Kết quả chính của đề tài |
- Đã thiết lập Bản đồ Cấu trúc-kiến tạo và địa động lực khu vực trũng Sông Hồng-Vịnh Bắc Bộ và phụ cận, tỷ lệ 1: 500 000.
- Sơ đồ mô phỏng pha nghịch đảo kiến tạo trong trũng Sông Hồng-Vịnh Bắc Bộ.
- Các biểu đồ, biểu bảng và tài liệu minh họa khác.
- Báo cáo tổng kết và tóm tắt báo cáo.
Kết quả nghiên cứu được thể hiện trong báo cáo tổng kết với các nội dung chính sau: - Mở đầu
- Chương I: Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu.
- Chương II: Đặc điểm kiến tạo khu vực và những vấn đề về trũng Sông Hồng-Vịnh Bắc Bộ.
- Chương III: Đặc điểm tiến hoá kiến tạo trũng Sông Hồng-Vịnh Bắc Bộ
- Chương IV: Hoạt động nghịch đảo kiến tạo và vai trò của chúng đối với các cấu trúc có khả năng chứa dầu khí.
Từ các kết quả nghiên cứu tập thể tác giả đã rút ra được một số kết luận sau: - Sự hình thành trũng Sông Hồng ban đầu ít liên quan đến kiến tạo xô húc. Các tách dãn phương á vỹ tuyến ban đầu có lẽ liên quan nhiều hơn đến pha kiến tạo Yến Sơn, quan hệ mật thiết đến sự va chạm của hai mảng Nam và Bắc Trung Quốc, có thể liên quan đến hoạt động trượt phải - tách dãn của đứt gãy Sông Hồng, với sự thành tạo các địa hào dọc theo các đứt gãy phương Tây Bắc - Đông Nam. Ngoài ra, một phần có thể bị chi phối bởi đới hút chìm của Biển Đông Mezozoi cổ, xuống dưới lục địa Châu Á.
- Tồn tại 4 pha kiến tạo cơ bản, liên quan trực tiếp đến sự hình thành và tiến hoá trũng Sông Hồng - Vịnh Bắc Bộ, với đặc điểm trường ứng suất khác nhau: Pha kiến tạo thứ nhất là pha tách dãn theo phương á vỹ tuyến. Nó được ghi nhận ở nhiều nơi trên đới ven biển Tây Vịnh Bắc Bộ, có thể liên quan đến một pha dịch phải của đứt gãy Sông Hồng và biểu hiện của những hoạt động tạo rift sớm nhất. Pha thứ hai có kiểu trượt bằng, với phương nén cực đại á vỹ tuyến, liên quan đến bề mặt bất chỉnh hợp 32-30 triệu năm trong bồn trũng và đánh dấu sự ngừng tách dãn tại hầu hết các cấu trúc rift, đồng thời với sự bắt đầu quá trình dãn đáy hình thành vỏ đại dương Biển Đông và trượt trái mạnh mẽ của đứt gãy Sông Hồng. Pha thứ ba với nén ép cực đại định hướng theo phương Đông Bắc - Tây Nam. Pha này đã tạo nên một số hoạt động nghịch chờm khá rõ trên đất liền và liên quan đến hoạt động nghịch đảo kiến tạo, xảy ra ở phần Tây Bắc của bể Sông Hồng vào Miocen giữa và muộn, với các bề mặt bất chỉnh góc có tuổi 15,5 và 5,5 triệu năm. Pha kiến tạo thứ tư (trẻ nhất) ghi nhận được trong khu vực được phản ánh qua các hoạt động thuận tách rất trẻ, với phương tách dãn cực đại Đông Bắc - Tây Nam, gây nên các dịch trượt kiểu trượt phải của các đứt gãy phương á vỹ tuyến. Hoạt động tách dãn này gây sụt lún mạnh mẽ trong bể Sông Hồng, với chiều dày cực đại của trầm tích Pliocen - Đệ Tứ ở trung tâm đạt tới 4 km .
- Các hoạt động nghịch đảo kiến tạo mạnh Miocen giữa-muộn trong trũng Sông Hồng có các lực nén cực đại định hướng theo phương Đông Bắc-Tây Nam. Do đó sự đổi dấu dịch chuyển của đới đứt gãy Sông Hồng (có phương nén á kinh tuyến) không là nguyên nhân chính của các hoạt động nghịch đảo kiến tạo.
- Các hoạt động tách dãn và co rút của trũng Sông Hồng là sự kết hợp giữa các nguyên nhân tại chỗ và hoạt động kiến tạo khu vực, liên quan đến các vận động tương tác giữa các mảng thạch quyển Bắc Trung Quốc, Nam Trung Quốc, Đông Dương, Biển Đông.
- Hoạt động sụt lún của trũng Sông Hồng diễn ra theo các chu kỳ, tương ứng với các chu kì thay đổi của dòng nhiệt. Đã từng xuất hiện 3 chu kì nhiệt cực đại ứng với các thời điểm khoảng 47 triệu năm, 22 triệu năm và khoảng 1,9 triệu năm. Chúng liên quan mật thiết với ba chu kì sụt lún mạnh là 50-45 triệu năm; 28-22 triệu năm và 5,2-1,9 triệu năm. Đó cũng chính là 3 pha tạo rift trong trũng Sông Hồng - Vịnh Bắc Bộ.
- Hoạt động nghịch đảo kiến tạo trong trũng Sông Hồng - Vịnh Bắc Bộ và phụ cận về cơ bản xảy ra sau các pha tạo dầu và khí, do đó chúng chủ yếu đóng vai trò phá huỷ, ảnh hưởng xấu đến khả năng chứa các bẫy.
- Tốc độ sụt lún và lắng đọng trầm tích nhanh của trũng Sông Hồng - Vịnh Bắc Bộ là một tiền đề không thuận lợi cho tích tụ dầu khí vào các bẫy do hoạt động nghịch đảo kiến tạo tạo nên.
|