Thông tin Đề tài

Tên đề tài Đánh giá hiện trạng phân bố san hô vùng biển ven bờ trên cơ sở tư liệu ảnh vệ tinh và khảo sát ngầm
Cơ quan chủ trì (Cơ quan thực hiện) Viện Tài nguyên và Môi trường biển
Thuộc Danh mục đề tài Hướng Khoa học và Công nghệ biển (VAST06)
Họ và tên ThS. Trần Văn Điện
Thời gian thực hiện 01/01/2006 - 01/01/2007
Tổng kinh phí 400 triệu đồng
Kết quả chính của đề tài
  • Đề tài đã thực hiện 03 chuyến khảo sát thực địa: 01 chuyến tại khu vực quần đảo Cô Tô vào tháng 6 năm 2006 với 71 điểm khảo sát lặn ngầm theo 10 tuyến; 01 chuyến tại khu vực đảo Bạch Long Vỹ vào tháng 5 năm 2007 với 71 điểm khảo sát lặn ngầm theo 10 tuyến và 2000 điểm đo sâu cũng được thực hiện xung quanh đảo để xây dựng mô hình số độ sâu phục vụ hiệu chỉnh ảnh hưởng của sóng; 01 chuyến tại khu vực đảo Cồn Cỏ tháng 11 năm 2006 với 42 điểm khảo sát lặn ngầm trên 10 tuyến khảo sát; 01 chuyến tại khu vực vịnh Nha Trang và 01 chuyến tại khu vực quần đảo An Thới. Tại mỗi điểm khảo sát, các thông số về vị trí, thời gian, độ trong của nước, độ sâu, lặn quay phim chụp ảnh chất đáy được thực hiện. Đây là những thông số quan trọng để thực hiện hiệu chỉnh cột nước. Tất cả các tài liệu khảo sát được quản lí trong cơ sở dữ liệu GIS phục vụ việc giải đoán ảnh vệ tinh.
  • Thu được các kết quả xử lý ảnh vệ tinh.
  • Xây dựng Bản đồ phân bố san hô.
  • Cơ sở dữ liệu GIS san hô.
  • Đánh giá hiện trạng phân bố san hô, an toàn hệ sinh thái và đề xuất các biện pháp quản lý:

+     Đánh giá hiện trạng phân bố từ các bản đồ phân bố san hô một số khu vực trọng điểm.
+     Đánh giá an toàn hệ sinh thái rạn san hô Cô Tô, Bạch Long Vỹ và Cồn Cỏ.
+     Đề xuất các biện pháp quản lý rạn san hô cho một số khu vực trọng điểm.

Từ các kết quả nghiên cứu, đề tài đã đưa ra các kết luận như sau:

  • Phương pháp phân tích chỉ số bất biến theo độ sâu là phương pháp cơ bản để giải đoán rạn san hô. Trong một số trường hợp với kết hợp phương pháp này với một số kỹ thuật khác như phương pháp gộp ảnh giữa các băng màu của ảnh SPOT5 (ĐPG: 10m) với băng toàn sắc PAN (ĐPG: 5m), kết hợp với vài bước xử lý viễn thám đặc biệt như phân tích PCA, PC spectral sharpeness đã cho phép phân lập tốt phân bố san hô và các hợp phần nền đáy  khác ở vịnh Nha Trang.
  • Một quy trình chi tiết giải đoán ảnh viễn thám bằng phương pháp tính chỉ số bất biến theo độ sâu đã được đề xuất.
  • Một đối sánh về khả năng sử dụng các loại ảnh viễn thám khác nhau đã được phân tích, kết quả phân tích cho thấy:
  1. Ảnh Landsat 7 (ĐPG: 30m) và ảnh ASTER (ĐPG: 15m), cho phép giải đoán phân bố rạn san hô ở các khu vực bãi rộng (> 200m), ở vùng nước nông và nước thường trong xanh. Ở các khu vực khác khó có thể sử dụng các loại ảnh này trong giải đoán phân bố của san hô.
  2. Ảnh SPOT5 và ảnh AVNIR2 có độ phân giải 10m cho phép giải đoán phân bố rạn san hô ở các vùng rạn hẹp và san hô phân bố ở độ sâu lớn. Tuy nhiên do ảnh AVNIR2 có băng xanh lam (Blue) nên kết quả giải đoán tỏ ra tốt hơn. Riêng ảnh IKONOS được sử dụng cho xác định phân bố san hô là tốt nhất.
  3. Việc gộp ảnh màu (10m) kết hợp với các ảnh toàn sắc (5m và 2m) kết hợp với một số bước xử lý thích hợp sẽ tăng cường chất lượng của phép giải đoán ảnh.
  4. Cần nâng cao chất lượng giải đoán ảnh bằng các loại ảnh có độ phân giải cao hơn, dải phổ màu rộng hơn.
  • Các công cụ hỗ trợ giải đoán ảnh phân bố rạn san hô bằng phương pháp tính chỉ số bất biến theo độ sâu đã được xây dựng và nhúng trực tiếp vào phần mềm viễn thám ENVI 3.6.
  • Bản đồ phân bố chi tiết về rạn san hô ở hai khu vực đảo Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, vịnh Nha Trang và An Thới - Phú Quốc cùng với những phân bố diện tích đính kèm đã được thành lập từ giải đoán ảnh vệ tinh. Riêng khu vực quần đảo Cô Tô bản đồ phân bố san hô được thành lập từ khảo sát thực địa.