Kết quả chính của đề tài |
Sau hai năm thực hiện đề tài, tập thể tác giả đã hoàn thành 2 nhóm nội dung nghiên cứu bao gồm: 1. Nội dung mới được thực hiện trong đề tài:
- Thành tạo và phát triển các bãi bồi và bãi bồi ngầm trong mối liên quan với quá trình phát triển địa chất trầm tích tỉnh Cà Mau và châu thổ sông Cửu Long. Mô tả chi tiết đặc điểm địa mạo và trầm tích các bãi bồi và bãi bồi ngầm bờ biển Đông và mũi Cà Mau. Ngoài ra diện tích các bãi bồi và bãi bồi ngầm được xác định làm cơ sở cho công tác quy hoạch sử dụng đất cũng như dự báo các biến động môi trường ven biển trong tương lai.
- Thay đổi đường bờ biển trong hai mốc thời gian 1904 và 2002 tỉnh Cà Mau. Thay đổi đường bờ biển các giai đoạn vài chục năm từ 1904 - 2002 một số vị trí (có tài liệu) đặc trưng cho xói lở như khu vực cửa sông Bồ Đề và Rạch Gốc và bồi tụ ở bờ biển Tây từ mũi Cà Mau đến Bắc sông Cửa Lớn.
2. Các nội dung thu thập, phân tích và tổng hợp tài liệu từ các nghiên cứu có trước:
- Đặc điểm thủy hải văn khu vực nghiên cứu.
- RNM, hệ sinh thái RNM và các tài liệu liên quan.
- Sơ đồ địa chất trầm tích tỉnh Cà Mau tỷ lệ 1/200.000 và các tài liệu mặt cắt và địa tầng phần đất liền.
Từ các các kết quả nghiên cứu, đề tài rút ra các kết luận sau:
- Tỉnh Cà Mau thuộc rìa đồng bằng châu thổ, phát triển kiểu triều ưu thế và được thành tạo từ khoảng 3-4 nghìn năm về trước, trầm tích bề mặt được thành tạo từ khoảng 1,5 - 2,0 nghìn năm về trước, gồm 7 môi trường trầm tích đồng bằng ven biển, đầm lầy, đê thủy triều, đầm lầy RNM, dải cát ven bờ, bãi thủy triều và mũi cát. Thành tạo và phát triển các bãi bồi và bãi bồi ngầm trong mối liên quan với quá trình phát triển địa chất trầm tích châu thổ sông Cửu Long đã được xác định.
- Quá trình phát triển trầm tích ven biển góp phần quan trọng trong nghiên cứu đánh giá thay đổi đường bờ khoảng vài mươi năm trước đây, đồng thời dự báo xu thế thay đổi đường bờ trong thời gian tiếp theo.
- Diện tích các bãi bồi và bãi bồi ngầm được xác định làm cơ sở cho công tác quy hoạch sử dụng đất, cũng như dự báo các biến động môi trường ven biển trong tương lai.
- Thay đổi đường bờ biển tỉnh Cà Mau đã được xác định từ 1904 - 2002. Các sơ đồ thay đổi đường bờ và phát triển bãi bồi tỉnh Cà Mau tỷ lệ 1/200.000 và mũi Cà Mau tỷ lệ 1/50.000 cho phép đánh giá các quá trình xói lở, bồi tụ và ổn định các đoạn bờ biển. Có sự tương quan giữa diện tích xói lở ở bờ Đông và bồi tụ ở bờ Tây giai đoạn 1904 - 2002.
- Xói lở xảy ra khá nghiêm trọng ở bờ biển Đông, kéo dài từ cửa sông Gành Hào đến bãi Khai Long. Tổng diện tích xói lở khoảng 280 km2 với tốc độ xói lở trung bình 26 - 30 m/năm, trong đó đoạn bị xói lở cao nhất khoảng 50 - 67 m/năm, ở khu vực cửa sông Bồ Đề.
- Bồi tụ xảy ra ở bờ biển Tây, tổng diện tích bồi tụ từ Xóm Mũi đến hòn Đá Bạc khoảng 248 km2, trong đó đoạn từ Xóm Mũi đến Nam cửa sông Bải Háp có diện tích lớn nhất khoảng 168 km2 và tốc độ bồi lấn đường bờ khoảng 52 - 96 m/năm. Đường bờ ổn định tập trung ở phía Bắc hòn Đá Bạc đển rạch Tiểu Dừa huyện U Minh.
- Đặc điểm hình thái và trầm tích các bãi bồi và bãi bồi ngầm tỉnh Cà Mau được xác định. Nơi bờ biển Đông do bị xói lở nên bãi bồi có chiều ngang hẹp, địa hình lồi lõm với độ dốc lớn; ngược lại nơi bờ biển Tây bãi bồi thường bằng phẳng chiều ngang rất rộng, đặc trưng cho bờ biển bồi lấn.
- Khu vực mũi Cà Mau, cửa sông Cái Lớn và Bảy Háp, từ bãi Khai Long đến kênh Công Nghiệp huyện Phú Tân, có diện tích bãi bồi ngầm rất lớn, khoảng 532 km2, và bãi bồi khoảng 77 km2. Nơi đây là kho giống tự nhiên với nhiều loài tôm cá, giáp sát và nhuyễn thể, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao. Điều này cho thấy tiềm năng rất lớn nơi bãi bồi Cà Mau, do đó cần bảo vệ môi trường nơi đây, đặc biệt là giữ gìn và có kế hoạch trồng thêm RNM để mở rộng diện tích, đồng thời làm phong phú và gia tăng nguồn lợi thủy hải sản và đa dạng sinh học đới ven biển.
Kết quả đào tạo: Hướng dẫn thành công 01 khóa luận tốt nghiệp cử nhân khoa Môi trường, trường ĐHKHTN, Đại học Quốc gia TP.HCM. |