Thông tin Đề tài

Tên đề tài Vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong phát triển bền vững Tây Nguyên
Thuộc Danh mục đề tài Nhiệm vụ thuộc Chương trình Tây nguyên 3
Họ và tên PGS. TSKH. Bùi Quang Dũng
Thời gian thực hiện 01/01/2012 - 01/01/2014
Tổng kinh phí 2.240.000đ
Xếp loại Khá
Mục tiêu đề tài
  • Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, đặt trong bối cảnh trong nước và quốc tế, đề tài sẽ làm rõ những cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân ở Tây Nguyên.
  • Phân tích, đánh giá tình hình nông nghiệp, nông dân và nông thôn khu vực Tây Nguyên từ 1986 đến nay, đúc rút các bài học kinh nghiệm từ tình hình này.
  • Tìm hiểu và luận giải nguyên nhân tình trạng phát triển kém bền vững của khu vực nông thôn, nông nghiệp và nông dân ở Tây nguyên.
  • Đề xuất quan điểm, định hướng và hệ giải pháp phát triển bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng nông thôn mới ở Tây Nguyên giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030.
Kết quả chính của đề tài

Về khoa học: đề tài đã chỉ ra một số kết quả nghiên cứu như sau:

Về một số vấn đề nông nghiệp Tây Nguyên

  • Loại hình kinh tế hộ gia đình- kinh tế tiểu nông vẫn tồn tại phổ biến và chiếm giữ phần lớn lực lượng lao động ở khu vực nông thôn Tây Nguyên
  • Mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã với cách thức hoạt động như hiện nay chưa thực sự thu hút nhiều người dân tham gia
  • Các công ty nông lâm nghiệp sau khi tổ chức, sắp xếp lại vẫn chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi, do vậy cần phải có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo động lực để thúc đẩy mô hình này phát triển
  • Mô hình kinh tế trang trại đáp ứng tốt hơn yêu cầu của quá trình phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế
  • Cần phải hiểu và đánh giá đúng vai trò quan trọng của mỗi loại hình kinh tế trong phát triển nông nghiệp ở đây để có thể đưa ra những chính sách phù hợp và các giải pháp đúng đắn, nhằm phát huy ưu thế và nội lực của mỗi chủ thể, tạo động lực phát triển đối với nông nghiệp Tây Nguyên theo hướng kinh tế hàng hóa.

Về vấn đề nông dân Tây Nguyên

  • Người nông dân Tây Nguyên đã và đang phân hóa thành những nhóm với những năng lực, nhu cầu hết sức khác nhau
  • Người nông dân thuần phác trong nông thôn Tây Nguyên hiện nay là người nông dân của kinh tế tiểu nông hay của hộ thuần nông với kinh tế tiểu nông
  • Những người nông dân Kinh là người chủ động nhất trong việc chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp. Trong sản xuất nông nghiệp, các hộ người Kinh cho thấy những tiềm năng thoát khỏi kinh tế tiểu nông. Họ cũng đã nhanh chóng nắm giữ các hoạt động trao đổi, thương mại, buôn bán với các dân tộc thiểu số còn lại ở Tây Nguyên
  • Động thái ứng xử của cư dân nông thôn Tây Nguyên từ phương diện an sinh cho thấy họ đang ngày càng phù hợp hơn với một cấu trúc xã hội đã chuyển mình

Về vấn đề xã hội nông thôn Tây Nguyên

  • Phân tích về không gian chính trị ở Tây Nguyên cho thấy có năm nhân tố quản trị quan trọng, đó là: chính quyền cấp xã, cán bộ thôn buôn; cán bộ các đoàn thể chính trị xã hội; già làng, các nhân vật có uy tín và các chức sắc tôn giáo. Thực chất câu chuyện quản lý xã hội nông thôn của Tây Nguyên phụ thuộc vào việc giải quyết như thế nào mối quan hệ giữa các nhân tố quản trị này. Đồng thời, cũng gợi lên cho chúng ta hình dung về sự đan xen khá cân bằng của các thiết chế quản trị hiện nay ở nông thôn Tây Nguyên. Bên cạnh đó, bước đầu cho thấy vai trò chủ đạo của bộ máy chính quyền địa phương trong việc giải quyết và điều hòa các quan hệ xã hội ở khu vực nông thôn
  • Việc mở rộng các mối quan hệ, sử dụng chúng để tìm kiếm thông tin ở người dân tộc thiểu số còn hạn chế. Họ thiếu các mạng lưới bên ngoài để hỗ trợ, kích thích các nguồn vốn nội sinh. Người nghèo chính là người bị hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin, mở rộng nhận thức, cũng như tìm kiếm các giải pháp/lựa chọn phát triển. Trong bối cảnh các nguồn sinh kế cũ (đất, rừng) đã cạn kiệt, năng lực hội nhập, chuyển đổi hạn chế của các cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa càng đẩy họ lún sâu hơn vào sự nghèo đói.

Về ứng dụng: Đề tài mang ý nghĩa thực tiễn cao, góp phần hoạch định chính sách và nâng cao nhận thức về các vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân Tây Nguyên, từ quan điểm phát triển bền vững.

Những đóng góp mới

Đề tài có đóng góp về mặt lý luận và có ý nghĩa thực tiễn. Đề tài đã góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc trong sự phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân Tây Nguyên, nêu lên được các nhân tố đã định hình các vấn đề tồn tại trong sự phát triển của khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân Tây Nguyên hiện nay. Đề tài đã trình bày được thực trạng nông nghiệp, nông thôn, nông dân và nêu lên các giải pháp để phát triển nền nông nghiệp, xã hội nông thôn và giải quyết vấn đề nông dân ở Tây Nguyên.

Sản phẩm đề tài

Các bài báo đã công bố (liệt kê)

Các yếu tố tác động tới nông nghiệp, nông thôn và nông dân vùng Tây Nguyên nhìn từ góc độ phát triển bền vững. PGS. TS. Nguyễn Danh Sơn. Số 2(14)/2014. Tạp chí Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên

Vấn đề nông nghiêp, nông thôn và nông dân trong phát triển bền vững vùng Tây Nguyên. PGS.TSKH. Bùi Quang Dũng, NCS. Nguyễn Hoài Sơn. Số 7(80)-2014. Tạp chí Khoa học xã hội

Tính bền vững trong sự phát triển Tây Nguyên. PGS.TS. Lê Cao Đoàn. Số 4(7)/2014. Tạp chí Nghiên cứu Địa lý nhân văn

Quy ước thôn buôn, cơ chế hòa giải cơ sở và vấn đề đa dạng luật. TS.Trương Thị Hiền. Số 13 tháng 12/2014. Tạp chí Khoa học trường đại học Tây Nguyên

Nông thôn Tây Nguyên qua trường hợp hai xã Ia Nhin và xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai - Một phân tích định tính về sự chuyển dịch xã hội. Tác giả: TS. Nguyễn Thị Minh Phương, NCS. Nguyễn Như Trang. Số 2(386)/2015. Tạp chí Thông tin KHXH