Qua 2 năm thực hiện 2008 - 2009, đề tài đã đạt được các kết quả nghiên cứu sau: - Có được bộ số liệu về các giá trị của các HST biển ven bờ nghiên cứu (bao gồm HST rừng ngập mặn Tiên Lãng, HST cỏ biển Tam Giang - Cầu Hai, HST rạn san hô Cù Lao Chàm) trên cơ sở thu thập các số liệu nghiên cứu đã có, kết hợp với khảo sát bổ sung do đề tài thực hiện tại các HST biển nói trên trong năm 2008. Ngoài ra đề tài còn tiến hành các thí nghiệm để tìm hiểu các chức năng sinh thái được cung cấp từ các HST biển nghiên cứu như hấp thụ ô nhiễm, lọc dinh dưỡng, lắng đọng trầm tích, quang hợp làm cơ sở tính toán tổng giá trị kinh tế của các HST nghiên cứu.
- Có được bộ số liệu điều tra nhân dân về các giá trị thu được từ các hệ sinh thái biển nghiên cứu. Các thông tin về các yếu tố kinh tế - xã hội của các vùng nghiên cứu để làm cơ sở tính toán, lượng giá kinh tế các giá trị thu được từ các HST biển.
- Tìm hiểu các phương pháp lượng giá kinh tế tài nguyên trên thế giới, lựa chọn và áp dụng các phương pháp phù hợp với đề tài trong điều kiện Việt Nam. Chạy thông các mô hình tính toán kinh tế cho các phương pháp tính chi phí du lịch (TCM), phương pháp đánh giá ngẫu nhiên (CVM).
- Lượng hóa các giá trị sử dụng gián tiếp thành tiền tệ dựa trên số liệu khoa học thu được từ các thí nghiệm như đo cường độ quang hợp của thực vật ngập mặn (TVNM) trong RNM Tiên Lãng, đo năng suất sơ cấp của thảm cỏ biển trong phá Tam Giang - Cầu Hai, tính toán lượng CO2 được hấp thụ làm cơ sở khoa học cho tính toán kinh tế cho giá trị này.
- Trên cơ sở tìm hiểu những đe dọa và các chính sách quản lý của chính quyền địa phương đối với các HST biển nghiên cứu, đề tài đã đề xuất các nhóm giải pháp về chính sách và kỹ thuật cho từng điều kiện cụ thể của từng HST nhằm quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên của các HST RNM Tiên Lãng, cỏ biển trong phá Tam Giang - Cầu Hai và rạn san hô Cù Lao Chàm.
Kết quả đào tạo: Hướng dẫn 01 cán bộ tập sự thực hiện nội dung nghiên cứu theo hướng kinh tế môi trường. |