Khu vực nghiên cứu |
- Đã làm sáng tỏ điều kiện hình thành và thoái hóa đất tỉnh Quảng Trị có tính chất đa dạng và phức tạp, thể hiện kết quả lôgic giữa quy luật địa đới và phi địa đới theo hướng Đông Tây và Bắc Nam. Do tác động tổng hợp của nhiều nhân tố: Địa chất, địa hình, địa mạo, khí hậu thủy văn, thảm thực vật và hoạt động của con người, nên đã hình thành lớp phủ thổ nhưỡng khá đa dạng và đặc thù với 11 nhóm đất, 32 đơn vị đất. Trong đó: Nhóm đất đỏ vàng có diện tích lớn nhất 357.191 ha (bằng 75,27% diện tích tự nhiên), nhóm đất phù sa 40.492 ha (8,53%), nhóm đất cát 34.732 ha (7,32%), nhóm đất mặn và đất phèn 1.848 ha (0,39%), nhóm đất xám bạc màu 1.304 ha (0,27%),và nhóm đất mùn vàng đỏ 10.871 ha (2,29%). Đất đồi núi chiếm diện tích lớn với độ dốc khá cao : < 15o chiếm 37,62% (178.552 ha) 15-25o chiếm 23,01% (109.215 ha) ; >25o chiếm 33,93% (161.015 ha) đều chịu tác động của quá trình hình thành đất theo bề mặt và bề sâu. Sự di chuyển sét theo chiều sâu khá rõ tạo nên tầng B Ferralit (đất Ferralsols) và tầng B Argic (đất Acrisols) chiếm ưu thế, đặc trưng của đất nhiệt đới. Nhóm đất phù sa tuy có diện tích nhỏ nhưng giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp vì chúng nằm ở địa hình thấp bằng, gần nguồn nước, thuận tiện trong việc canh tác. Nhóm đất mặn và đất cát ven biển chứa đựng tiềm năng thoái hóa lớn.
- Quá trình hình thành và thoái hoá đất chủ yếu ở tỉnh Quảng Trị là: Quá trình feralit-laterit đi liền với quá trình hình thành kết von đá ong hóa, xói mòn, rửa trôi đất dốc đồi núi. Quá trình sialit- sialit feralit hình thành đất phù sa, phù sa cổ ; đất glây đi liền với quá trình vùi lấp, dốc tụ, glây và lầy hoá ở thung lũng. Quá trình mặn hoá, phèn hoá đất vùng cửa sông ven biển. Quá trình cát bay, cát chảy. Các dạng thoái hoá cơ bản của đất Quảng trị là dạng đất xói mòn mạnh trơ sỏi đá (Lithic laptosols), dạng đất bạc màu (Haplic Acrisols), dạng đất cát di động (bay, chảy, nhảy) (luvic-Haplic Arenosols), dạng đất mặn, đất phèn (Gleyic-Salic-Thionic Fluvisol), dạng thoái hoá sập lở và hoá đá sau khi khai thác khoáng sản (Anthrosolo-Rock)... Các quá trình thoái hoá đã thể hiện rõ ràng nguyên nhân thoái hoá và những tính chất hiện tại của các đơn vị đất bị thoái hoá.
- Căn cứ vào việc phân loại đất, đặc điểm lý hoá các đơn vị đất, các điều kiện tự nhiên hình thành các đơn vị đất, đề tài đã xây dựng một số tiêu chí cơ bản về đá mẹ, vỏ phong hoá tương ứng, độ dốc, tầng dầy, địa mạo-thổ nhưỡng, tính cực đoan của khí hậu - thủy văn như xuất hiện gió khô nóng, lũ lụt để làm cơ sở thành lập bản đồ tiềm năng thoái hoá đất tỉnh Quảng Trị tỷ lệ 1/100.000. Kết quả đánh giá tiềm năng thoái hoá đất đã được thể hiện chi tiết bởi quy mô và cường độ với 3 cấp độ: T1: tiềm năng thoái hoá yếu (9108ha chiếm 19,34%), T2: tiềm năng thoái hoá trung bình (157.397ha chiếm 33,17%)., T3:tiềm năng thoái hoá mạnh đến rất mạnh (211.343ha chiếm 44,53%).
- Thành lập bản đồ thoái hoá đất hiện tại tỉnh Quảng Trị tỷ lệ 1/100.000 trên cơ sở phân tích các đặc điểm tính chất thoái hoá đất hiện tại tỉnh Quảng Trị. Bản đồ này xác nhận tại tỉnh Quảng Trị đến năm 2005 có 226.641,7 ha đất thoái hoá nhẹ (H1) tương đương (47,80%); 160.838 ha đất thoái hoá trung bình (H2) tương đương (33,92%); 65.361 ha đất thoái hoá nặng (H3) tương đương (13,98%).
- Thành lập bản đồ thực trạng thoái hoá đất tỉnh Quảng Trị tỷ lệ 1/100.000 trên cơ sở tổ hợp ma trận tương quan giữa bản đồ tiềm năng thoái hoá đất (T) và bản đồ thoái hoá đất hiện tại (H). Như vậy, thực trạng thoái hoá phân thành các cấp QT1: Đất thoái hoá nhẹ chiếm 153.534ha tương ứng với 32,25% diện tích tự nhiên , QT2: Đất thoái hoá trung bình chiếm 164.496ha tương ứng với 34,56% diện tích tự nhiên, QT3: Đất thoái hoá nặng chiếm 139.935ha tương ứng với 29,40% diện tích tự nhiên. Bản đồ thực trạng thoái hoá đất là loại bản đồ đánh giá tổng hợp thoái hoá đất cho phép đánh giá và dự báo các quá trình thoái hoá đất phục vụ cho định hướng sử dụng hợp lý và cải tạo đất đã bị thoái hóa.
