Thông tin Đề tài

Tên đề tài Nghiên cứu, đối sánh tân kiến tạo - địa động lực và cỗ địa mạo các bồn trũng trên thềm lục địa Việt Nam và tiềm năng khoáng sản liên quan.
Cơ quan chủ trì (Cơ quan thực hiện) Viện Địa chất
Thuộc Danh mục đề tài Hướng Khoa học và Công nghệ biển (VAST06)
Họ và tên TS. Lê Triều Việt
Thời gian thực hiện 01/01/2008 - 01/01/2009
Tổng kinh phí 400 triệu đồng
Mục tiêu đề tài

Làm sáng tỏ sự tiến hóa của các bồn trũng (Cửu Long và Nam Côn Sơn) trên thềm lục địa Việt Nam, trong mối quan hệ với trạng thái địa động lực và trạng thái cổ địa mạo khu vực Biển Đông thời kỳ Kainozoi. Tìm kiếm các tiền đề cho việc dự báo tiềm năng khoáng sản (chủ yếu về khía cạnh dầu khí) trong tương lai.

Kết quả chính của đề tài
  • Qua nghiên cứu, đối sánh và tổng hợp các tài liệu (tài liệu thu thập và khảo sát) về
    các khía cạnh kiến tạo, địa động lực và cổ địa hình khu vực các bồn trũng trên thềm lục địa Đông Nam Việt Nam (tức khu vực giữa bồn trũng Cửu Long và bồn trũng Nam Côn Sơn), đề tài đạt được một số thành quả như sau:
  • Sự tiến hóa địa hình - địa mạo của thềm lục địa Việt Nam qua thời kỳ phát triển chính: Cuối Oligocen, cuối Miocen và Đệ Tứ đã được thể hiện bằng sơ đồ.
  • Lần đầu tiên các sơ đồ cổ địa hình các giai đoạn phát triển chính (cuối Oligocen, cuối Miocen và Pliocen - Đệ Tứ) của bồn trũng Cửu Long và Nam Côn Sơn được thiết lập.
  • Lần đầu tiên mối liên hệ giữa hoạt động kiến tạo - địa động lực và sự tiến hóa địa hình - địa mạo cùng với quá trình trầm tích trong Kainozoi ở hai bồn trũng Cửu Long và Nam Côn Sơn được thiết lập thành biểu bảng.
  • Lần đầu tiên đặc trưng hoạt động của các hệ đứt gãy ở khu vực đảo Côn Sơn được xác lập.

Ngoài ra qua việc đối sánh, đề tài rút ra một số kết luận sau:

