Thông tin Đề tài

Tên đề tài Điều tra đánh giá sự đa dạng về thành phần loài của khu hệ động thực vật tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa và đề xuất các giải pháp để bảo tồn có hiệu quả
Cơ quan chủ trì (Cơ quan thực hiện) Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật
Thuộc Danh mục đề tài Hướng Đa dạng sinh học và các hợp chất có hoạt tính sinh học (VAST04)
Họ và tên ThS. Đặng Huy Phương
Thời gian thực hiện 01/01/2012 - 01/01/2013
Xếp loại Khá
Mục tiêu đề tài

- Xây dựng bộ tư liệu tương đối đầy đủ và có hệ thống về sự đa dạng sinh học của KBTTN Xuân Liên, tập trung vào 6 nhóm chính: Thực vật bậc cao, thú, chim, bò sát, ếch nhái và côn trùng.
- Đề xuất các giải pháp khả thi để bảo tồn có hiệu quả ĐDSH tại KBTTN Xuân Liên.

Kết quả chính của đề tài

Về khoa học: Điều tra được tiến hành từ 2012-2013 trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Điều tra tổng hợp trên 17 tuyến điều tra đã ghi nhận các kết quả sau:

Khu BTTN Xuân Liên có hệ thảm thực vật đa dạng với Thảm thực vật á nhiệt đới núi trung bình (> 700m) và Thảm thực vật nhiệt đới núi thấp (<700m), nhiều kiểu rừng tạo nên hệ thực vật phong phú nguyên sinh cho khu BTTN Xuân Liên.

Hệ thực vật đã ghi nhận 1154 loài 620 chi và 180 họ. Trong đó ngành Mộc lan là đa dạng nhất chiếm 87,3% tổng số loài của khu vực nghiên cứu. Hệ thực vật Xuân Liên có nhiều loài cây có giá trị và cho nhiều công dụng, cây làm thuốc có số loài cao nhất với 296 loài, cây cho gỗ 210 loài, cây ăn được 24 loài, cây làm cảnh 41 loài, thấp nhất là cây cho tinh dầu với 14 loài.

Đã xác định được 45 loài thực vật quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, trong đó có 35 loài trong đó Sách Đỏ Việt Nam 2007, có 10 loài ghi trong danh lục IUCN 2012 và 4 loài ghi trong Nghị Định 32/2006/NĐ-CP..

Hệ động vật đã ghi nhận tổng số 1.631 loài động vật hoang dã thuôc 209 họ, 38 bộ, 4 lớp, trong đó bao gồm 80 loài thú (26 họ, 9 bộ); 192 loài chim (41 họ, 15 bộ); 41 loài bò sát (11 họ, 2 bộ); 36 loài ếch nhái (7 họ, 2 bộ); Côn trùng 1282 loài (124 họ, 10 bộ).

Đã xác định có 64 loài động vật quý hiếm bao gồm: 27 loài thú, 10 loài chim, 15 loài bò sát, 6 ếch nhái, 6 loài côn trùng. Trong đó có 29 loài ở mức đe doạ toàn cầu được ghi trong Danh lục Đỏ IUCN, 2012 (gồm 16 loài thú, 2 loài chim, 7 loài bò sát, 4 loài ếch nhái); 50 loài ở mức đe doạ của Việt Nam được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam, 2007 (gồm 23 loài thú, 5 loài chim, 13 loài bò sát, 3 loài ếch nhái, 6 loài côn trùng) và 44 loài được ghi trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ (gồm 24 loài thú, 9 loài chim, 11 loài bò sát).

Hiện trạng bảo tồn ở KBTTN Xuân Liên: Các mối đe dọa tới đa dạng sinh học tại khu BTTN Xuân Liên, gồm: i/ Những mối đe dọa trực tiếp (Săn bắt động vật hoang dã; khai thác lâm sản; Chăn thả rông gia súc; Xâm lấn rừng lấy đất canh tác; Lửa rừng; Hoạt động quản lý của khu BTTN Xuân Liên); ii/ Những mối đe dọa gián tiếp (Ô nhiễm môi trường; Tăng dân số; Tập quán sống và sinh hoạt; Sự nghèo đói; Hiệu lực thi hành pháp luật về quản lý bảo vệ rừng; …).

Một số giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học: i/ Giải pháp về cơ cấu tổ chức quản lý bảo tồn và nguồn lực; ii/ Giải pháp về mặt chính sách, thể chế, luật pháp liên quan lĩnh vực bảo tồn ĐDSH; iii/ Giải pháp về mặt tài chính, đầu tư cho bảo tồn ĐDSH; iv/ Tăng cường các hoạt động quan trắc ĐDSH; v/Giải pháp tăng cường sự tham gia của cộng đồng bảo tồn và chia sẻ lợi ích từ ĐDSH; vi/ Giải pháp về quy hoạch phát triển; vii/ Giải pháp về khoa học công nghệ, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học.

