Thông tin Đề tài

Tên đề tài Thử nghiệm đánh giá sức tải môi trường của sông Bạch Đằng và sử dụng trong bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Cơ quan chủ trì (Cơ quan thực hiện) Viện Tài nguyên và Môi trường biển
Thuộc Danh mục đề tài Hướng Khoa học và Công nghệ biển (VAST06)
Họ và tên ThS. Cao Thị Thu Trang
Thời gian thực hiện 01/01/2008 - 01/01/2009
Tổng kinh phí 400 triệu đồng
Mục tiêu đề tài
  • Kiểm tra các nguồn thải ra sông Bạch Đằng.
  • Thử nghiệm và ứng dụng trong đánh giá sức tải môi trường của sông Bạch Đằng.
  • Sử dụng trong bảo vệ môi trường, phát triển bền vững khu vực sông Bạch Đằng.
Kết quả chính của đề tài

 Đề tài đã tổ chức hai chuyến thực địa khảo sát trên sông Bạch Đằng và tiến hành theo dõi các thí nghiệm tại phòng thí nghiệm vào mùa mưa năm 2008 và mùa khô năm 2009. Tổng số có khoảng 204 mẫu nước đã được thiết kế thu và phân tích các thông số chất lượng nước trong đề tài. Ngoài ra, đề tài đã tiến hành thu các mẫu nước thải của các nhà máy, xí nghiệp ven sông để phân tích các hàm lượng chất ô nhiễm trong mẫu nước. Đề tài đã thực hiện 6 báo cáo chuyên đề và xây dựng các bản đồ phân vùng phát thải chất ô nhiễm trong khu vực. Các số liệu thu thập, khảo sát và phân tích được hệ thống lại trong cơ sở dữ liệu dạng web.
Từ các kết quả nghiên cứu của đề tài, tập thể tác giả đã rút ra một số kết luận:

  • Hàng năm, sông Bạch Đằng tiếp nhận từ nguồn ven bờ khoảng 10,5 nghìn tấn COD, 4,4 nghìn tấn BOD, gần một nghìn tấn nitơ tổng số, 343 tấn phospho tổng số, gần 15 nghìn tấn tổng chất rắn lơ lửng (TSS) và khoảng 6 tấn kim loại nặng các loại. Khu vực có đóng góp lượng thải lớn nhất là quận Hồng Bàng và huyện Thủy Nguyên của thành phố Hải Phòng. Nguồn thải chủ yếu vào sông Bạch Đằng là nguồn sinh hoạt của dân cư, tiếp đến là chăn nuôi và công nghiệp. Dự báo đến năm 2020, tải lượng thải các chất ô nhiễm đưa vào sông Bạch Đằng sẽ tăng từ 1,7 đến 2,4 lần.
  • Tiến hành tính toán cân bằng khối lượng của các chất ô nhiễm trong sông Bạch Đằng qua các quá trình lắng đọng, phân hủy, khuếch tán, quang hợp và trao đổi nước, nhận thấy khả năng tự làm sạch của sông Bạch Đằng khá tốt, trong đó quá trình trao đổi nước có vai trò quyết định đến khả năng tự làm sạch của thủy vực. Tuy nhiên, khả năng phân hủy các chất hữu cơ trong nước có dấu hiệu suy giảm.
  • Mô hình toán mô phỏng khả năng lan truyền chất ô nhiễm trong sông năm 2009 và kịch bản năm 2010 cho thấy, đối với kịch bản hiện trạng, nước sông Bạch Đằng có giá trị COD và amoni lớn hơn giới hạn cho phép (GHCP) so với Qui chuẩn Việt Nam (QCVN) 10:2008 đối với nước biển ven bờ, hàm lượng phosphat có giá trị xấp xỉ GHCP. Các kim loại nặng như Cu và Zn một số nơi có giá trị xấp xỉ  GHCP. Đối với kịch bản dự báo năm 2010, khi tải lượng thải ven bờ tăng thì COD có giá trị khoảng 5,0 - 7,0 mg/l, các nhóm chất dinh dưỡng NH4; NO3 và PO4 có giá trị lần lượt là 300 µg/l; 228 µg/l và 70 µg/l, vượt GHCP đối với nước biển ven bờ của Việt Nam (QCVN 10:2008). Một số khu vực đã có biểu hiện bị ô nhiễm cục bộ bởi kim loại nặng, đó là khu vực nhỏ ven hai bờ sông Cấm và sông Bạch Đằng, nơi mà có nhiều khu công nghiệp và dịch vụ cảng hoạt động.
  • Kết quả tính toán khả năng tiếp nhận chất thải và sức tải của sông Bạch Đằng cho thấy, khả năng tiếp nhận của sông đối với nhóm chất dinh dưỡng (NH4, NO2 và phosphat) và tổng chất rắn lơ lửng (TSS) là không còn, nghĩa là hàm lượng hiện tại của chúng trong nước đã vượt quá GHCP trong QCVN 10:2008. Đối với nhóm chất hữu cơ (đại diện là BOD và COD) khả năng tiếp nhận tương ứng là 2,0 và 5,3 tấn/ngày. So với lượng thải ra hàng ngày, thì thủy vực đã quá tải đối với nhóm thông số này từ 5-6 lần. Đối với nhóm kim loại nặng, đáng chú ý là kẽm đã quá tải 2,38 lần, những thông số khác vẫn nằm trong khả năng tải của thủy vực. Sử dụng QCVN 08:2008 (Quy chuẩn đối với nguồn nước mặt) để đánh giá sức tải của sông cũng cho thấy, thủy vực không còn khả năng tiếp nhận đối với TSS và Pb. Khả năng đạt tải của các thông số BOD, COD, NH4, NO2 và PO4 tương ứng là 609%, 546%, 278%, 294% và 89%. Các thông số khác vẫn nằm trong khả năng tải của thủy vực.