Thông tin Đề tài

Tên đề tài Vai trò của một số nhóm xã hội của các dân tộc tại chỗ trong phát triển bền vững Tây Nguyên
Thuộc Danh mục đề tài Nhiệm vụ thuộc Chương trình Tây nguyên 3
Họ và tên PGS. Bùi Văn Đạo
Thời gian thực hiện 01/01/2013 - 01/01/2015
Tổng kinh phí 2.150.000.000 đồng (Hai tỷ một trăm năm mươi triệu đồng)
Xếp loại Khá
Mục tiêu đề tài

Điều tra, khảo sát, nghiên cứu, làm sáng tỏ vai trò, vị trí của các nhóm xã hội đặc thù già làng, trí thức và phụ nữ các tộc người thiểu số tại chỗ trong phát triển bền vững Tây Nguyên, rút ra các bài học kinh nghiệm, đề xuất quan điểm, kiến nghị, giải pháp phù hợp, khả thi, làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng chính sách kế thừa, phát huy hiệu quả vai trò của ba nhóm xã hội trong PTBV Tây Nguyên.

Kết quả chính của đề tài

Về khoa học, từ kết quả nghiên cứu, đề tài rút ra 4 kết luận khoa học sau:

  1. Trong quá khứ, xã hội các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên vận hành theo luật tục, được điều hành bởi thiết chế tự quản buôn làng, hợp thành bởi chủ yếu ba nhóm xã hội già làng, trí thức và phụ nữ. Trong Đổi mới, ba nhóm xã hội nói trên tiếp tục phát huy vai trò trong bảo tồn văn hóa, phong tục tập quán truyền thống, đóng vai trò quản lý xã hội phi chính thức trong vận động dân làng phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh chính trị ở các buôn làng.
  2. Trong phát triển bền vững, già làng là đại diện cho thiết chế tự quản buôn làng Tây Nguyên, cũng là trí thức dân gian tiêu biểu của dân tộc. Do chủ trương của các địa phương, già làng đã hỗ trợ hệ thống chính trị trong quản lý xã hội các buôn làng Tây Nguyên, duy trì phong tục tập quán, duy trì tín ngưỡng cộng đồng, hỗ trợ hệ thống chính trị vận động dân làng bảo tồn văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa mới, phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh chính trị. Điều này, cho thấy, già làng là cầu nối giữa luật tục với luật pháp, giữa truyền thống với hiện tại, là nhân tố hỗ trợ hệ thống quản lý xã hội chính thức. Bên cạnh vai trò tích cực, hoạt động của già làng các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập, đặc biệt, còn một bộ phận già làng bị lợi dụng, tin theo tổ chức phản động.
  3. Trong phát triển bền vững, trí thức các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên bao gồm 3 bộ phận: Trí thức dân gian, trí thức tôn giáo và trí thức được đào tạo. Trí thức dân gian tiếp tục phát huy vai trò duy trì truyền thống, hỗ trợ hệ thống chính trị phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh chính trị. Trí thức tôn giáo có vai trò quản lý giáo dân theo tinh thần tôn giáo và hỗ trợ hệ thống chính trị vận động giáo dân sống tốt đời đẹp đạo. Đa số trí thức được đào tạo dưới chế độ cũ tham gia chế độ cũ trở về buôn làng sinh sống. Một số tham gia tổ chức chính trị phản động, hoặc ra nước ngoài sinh sống, tác động tiêu cực đến phát triển bền vững vùng và quốc gia.
  4. Trước năm 1975, ở các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên, vai trò của phụ nữ trong gia đình và phần nào ngoài xã hội, đều được tôn trọng hơn hoặc ít nhất bình đẳng so với nam giới. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên đã kề vai sát cánh cùng nam giới đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập. Trong phát triển bền vững, phụ nữ các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên đã đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng quê hương. Bên cạnh, vai trò tích cực, phụ nữ dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên còn một số hạn chế, bất cập, vất vả và trách nhiệm nhiều hơn quyền lợi, đặc biệt, một bộ phận phụ nữ còn bị thế lực phản động lợi dụng.

Về ứng dụng: Từ kết quả nghiên cứu, đề tài rút ra những bài học kinh nghiệm, quan điểm, kiến nghị và giải pháp phát huy vai trò của ba nhóm xã hội dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên như sau;

