Thông tin Đề tài

Tên đề tài Áp dụng qui trình phân hủy rơm rạ và 1 số phụ phẩm nông nghiệp bằng các chủng vi sinh vật hữu hiệu của Hungary và Việt Nam, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tận thu phụ phẩm nông nghiệp
Cơ quan chủ trì (Cơ quan thực hiện) Viện Hoá học các hợp chất thiên nhiên
Thuộc Danh mục đề tài Đề tài độc lập cấp Viện Hàn lâm KHCNVN
Họ và tên PGS. TS. Lê Mai Hương
Thời gian thực hiện 01/01/2012 - 01/01/2013
Tổng kinh phí 500 triệu đồng
Xếp loại Xuất sắc
Mục tiêu đề tài

Nghiên cứu ứng dụng kinh nghiệm xử lý, sản xuất sản phẩm tận thu và nâng cấp nguồn nguyên liệu phế thải nông nghiệp bằng công nghệ vi sinh vật của đối tác Hungary vào nông thôn Việt Nam

Kết quả chính của đề tài

a, Về khoa học:
Sau 24 tháng thực hiện đề tài chúng tôi đã đạt được các kết quả sau:
1. Đã phân lập và định tên 7 chủng vi sinh vật gồm 2 chủng vi khuẩn (Bacillus tequilensis, Bacillus subtilis), 2 chủng xạ khuẩn (Streptomyces padanus (HH1) và Streptomyces myxogenes (HT21) và 3 chủng nấm (Trichoderma konilangbra, Penicillium vermiculatum, Talaromyces flavus) có hoạt tính sinh enzym ngoại bào cao để phân hủy tốt nguồn cellulose tự nhiên (đặc biệt từ nguồn rơm, rạ). Từ các chủng này đã tạo được chế phẩm vi sinh (SH4) có chứa 7 chủng vi sinh trên và chế phẩm phối hợp với sản phẩm của Hungary (SH4 + Hungary) để xử lý phế thải nông nghiệp.
2. Kết quả thử nghiệm trong phòng thí nghiệm đã cho thấy việc sử dụng chế phẩm hỗn hợp của phòng sinh học thực nghiệm và chế phẩm của Hungary (tỷ lệ 1:1) cho thấy hiệu quả tốt hơn so với đối chứng.
3. Việc phối trộn nguyên liệu (than bùn, vỏ trấu…) và kết hợp với việc bổ xung chế phẩm vi sinh SH4 đã giúp quá trình ủ compost rơm rạ hiệu quả hơn, giảm tạo ra ô nhiễm thứ cấp (nước rỉ rác và mùi hôi bốc lên từ đống ủ).
4. Sau khi xử lý chế phẩm 4 tuần thì công thức có bổ sung chế phẩm (SH4 + chế phẩm của Hungary) có hàm lượng cacbon hữu cơ, N/K, P2O5 dễ tan trong đất tăng cao hơn so với các công thức đối chứng và công thức SH4.
5. Kết quả thử nghiệm ảnh hưởng của các loại chế phẩm vi sinh dùng xử lý rơm rạ đến các chỉ tiêu về sinh trưởng và năng suất trên cây khoai tây vụ đông tại huyện Kim Động –tỉnh Hưng Yên cho thấy: Tại ông thức có bổ sung chế phẩm SH4 + chế phẩm của Hungary làm tăng chiều dài thân chính và giá trị SPAD (chỉ số tương quan với hàm lượng diệp lục trong lá) của cây. Đồng thời làm tăng khối lượng chất khô, khối lượng củ và năng suất thực thu ở giai đoạn 70 ngày sau trồng.
6. Đã thử nghiệm phương pháp thâm canh mới: Cày ruộng thật sâu và kĩ ngay sau khi gặt lúa và xử lý rơm rạ ngay trên đồng sau gặt sử dụng chế phẩm SH4 phối hợp với chế phẩm của Hungary để phân hủy rơm rạ trước khi cấy lúa mùa vụ xuân hè đã làm tăng hàm lượng kali dễ tiêu trong đất, tăng chiều cao cây, tăng số nhánh hữu hiệu/khóm, tăng khối lượng chất khô của lúa ở giai đoạn trỗ bông, chín sáp, tăng số bông lúa/m2 tăng tỷ lệ hạt chắc và khối lượng hạt, tăng năng suất thực tới 10,7%. Đặc biệt không có hiện tượng bị thối rẽ máo với lô không được cày bừa kĩ và xử lý bằng vi sinh.
b, Về ứng dụng: Đề tài đã nghiên cứu ứng dụng phương pháp thâm canh mới của Hungary trên đồng ruộng Việt nam (phương pháp cày sâu vùi đất lên rơm rạ sau khi gặt và xử lý rơm rạ ngay trên ruộng; tăng thêm vụ trồng xen nhằm tận dụng diện tích đất giữa hai vụ): tạo được chế phẩm vi sinh giúp cải tạo đất theo hướng thân thiện môi trường đồng thời giúp nâng cao năng suất cây trồng.

Những đóng góp mới

- Đề tài đưa ra đề xuất phương pháp thâm canh và xử lý rơm rạ ngay trên đồng ruộng là phương án mới khá táo bạo.
- Tạo chế phẩm vi sinh giúp cải tạo đất theo hướng thân thiện môi trường mang lại hiệu quả kinh tế cao đến các vùng trồng nhiều cây lương thực của Việt Nam. Góp phần làm tăng năng suất cây nông nghiệp. Sử dụng chế phẩm có chứa các chủng vi sinh tự nhiên, an toàn cho con người, vật nuôi, cây trồng nhằm từng bước tạo chế phẩm mang thương hiệu việt phát triển sạch và bền vững.
- Thử nghiệm và đề xuất trồng xen khoai tây vụ đông xuân tận dụng triệt để đất nông nghiệp tăng hiệu quả kinh tế nông nghiệp

Sản phẩm đề tài

Các bài báo đã công bố (liệt kê)
1. Ảnh hưởng của chế phẩm vi sinh dùng để xử lí rơm rạ tới chất lượng đất và năng suất khoai tây vụ đông tại huyện Kim Động – tỉnh Hưng Yên. Bài báo đã được duyệt đăng trên tạp chí Nông nghiệp và phát triển nông thôn, số 21, kì 1, tháng 11 năm 2013, tr.49-53 .
2. Ảnh hưởng của chế phẩm SH4 tới việc sản xuất phân Compost từ phụ phẩm nông nghiệp tại Lương Sơn - Hòa Bình. Bài báo đã được duyệt đăng trên tạp chí Nông nghiệp và phát triển nông thôn, số 23, kì 1, tháng 12 năm 2013, tr.18-21.
- Các sinh viên đã được đào tạo trong khuôn khổ của đề tài
1. Nghiên cứu sinh Hoàng Thị Bích 2011-2014: Nghiên cứu áp dụng công nghệ hóa sinh để chuyển hóa phế phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ) thành các sản phẩm có giá trị gia tăng và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Một số hình ảnh của đề tài:

12.lemaihuong

12.lemaihuong1

12.lemaihuong2

Hình ảnh thử nghiệm trên đồng ruộng

Địa chỉ ứng dụng

Huyện Kim Động – Tỉnh Hưng Yên và Huyện Quế Võ – Tỉnh Bắc Ninh