  • Sự khởi đầu của hình thành bồn trũng Cửu Long xảy ra sớm hơn (trước Oligocen sớm); quá trình tạo rift chính ở đây cũng xảy ra sớm hơn (trước Oligocen muộn) và kết thúc sớm hơn (vào cuối Oligocen muộn đầu Miocen sớm). Trong khi đó ở bồn trũng Nam Côn Sơn quá trình tạo rift sớm vào Oligocen muộn mới bắt đầu; đến cuối Miocen giữa mới kết thúc quá trình phát triển rift.
     Hoạt động đứt gãy cũng như nâng nén ép ở hai bồn trũng có sự lệch pha với nhaư: ở bồn trũng Cửu Long hoạt động đứt gãy sớm hơn, mạnh hơn và chủ yếu kết thúc vào cuối Miocen sớm; còn ở bồn trũng Nam Côn Sơn hoạt động đứt gãy kéo dài đến cuối Miocen muộn, thậm chí sang cả Pliocen - Đệ Tứ.
  • Quá trình tiến hóa kiến tạo của các bồn trũng bị ảnh hưởng nhất định của quá trình tách giãn đáy biển Đông, nhất là bồn trũng Nam Côn Sơn trong giai đoạn Miocen sớm - giữa.
  • Cơ chế hình thành bồn Cửu Long có lẽ là sự kết hợp giữa hoạt động trượt bằng trái - kéo tách dọc hệ thống đứt gãy Mae Ping - Sông Hậu (ở phần Tây) vào Eocen muộn và muộn hơn đôi chút là sự lún, tách giãn kế thừa trên một tách giãn cổ (ở phần Đông) cùng với sự hoạt động trượt bằng phải của hệ đứt gãy á kinh tuyến và ảnh hưởng chủ yếu trong quá trình giãn đáy đại dương. Trong khi đó bồn trũng Nam Côn Sơn hình thành do trượt bằng phải, của hệ thống đứt gãy 109o- 110o kết hợp với ảnh hưởng của quá trình giãn đáy biển Đông trên một đới tách giãn cổ.
    Kết quả nghiên cứu cho phép tập thể tác giả của đề tài phân chia được 3 giai đoạn trong quá trình tiến hóa chung của các bồn trũng. Đó là các giai đoạn: Eocen-Oligocen, Miocen và Pliocen- Đệ Tứ như đã được đề cập chi tiết ở phần trên.
    Quá trình tiến hóa của các bồn trũng phức tạp như vậy, nên đã tạo ra một hệ thống dầu khí đa dạng và phong phú. Đó là các tầng sinh, chứa, chắn, các loại bẫy chứa đa nguồn gốc, đặc biệt là bẫy chứa trong móng uốn nếp trước Kainozoi mà trong lịch sử tìm kiếm dầu khí lần đầu tiên phát hiện được ở nước ta. Dựa trên kết quả phân tích tổng hợp tài liệu, đề tài đưa ra các tiền đề cho việc tiếp tục tìm kiếm dầu khí tại các địa điểm nêu trên.

Kết quả nghiên cứu, phân tích tổng hợp tài liệu:

  • Xây dựng được sơ đồ cổ địa mạo thềm lục địa Việt Nam cho 3 thời kỳ phát triển chính: cuối Oligocen, cuối Miocen và Pliocen  Đệ Tứ.
  • Thành lập được sơ đồ cổ địa hình các giai đoạn phát triển chính (cuối Oligocen, cuối Miocen và Pliocen - Đệ Tứ) cho bồn trũng: Cửu Long và Nam Côn Sơn.
  • Thành lập được sơ đồ kiến tạo Kainozoi bồn trũng Cửu Long.
  • Thiết lập được bảng đối sánh các đặc trưng chính về kiến tạo - địa động lực và cổ địa hình - địa mạo của bồn trũng Cửu Long và Nam Côn Sơn.
  • Thành lập được bảng độ cao nguyên thủy (gần đúng) cho một số bề mặt trầm tích chính trong bồn trũng Cửu Long và Nam Côn Sơn.
  • Xác định được một số thông số về trường ứng suất kiến tạo và các đới phá hủy trên đảo Côn Sơn cũng như trên rìa Tây bồn trũng Cửu Long.
  • Đề xuất các tiền đề cho việc tiếp tục tìm kiếm khoáng sản (chủ yếu là khoáng sản nhiên liệu).

Ý nghĩa nghiên cứu của đề tài:
 Ý nghĩa khoa học:

  • Kết quả của đề tài sẽ là tài liệu quý cho hướng nghiên cứu địa kiến tạo và địa động lực khu vực.
  • Là tài liệu tốt cho các lĩnh vực liên quan tham khảo, cho giảng dạy về địa chất biển ở trường đại học và cung cấp tài liệu cho một luận văn thạc sỹ hướng nghiên cứu kiến tạo - địa động lực.

 Ý nghĩa thực tiễn:

  • Các kết luận, đề xuất của đề tài có thể áp dụng cho việc nghiên cứu, phân tích sinh khoáng và tìm kiếm dầu khí ở giai đoạn tiếp theo ở bồn trũng Cửu Long và Nam Côn Sơn.
    Tuy nhiên trong khuôn khổ thời gian nghiên cứu của đề tài chỉ hơn hai năm nên một số vấn đề chưa được phân tích thấu đáo.