  • Về bài học kinh nghiệm: 1. Cần nhìn nhận khách quan sự tồn tại và vai trò của thiết chế quản lý xã hội phi chính thức trong PTVB Tây Nguyên; 2. Kế thừa các bài học phát huy vai trò của thiết chế quản lý xã hội và của già làng trong lịch sử; 3. Nắm được già làng, trí thức và phụ nữ là nắm được lòng dân.
  • Về quan điểm: 1. Quản lý xã hội chính thức của hệ thống chính trị có vai trò quyết định, còn quản lý xã hội phi chính thức của già làng, trí thức và phụ nữ chỉ có vai trò hỗ trợ; 2. Có giải pháp chính sách đặc thù kế thừa và phát huy vai trò của các nhóm xã hội dân tộc thiểu số Tây Nguyên; 3. Các kiến nghị, giải pháp chính sách bảo đảm thống nhất, đồng chiều, hài hòa, hỗ trợ nhau và cùng hướng tới phát triển bền vững.
  • Về kiến nghị: 1. Tiếp tục phát huy vai trò của già làng, trí thức và phụ nữ trong phát triển KT - XH và củng cố an ninh chính trị; 2. Tôn trọng, lắng nghe và đi sâu đi sát già làng, trí thức và phụ nữ; 3. Chú ý phát huy vai trò của ba nhóm xã hội ở các làng theo đạo; 4. Xây dựng tiêu chí thống nhất về già làng; 5. Với bộ phận trí thức đào tạo trong chế độ cũ đang tham gia các tổ chức chính trị, tôn giáo phản động, một mặt kiên quyết trấn áp với phần tử ngoan cố, mặt khác khoan hòa với đối tượng nhất thời lầm lỗi; 6. Coi già làng là nhóm xã hội có uy tín đặc biệt trong những người có uy tín theo Quyết định số 18/2011/QĐ - TTg; 7. Thực hiện bình đẳng tôn giáo trong đào tạo và sử dụng trí thức DTTSTC; 8. Có chính sách sử dụng trí thức DTTSTC chưa có việc làm; 9. Có chính sách tôn vinh và phát huy vai trò của trí thức dân gian; 10. Hội liên hiệp Phụ nữ các cấp cần xuất phát từ đặc điểm gia đình mẫu hệ và song hệ để xây dựng các hình thức sinh hoạt phù hợp cho đoàn thể phụ nữ DTTSTC Tây Nguyên; 11. Tăng cường công tác học tập, bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, kinh tế, xã hội cho phụ nữ DTTSTC Tây Nguyên.
  • Về giải pháp: 1. Đổi mới xây dựng chính sách đối với các nhóm xã hội già làng, trí thức và phụ nữ; 2. Tăng cường tổ chức học tập, nâng cao kiến thức cho già làng; 3. Có chế độ đãi ngộ thỏa đáng hơn cho già làng; 4. Ở các buôn làng có đông người DTTSTC, từng bước thay thế giáo viên cấp học mầm non và tiểu học là người Kinh bằng giáo viên tại chỗ, dạy theo chương trình song ngữ; 5. Nâng cao chất lượng giáo dục các trường phổ thông dân tộc nội trú; 6. Khi triển khai các chính sách với phụ nữ ở Tây Nguyên, cần lồng ghép các điều khoản, nội dung đặc thù ưu tiên và nâng đỡ phụ nữ DTTSTC trên các lĩnh vực; 7. Đẩy mạnh tuyên truyền bình đẳng giới cho phụ nữ và các DTTSTC Tây Nguyên.
Những đóng góp mới
  • Thứ nhất, làm sáng tỏ một số cơ sở lý thuyết và thực tiễn cho nghiên cứu vai trò của các nhóm xã hội đặc thù ở các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói riêng và dân tộc thiểu số nói chung.
  • Thứ hai, làm sáng tỏ thực trạng vai trò tích cực và tiêu cực của ba nhóm xã hội đặc thù già làng, trí thức và phụ nữ các dân tộc thiểu số tại chỗ trong phát triển bền vững vùng Tây Nguyên.
  • Thứ ba, đúc rút một số bài học kinh nghiệm, đề xuất một số quan điểm, kiến nghị và giải pháp nhằm kế thừa, phát huy vai trò của ba nhóm xã hội già làng, trí thức và phụ nữ các dân tộc thiểu số tại chỗ trong phát triển bền vững Tây Nguyên
Sản phẩm đề tài
  • Các bài báo đã công bố
STTTên bàiTác giảTên tạp chí
1Vai trò của già làng các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên và một số vấn đề đặt ra trong phát triển bền vữngBùi Văn ĐạoTạp chí Khoa học Công nghệ Việt Nam, số 24 năm 2013 (667)
2Vai trò của phụ nữ các dân tộc thiểu số tại chỗ trong 25 năm đổi mới và trong phát triển bền vữngBùi Văn ĐạoTạp chí Khoa học xã hội Tây Nguyên, số 1 (13) năm 2014
3Vai trò của các thiết chế xã hội truyền thống và của già làng trong bối cảnh hiện nay ở cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên Đặng Hoàng Giang Tạp chí Khoa học xã hội Tây Nguyên, số 1 (13) năm 2014 
4Công tác xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ trí thức dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên trong thời kỳ đổi mới, thực trạng và vấn đề đặt ra Trương Minh Dục Tạp chí Khoa học xã hội Tây Nguyên, số 3 (15) năm 2014 
5Đào tạo và sử dụng trí thức các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên Bùi Văn Đạo Tạp chí Khoa học xã hội Tây Nguyên, số 3 (15) năm 2014 
6Vai trò của bộ phận trí thức dân tộc thiểu số tại chỗ được đào tạo dưới chế độ cũ trong lịch sử và trong đổi mới Bùi Bích Lan Tạp chí Khoa học xã hội Tây Nguyên, số 4 (16) năm 2014 
  • Báo cáo tổng hợp kết quả đề tài, dung lượng 270 trang
  • Báo cáo tóm tắt kết quả đề tài và kết luận kiến nghị giải pháp của đề tài dung lượng 51 trang
  • Bộ cơ sở dữ liệu về vai trò của già làng, trí thức và phụ nữ của các DTTSTC trong phát triển KT - XH vùng Tây Nguyên thời kỳ đổi mới
  • Bản thảo sách Vai trò của già làng, trí thức và phụ nữ DTTSTC trong PTBV Tây Nguyên, dung lượng 218 trang
  • Hai (02) báo cáo tham luận tại hội nghị Chương trình Tây Nguyên 3 về Vai trò của các nhóm xã hội của các DTTSTC trong PTBV vùng Tây Nguyên, 69 trang.
Khu vực nghiên cứu

Ủy ban Dân tộc, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Trường Đại học Tây Nguyên, UBND các tỉnh Tây Nguyên.