Những đóng góp mới

- Về Thực vật: Nghiên cứu của chúng tôi đã bổ sung cho danh lục thực vật của khu BTTN Xuân Liên 402 loài, 180 chi và 50 họ thuộc 5 ngành thực vật bậc cao có mạnh. Đã xác định được 3 loài mới cho khu hệ thực vật Việt Nam:
- Loài Lữ đằng đứng Lindernia megaphylla P.C. Tsoong thuộc họ Hoa mõm chó (đã công bố)
- Loài Song quả lá bắc tím Didymocarpus pupureobracteatus Smith thuộc họ Tai voi (sẽ công bố trên TCSH)
- Loài Thuỷ thảo trắng Kailarsenia lineata R.Br thuộc họ Cà phê (sẽ công bố trong thời gian tới)
02 loài mới cho khoa học:
- Loài Aristolochia xuanlienensis thuộc họ Nam mộc hương Aristolochiaceae. Đã gửi bản thảo đến tạp chí Phytotaxa (SCI-E)
- 01 loài đang nghi ngờ loài mới cho khoa học thuộc chi Giác đế - họ Na (đang được gừi nước ngoài để xác định ADN)
- Về Động vật: Nghiên cứu của chúng tôi đã bổ sung cho danh lục động vật khu BTTN Xuân Liên thú 25 loài, 10 họ và 3 bộ; chim 56 loài, 12 họ và 4 bộ; bò sát 14 loài; ếch nhái 17 loài, 2 họ và 1 bộ. Kết quả nghiên cứu đầu tiên về khu hệ côn trùng đã xác định khu BTTN Xuân Liên có 1282 loài thuộc 124 họ, 10 bộ

Sản phẩm đề tài

- Các bài báo đã công bố: 06 bài báo
1. Đặng Huy Phương, Lê Xuân Cảnh, Nguyễn Trường Sơn, Nguyễn Đình Hải, 2013. Các loài thú ghi nhận ở Khu BTTN Xuân Liên, tỉnh Thanh Hoá. Tạp chí Sinh học. Tập 35 (3e) 26-33, ISSN0866-7160.
2. Hà Quý Quỳnh, Phạm Anh Tám, Doãn Thị Trường Nhung, 2013. Tình hình khai thác tài nguyên đa dạng sinh học của cộng đồng dân cư ở Khu BTTN Xuân Liên, Thanh Hoá. Báo cáo khoa học về Sinh thái và Tài nguyên sinh vật. Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ năm. Nxb Nông nghiệp, Hà Nội, 1198-1204. ISBN 978-604-60-0730-2.
3. Hoàng Vũ Trụ, Đặng Đức Khương, 2013. Kết quả nghiên cứu thành phần loài bọ xít (Insecta:Heteroptera) ở Khu BTTN Xuân Liên, tỉnh Thanh Hoá. Báo cáo khoa học về Sinh thái và Tài nguyên sinh vật. Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ năm. Nxb Nông nghiệp, Hà Nội, 786-793. ISBN 978-604-60-0730-2.
4. Đặng Quốc Vũ, Trần Minh Hợi, Đỗ Thị Xuyến, 2012. Nghiên cứu tài nguyên rau rừng tại Khu BTTN Xuân Liên, tỉnh Thanh Hoá. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số 201, 97-100. ISSN1859-4581.
5. Đặng Quốc Vũ, Vũ Xuân Phương, Đỗ Thị Xuyến, 2013. Ghi nhận loài mới thuộc họ Scrophulariaceae cho hệ thực vật Việt Nam từ Khu BTTN Xuân Liên, tỉnh Thanh Hoá. Báo cáo khoa học về Sinh thái và Tài nguyên sinh vật. Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ năm. Nxb Nông nghiệp, Hà Nội, 339-342. ISBN 978-604-60-0730-2.
6. Đặng Quốc Vũ, 2013. Hiện trạng các loài cây bị đe doạ tại xã Vạn Xuân và Xuân Cẩm, Khu BTTN Xuân Liên, tỉnh Thanh Hoá. Báo cáo khoa học về Sinh thái và Tài nguyên sinh vật. Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ năm. Nxb Nông nghiệp, Hà Nội, 898-902. ISBN 978-604-60-0730-2.
- Các sản phẩm cụ thể: Báo cáo khoa học của đề tài Bản in có hình ảnh minh hoạ, dày 287 trang; 07 Chuyên đề, bản in; 300 mẫu vật động thực vật bảo quản ở Viện STTNSV; 06 bài báo: 04 bài ở Hội nghị khoa học toàn quốc và 02 bài ở Tạp chí trong nước; Hỗ trợ kinh phí cho 02 học viên cao học đã bảo vệ thành công luận văn Thạc sỹ năm 2012.

Một số hình ảnh của đề tài

65.danghuyphuong

65.danghuyphuong1

65.danghuyphuong2

Địa chỉ ứng dụng

Đề nghị chuyển giao cho các cơ quan hữu quan như các Sở khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm và Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên  tỉnh Thanh Hoá để tham khảo