- Dựa trên cơ sở quan điểm sử dụng bền vững độ phì tiềm năng đất đai, kết quả tổng hợp đánh giá thoái hoá đất tỉnh Quảng Trị. Đề tài đã đề xuất 4 nhóm giải pháp ngăn ngừa thoái hóa đất, sử dụng đất hợp lý, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai: chính sách quản lý, pháp luật và tuyên truyền giáo dục, kinh tế - sinh thái, công trình và công nghệ. Mỗi nhóm giải pháp được áp dụng cho các vùng thoái hoá cụ thể.
- Các giải pháp về chính sách quản lý, pháp luật và tuyên truyền giáo dục:
- Nghiên cứu xây dựng và ban hành các chính sách giao đất giao rừng phù hợp, các qui định về quản lý, sử dụng các loại đất: Quản lý đất dốc, quản lý đất theo lưu vực sông, quản lý đất rừng, quản lý đất ngập nước và các cồn cát, dải cát trên địa bàn.
- Xây dựng các chiến lược, quy hoạch sử dụng đất bền vững đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà .
- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về việc sử dụng hợp lý tài nguyên đất, áp dụng các mô hình sử dụng đất bền vững.
- Đào tạo và huấn luyện nâng cao kiến thức của người dân trong việc áp dụng các kỹ thuật sử dụng và quản lý đất bền vững.
- Các giải pháp kinh tế - sinh thái:
Tùy theo thực trạng thoái hóa đất để lựa chọn mô hình cây con thích hợp. - Để bảo đảm lương thực vùng núi cần phải định canh, định cư bảo vệ và phát triển rừng, chống xói mòn, sạt lở rửa trôi đất. Lựa chọn cây nông nghiệp trồng cạn như: Ngô, đỗ và cây có củ. Cần áp dụng các mô hình sinh thái khác nhau trong vùng nghiên cứu nhằm bảo đảm hiệu quả phát triển kinh tế -xã hội và bảo vệ môi trường: Xây dựng các mô hình RVAC (rừng - vườn - ao - chuồng) hay VAC (vườn - ao - chuồng).
- Xác định quy mô hợp lý phát triển các vùng chuyên canh trồng cây ăn quả và cây lâu năm, cây công nghiệp như cao su, cà phê, hồ tiêu có giá trị kinh tế cao và áp dụng quy trình canh tác tiến bộ trên đất dốc.
- Các giải pháp sinh thái - công trình và công nghệ:
- Áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp: sinh học, canh tác, thuỷ lợi....để đầu tư thâm canh sử dụng đất theo chiều sâu vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao vừa ngăn chặn xói mòn và cải thiện độ phì của đất, nâng cao năng suất cây trồng.
- Trồng rừng và bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, phủ xanh đất trống, núi trọc, áp dụng các biện pháp canh tác trên đất dốc.
- Trồng rừng phòng hộ chống cát bay, cát chảy để bảo vệ vùng nội đồng, giữ nguồn nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt của dân cư trong vùng.
- Áp dụng các biện pháp chống ô nhiễm đất do các chất thải sinh hoạt, công nghiệp, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp, khai khoáng.
- Sử dụng các biện pháp phòng chống, khắc phục sự cố : trượt lở, xói mòn trên đất dốc, sạt lở bờ sông. Dự báo và phòng chống các tai biến thiên nhiên: sập lở, lũ quét, lũ ống, lũ bùn đá.
- Giải pháp cho các vùng thoái hoá cụ thể:
- Các giải pháp cho vùng thoái hoá nặng: Thực tế ở những nơi đất đã bị thoái hoá nghiêm trọng tại Quảng Trị đó là đất xói mòn trơ sỏi đá, đất cồn cát, đất nương rẫy, đất trảng cỏ có diện tích 139.935ha tương ứng với 29,40% diện tích tự nhiên thì các cây có giá trị kinh tế khó có thể phát triển được. Do đó, vấn đề trước tiên là phải tiến hành khoanh nuôi tái sinh tự phục hồi, tạo ra môi trường thuận lợi cho chúng, sau đó mới tiến hành trồng trọt. Đất quá xấu, cải tạo sẽ tốn kém mà trồng ngay các cây kinh tế có giá trị thì chắc chắn không thành công, không những không mang lại lợi ích mà còn làm cho môi trường tiếp tục bị suy thoái.
- Các giải pháp cho vùng thoái hoá nhẹ đến trung bình: Vùng này có diện tích 318030 ha chiếm 66,81% diện tích tự nhiên, ở đó cây trồng có giá trị kinh tế có thể phát triển được, tại đây tiến hành khai thác kết hợp cải tạo đất thử nghiệm, trồng các cây có giá trị kinh tế thích hợp với điều kiện sinh thái để có thể tạo ra các sản phẩm góp phần cải thiện đời sống của đồng bào. Đồng thời phải tiến hành các biện pháp bảo vệ môi trường, chống xói mòn, rửa trôi đất. Các loại mô hình này gọi là mô hình theo hướng kinh tế sinh thái. Đối với vùng đất có tiềm năng thoái hóa yếu, cần đầu tư các sản phẩm công nghệ cao như phân bón, chất giữ ẩm cùng với các mô hình chuyên canh cho hiệu quả kinh tế cao, bền vững.
|