCM - Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, 2016, Số 2 (210) 43-54.
Sách chuyên khảo: Buôn làng Tây Nguyên ngày nay – khảo sát các định chế phi chính thức cổ truyền, NXB Đại học Quốc gia TP.HCM
- Các bằng sáng chế, giải pháp hữu ích (liệt kê)
- Các sản phẩm cụ thể (mô tả sản phẩm, nơi lưu giữ)

Địa chỉ ứng dụng

Cục thông tin Khoa học và công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ; Trung tâm Thông tin – Tư liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam; Trung tâm Tin học – Tính toán, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam
* Kiến nghị của chủ nhiệm đề tài: Đề tài đã hoàn thành đầy đủ các sản phẩm đăng ký theo Hợp đồng và đã hoàn thiện hồ sơ đánh giá cấp Nhà nước. Căn cứ trên những phát hiện và nhận định của đề tài, nhóm đề tài đã nêu lên kiến nghị liên quan đến lãnh vực quản lý xã hội tổng thể, và liên quan đến việc phát huy vai trò của các định chế xã hội phi chính thức cổ truyền trong sự phát triển bền vững vùng Tây nguyên.